| Hotline: 0983.970.780

Ai nhắm mắt để hàng loạt biệt thự mọc trên đất công ở Vĩnh Phúc?

Thứ Tư 17/03/2021 , 13:40 (GMT+7)

Nhà nước giao đất cho doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp nhưng lại chia chác nhau để xây biệt thự, tỉnh Vĩnh Phúc đang gánh chịu hậu quả việc buông lỏng quản lý đất đai.

Biệt thự khủng mọc trái phép trên đất nông nghiệp ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

Biệt thự khủng mọc trái phép trên đất nông nghiệp ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

Những biệt thự "ma" mọc trên đất công

Từ nhiều năm trước, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao hàng trăm ha đất cho Công ty TNHH Kim Long và Công ty TNHH Nhân Nghĩa tại các phường Liên Bảo, Khai Quang, xã Định Trung thuộc Thành phố Vĩnh Yên và xã Kim Long thuộc huyện Tam Dương.

Cụ thể, Công ty TNHH Kim Long được giao hơn 140ha đất nông nghiệp trên địa bàn xã Định Trung, phường Liên Bảo và phường Khai Quang thuộc TP Vĩnh Yên để trồng mía, cây ăn quả. Sau nhiều lần điều chỉnh, thu hồi, diện tích thực tế Công ty TNHH Kim Long quản lý vào khoảng hơn 100 ha.

Sau một thời gian phát triển sản xuất không thực sự hiệu quả, trên diện tích đất này đã xảy ra hàng loạt những hiện tượng chiếm đất để xây dựng các công trình, chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng không đúng mục đích...

Tháng 4/2019, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập đoàn thanh tra và phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai ở phường Liên Bảo, Khai Quang và xã Định Trung chủ yếu trên diện tích Công ty TNHH Kim Long được giao.

Tại phường Khai Quang có 28 trường hợp vi phạm trên diện tích hơn 23.120m2. Phường Liên Bảo có 39 trường hợp vi phạm, xây dựng các công trình trái phép trên diện tích 124.828m2. Xã Định Trung có 5 trường hợp vi phạm chiếm đất, xây dựng công trình trên đất, chuyển nhượng đất không đúng quy định pháp luật diện tích 76.760m2...

Bất chấp các hoạt động thanh kiểm tra, hành vi xây dựng trái phép biệt thự trên đất công vẫn ồ ạt diễn ra ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

Bất chấp các hoạt động thanh kiểm tra, hành vi xây dựng trái phép biệt thự trên đất công vẫn ồ ạt diễn ra ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

Điều đáng nói, đã 2 năm sau kết luận thanh tra, mặc dù đã có hàng trăm văn bản chỉ đạo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn ở tỉnh Vĩnh Phúc, tuy nhiên những hành vi vi phạm, đặc biệt là xây dựng biệt thự trái phép trên đất nông nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra, thậm chí còn có những biểu hiện ngang nhiên, manh động, thách thức pháp luật hơn so với thời gian trước.

Có mặt tại các khu vực đồi Quyết Thắng (thôn Tấm, xã Định Trung) và khu vực đồi Kim Long, gần Núi Đinh, Núi Đúng (phường Liên Bảo), hàng chục căn biệt thự nguy nga tráng lệ mọc lên trên những sườn đồi. Có những căn đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng, có những căn đang xây dựng dang dở.

Núi đồi vốn là đất sản xuất nông nghiệp trước đây đã bị chia chác, xẻ thịt để nhường chỗ cho biệt thự mọc lên. Phía chính quyền địa phương dù đã có những động thái lập biên bản, thậm chí là cưỡng chế vi phạm một số công trình nhưng những ngôi biệt thự vẫn nằm đó như thách thức.

Báo cáo của UBND Thành phố Vĩnh Yên gửi Thường trực Thành ủy Vĩnh Yên về việc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra và công tác quản lý đất đai trên địa bàn thể hiện: Các trường hợp vi phạm trên đất của Công ty TNHH Kim Long diễn ra từ năm 2002 đến nay, tuy nhiên việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do các trường hợp vi phạm thường xây dựng vào các ngày nghỉ, ngày lễ tết, khi phát hiện nhiều trường hợp không xác định được chủ, một số trường hợp xuất hiện nhiều người lạ mặt, xăm trổ có hành vi chống đối, đe dọa, lăng mạ mang tính chất côn đồ, gây khó khăn trong việc thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm...

Hẳn nhiên đó là những nguyên nhân khách quan và hệ lụy rõ ràng là các cấp chính quyền ở tỉnh Vĩnh Phúc đang phải giải quyết những hậu quả nặng nề về việc buông lỏng quản lý đất đai suốt một thời gian rất dài.

Điều đáng ngạc nhiên là sau kết luận thanh tra, dường như vẫn đang có những sự vướng mắc nhất định trong giải pháp xử lý và tình trạng vi phạm cứ tiếp tục tiếp diễn. Những biệt thự "ma" không tìm được chủ nhân vẫn cứ thế mọc trên đất công ở Vĩnh Phúc.

Thống kê mới nhất của UBND Thành phố Vĩnh Yên cho thấy, sau kết luận thanh tra, tại Liên Bảo, Định Trung và Khai Quang có tới 71 trường hợp vi phạm mới. Hoạt động xây dựng diễn ra ngang nhiên bên trong những tấm tôn, tường rào quây kín khuôn viên hoặc những chiếc rào chắn barie được dựng lên để ngăn cản cơ quan chức năng tiếp cận kiểm tra.  

Ồ ạt trồng cây, xây nhà trái phép tại phường Liên Bảo, Thành phố Vĩnh Yên. Ảnh: Hoàng Anh.

Ồ ạt trồng cây, xây nhà trái phép tại phường Liên Bảo, Thành phố Vĩnh Yên. Ảnh: Hoàng Anh.

Tại xã Định Trung, nơi Công ty TNHH Nhân Nghĩa từng được giao hơn 127 ha đất lâm nghiệp để trồng rừng, hiện ở khu vực đồi Quyết Thắng đang có 8 trường hợp chiếm đất, xây dựng nhà, mặc dù 5 trong số đó UBND Thành phố Vĩnh Yên ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế nhưng ở khu vực này các cá nhân vẫn cho xây dựng hàng rào kiên cố, trồng cây cổ thụ và tiếp tục có những biểu hiện chống đối cơ quan chức năng.

Ở Khai Quang, trong số 55 trường hợp vi phạm mới, chính quyền chỉ xác định được một trường hợp có đối tượng vi phạm, UBND Thành phố Vĩnh Yên hiện đang áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Sau hàng loạt những vi phạm trong công tác quản lý, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hồi quyết định giao đất cho các công ty Kim Long và Nhân Nghĩa. Nhưng kể cả sau khi thu hồi đất giao cho các tổ chức nhà nước quản lý thì đất công ở tỉnh này vẫn như thể đất vô chủ và chính quyền đang phải bỏ cả đống tiền ngân sách để khắc phục hậu quả từ sự buông lỏng quản lý đất đai.

"Mày tao cũng đánh"

Lãnh đạo phường bị kỷ luật, Chủ tịch UBND phường phải xin nghỉ vì áp lực, cán bộ đi kiểm tra vi phạm bị đánh đập, đe dọa... Tất cả đều xuất phát từ sự buông lỏng quản lý đất đai ở Vĩnh Phúc.

Bên trong những chiếc cổng sơ sài thế này là những khu biệt thự xa hoa. Ảnh: Hoàng Anh.

Bên trong những chiếc cổng sơ sài thế này là những khu biệt thự xa hoa. Ảnh: Hoàng Anh.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Lê Học Hải, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường Thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: Tất cả những hành vi xây dựng nêu trên đều là trái phép và mục đích là chiếm đất. Nhiều vụ trộm cắp bé tí thì bị xử lý hình sự còn ở đây là những hành vi ngang nhiên chiếm đất tiền tỷ, chống người thi hành công vụ thì quy trình xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Theo bà Hải, sau khi có kết luận thanh tra, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập tổ công tác giải quyết do ông Nguyễn Văn Khước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng nhằm cắm mốc giới, xác định phạm vi hiện trạng, đối chiếu quy hoạch phân khu thành phố để xử lý.

Tuy nhiên việc vi phạm vẫn tiếp tục diễn ra, một phần là do diện tích giao cho doanh nghiệp trước đây mặc dù đã có quyết định thu hồi nhưng lại chưa triển khai thu hồi trên thực địa.

“Theo quy trình, khi phát hiện vi phạm thì tiến hành lập biên bản, ra quyết định xử phạt, cho chủ công trình 10 ngày để khắc phục rồi mới ra quyết định cưỡng chế. Thế nhưng có một thực trạng là trong thời gian đó họ vẫn cứ xây, các đối tượng ngang ngược, thách thức và có cả yếu tố xã hội đen nên vô cùng phức tạp. Bản thân tôi cũng bị đe dọa và phải nhờ đến sự can thiệp của bên công an”, bà Hải nói.

Ở cấp phường xã, song song với áp lực từ cấp trên dội xuống yêu cầu xử lý, những cán bộ địa phương ở Liên Bảo, Định Trung, Khai Quang phải đối mặt với các thành phần chống đối bất chấp pháp luật.

Chính quyền buông lỏng quản lý là một trong những nguyên nhân chính khiến các đối tượng lấn chiếm bất chấp pháp luật chiếm đất trồng cây, xây nhà. Ảnh: Hoàng Anh.

Chính quyền buông lỏng quản lý là một trong những nguyên nhân chính khiến các đối tượng lấn chiếm bất chấp pháp luật chiếm đất trồng cây, xây nhà. Ảnh: Hoàng Anh.

“Trên địa bàn phường hiện có khoảng 8 căn biệt thự, 10 nhà vườn cùng nhiều công trình xây dựng trái phép nhưng việc xử lý của chính quyền hết sức khó khăn do các đối tượng chống đối, đe dọa chặt tay chân, cản trở lực lượng chức năng. Cán bộ phường vào lập biên bản bị cầm gạch ném. Tôi vào can ngăn cũng bị chúng nó đe “mày tao cũng đánh”. Ông Tạ Văn Bình, tổ trưởng dân phố nơi xẩy ra nhiều công trình vi phạm bị các đối tượng đe doạ đến mức 2 vợ chồng đi đâu cũng phải đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm. Ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch UBND phường Liên Bảo áp lực quá hiện cũng đang xin nghỉ việc”, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Liên Bảo chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Cũng theo ông Hùng, trách nhiệm không thể cứ đổ hết lên cấp phường xã bởi hành vi vi phạm đã xảy ra suốt một thời gian dài, từ thời điểm Công ty TNHH Kim Long đang quản lý. Đến khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định thu hồi thì cũng mới chỉ có văn bản, trên thực địa chưa có mốc giới, chưa có bàn giao hiện trạng và thực tế là diện tích hiện tại cũng bị thiếu hụt mất nhiều.

Tương tự, ông Hoàng Duy Hân, Bí thư Đảng ủy xã Định Trung cũng tâm tư, dàn lãnh đạo xã này cơ bản phải chịu các hình thực kỷ luật vì để xẩy ra các sai phạm về đất đai.

“Địa phương đã kiểm điểm tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy xã, tập thể UBND xã và cá nhân Bí thư, Chủ tịch UBND, địa chính, đô thị... Nguyên nhân rõ ràng là có trách nhiệm của công tác quản lý”, ông Hân nói.

Ngang nhiên lấn chiếm xây dựng ở cả những khu vực cấm thuộc quân đội quản lý. Ảnh: Hoàng Anh.

Ngang nhiên lấn chiếm xây dựng ở cả những khu vực cấm thuộc quân đội quản lý. Ảnh: Hoàng Anh.

Cung cấp hồ sơ các đối tượng lấn chiếm, chuyển nhượng trái pháp luật cho Cơ quan điều tra

Trước thực trạng ban hành rất nhiều văn bản ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai nhưng bi phạm vẫn diễn ra công khai tại Thành phố Vĩnh Yên và khu vực Núi Đinh, Núi Đúng huyện Tam Dương, theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND Thành phố Vĩnh Yên và UBND huyện Tam Dương chưa làm hết trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai tại địa phương theo quy định.

Song song với các kiến nghị xử lý kiểm điểm trách nhiệm, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Tam Dương, Bình Xuyên và Chủ tịch Thành phố Vĩnh Yên ban hành ngay văn bản Thông báo đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trên địa bàn địa phương là đất có nguồn gốc đất Nhà nước giao cho Công ty TNHH Kim Long và Công ty Nhân Nghĩa đã bị thu hồi thu dọn tài sản, bàn giao trả lại đất cho Nhà nước.

Cung cấp ngay thông tin, hồ sơ các đối tượng thường tổ chức lấn chiếm đất hoặc cố tình lấn, chiếm, chuyển nhượng đất trái pháp luật cho Cơ quan Cảnh sát điều tra để lập chuyên án xử lý. Ảnh: Hoàng Anh.

Cung cấp ngay thông tin, hồ sơ các đối tượng thường tổ chức lấn chiếm đất hoặc cố tình lấn, chiếm, chuyển nhượng đất trái pháp luật cho Cơ quan Cảnh sát điều tra để lập chuyên án xử lý. Ảnh: Hoàng Anh.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng giao chỉ đạo thiết lập hồ sơ để xử lý các vi phạm trên theo đúng quy định của pháp luật đất đai, buộc tháo dỡ công trình vi phạm trả lại tình trạng ban đầu. Trường hợp phải lập hồ sơ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định thì phải lập ngay để điều tra, xử lý đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Cung cấp ngay thông tin, hồ sơ các đối tượng thường tổ chức lấn chiếm đất hoặc cố tình lấn, chiếm, chuyển nhượng đất trái pháp luật cho Cơ quan Cảnh sát điều tra để lập chuyên án xử lý.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm