Tổ chức Y tế thế giới - WHO tuyên bố phải 2 năm nữa mới có thể chấm dứt đại dịch toàn cầu Covid-19. Việt Nam là một trong số những quốc gia có biện pháp khá hữu hiệu để ngăn chặn sự tàn phá khủng khiếp của Covid-19.
Thế nhưng, chỉ với đợt lây nhiễm thứ hai kéo dài từ cuối tháng 7/2020 đến nay, thì số bệnh nhân Covid-19 tại nước ta đã vượt qua con số 1.000.
Chính phủ đã xác định chống dịch Covid-19 là cuộc chiến trường kỳ, vì vậy mọi hoạt động liên quan đến quá trình đẩy lùi virus corona đều phải được giám sát kỹ lưỡng. Trong đó, thị trường khẩu trang y tế đang bị thả nổi là một trong những điều đáng ái ngại nhất.
So với đợt lây nhiễm thứ nhất, thì mức độ khan hiếm khẩu trang y tế trong đợt lây nhiễm thứ hai đã được giải quyết. Không ít công ty vật tư y tế đã nhanh chóng thiết lập dây chuyền sản xuất và phân phối khẩu trang y tế. Lượng hàng thì dồi dào, nhưng giá cả vẫn đắt đỏ. Thật là một nghịch lý khó lý giải.
Trước khi có dịch Covid-19, giá mỗi hộp khẩu trang y tế (50 cái) dao động ở mức 30-35 nghìn đồng. Còn hiện tại, muốn mua một hộp khẩu trang phải mất từ 120-150 nghìn đồng. Nghĩa là chỉ sau 6 tháng, giá khẩu trang y tế đã tăng gấp 4 lần. Nguyên nhân tăng vọt, không phải vì chênh lệch cán cân cung - cầu, mà vì không có bất kỳ sự quản lý nào.
Để bảo đảm cho sự vận hành của nền kinh tế quốc gia trong đại dịch toàn cầu, Chính phủ đã áp dụng những chính sách ưu đãi và thuế và phí cho tất cả các doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế thì càng nhận được nhiều hỗ trợ hơn.
Vậy thì, các công ty vật tư y tế lấy cớ gì để nâng giá khẩu trang y tế? Thị trường khẩu trang y tế vì sao lại đi ngược xu hướng cả xã hội đang chung tay đồng lòng để chống Covid-19, là một câu hỏi nhức nhối không của riêng ai.
Nếu thị trường thực sự khan hiếm, người dân sẵn sàng sử dụng khẩu trang vải để nhường khẩu trang y tế cho đội ngũ y bác sĩ và nhân viên phục vụ khu cách ly.
Còn bây giờ, khẩu trang y tế bày bán nhan nhản khắp nơi với giá ngất ngưởng, thì rõ ràng có những kẻ đang làm giàu từ nỗi lo Covid-19. Hai ngành liên quan trực tiếp đến thị trường khẩu trang y tế là Bộ Y tế và Bộ Công thương hầu như chưa có một động thái chấn chỉnh nào.
Chống dịch Covid-19 là cuộc chiến trường kỳ, nên rất cần huy động sức người sức của mọi thành phần xã hội. Nếu những đơn vị sản xuất khẩu trang y tế chỉ biết nâng giá và giữ giá để củng cố lợi nhuận của mình, thì chắc chắn sẽ tiêu diệt những tấm lòng từ thiện muốn góp phần ngăn chặn virus Corona.
Bởi lẽ, trước một thị trường khẩu trang y tế đầy bất hợp lý như vậy, thì các Mạnh Thường Quân sẽ ngại ngần khi mua tặng khẩu trang y tế gửi đến tuyến đầu chống dịch, cũng như mua tặng khẩu trang y tế cho các máy ATM khẩu trang miễn phí phục vụ người lao động nghèo.