| Hotline: 0983.970.780

Dưới những công trình thủy lợi kỳ vĩ:

Ăn bo bo, làm công trình thế kỷ

Thứ Năm 20/10/2022 , 13:49 (GMT+7)

Dầu Tiếng được coi là công trình thuỷ lợi nhiều kỷ lục nhất: hồ nhân tạo thủy nông lớn nhất, diện tích rộng nhất, thiết bị hiện đại nhất, thời gian thi công dài nhất…

Ảnh chụp Màn hình 2022-10-11 lúc 12.05.34

Kênh Đông, một trong 2 kênh chính đưa nước từ hồ Dầu Tiếng về TP.HCM. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Hừng hực khí thế

Để thực hiện công trình, hàng trăm ngàn con người ở khắp mọi miền Tổ quốc được huy động với hàng triệu ngày công. Công trình hoàn thành trước sự vỡ òa hạnh phúc của hàng triệu người dân Tây Ninh, Bình Dương, TP.HCM...

Ngày 29/4/1981, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng khi đó là kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã bổ nhát cuốc đầu tiên xuống vị trí nay là nhánh kênh N4 cấp 1 của kênh Đông, thuộc xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), chính thức khởi công công trình hồ Dầu Tiếng.

Kênh N4 cấp 1 của kênh đông, nơi ngày 29/4/1981, Phó Chủ tịch HĐBT Huỳnh Tấn Phát cuốc nhát cuốc đầu tiên khởi công công trình. Trong ảnh: ông Lê Thành Công (thứ 2 từ trái qua), cùng các ông Nguyễn Văn Lợi, nguyên chỉ huy trưởng liên đội TNXP huyện Hoà Thành, Nguyễn Văn Hoà, công nhân lái máy xúc, Nguyễn Văn Tranh, nguyên Bí thư huyện đoàn Hoà Thành, chỉ huy phó công trường thuỷ lợi huyện. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Kênh N4 cấp 1 của kênh Đông. Trong ảnh (từ trái qua): ông Nguyễn Văn Lợi (nguyên chỉ huy trưởng liên đội TNXP huyện Hoà Thành), ông Lê Thành Công, ông Nguyễn Văn Tranh (nguyên Bí thư huyện đoàn Hoà Thành, chỉ huy phó công trường thuỷ lợi huyện) và Nguyễn Văn Hoà, công nhân lái máy xúc. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Ông Lê Thành Công (67 tuổi, thời điểm xây hồ, ông là Bí thư xã đoàn Hiệp Tân, sau đó là Bí thư huyện Hòa Thành, Phó ban chỉ huy công trường cấp huyện), là một trong số những người có những sáng kiến đẩy nhanh tiến độ thi công hồ Dầu Tiếng, kể: “Hôm đó, khu vực khởi công đông vui như trẩy hội. Khi đó, bác Huỳnh Tấn Phát đọc diễn văn ngắn gọn, sau đó, ông cầm cây cuốc bổ nhát đầu tiên xuống đất. Tôi nhớ ông ấy giơ cao cuốc và bổ rất mạnh. Do nền đất khô cứng nên lưỡi cuốc bật tung lên. Tất cả mọi người cùng vỗ tay reo hò. Đó là nhát cuốc thể hiện sự quyết tâm cao, dứt khoát của người lãnh đạo”, ông Công nói.

“Ngày xưa, đất Tây Ninh khô cằn lắm, nắng cháy da người, quanh năm thiếu nước, có những xã như Truông Mít, ruộng vườn hầu như bỏ hoang vì không có nước, mọt năm 6 tháng đất khô như ngói, nứt nẻ. Chính vì thế, khi nghe tin đắp đập làm hồ, có nước tưới tiêu, người dân vui mừng lắm.

Toàn bộ xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu nằm lọt dưới lòng hồ, hàng ngàn hộ dân đã vui vẻ dời đi nơi khác để nhường đất cho lòng hồ. Rồi sau này, làm kênh Đông, kênh Tây, các kênh nhánh, làm đến đâu người dân nhường đất đến đấy, không một ai gây khó dễ gì. Không chỉ thế, họ còn tự nguyện tham gia làm, và sẵn sàng đóng góp”, ông Công kể.

z3784034168303_301f969bd3a97993a14a40767708867f

Ông Vũ Quang Tuyến năm 1981 bên chiếc xe san gạt tự hành nhập từ Thuỵ Điển. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Theo số liệu thống kê, đại công trình hồ Dầu Tiếng “ngốn” hơn 15 triệu ngày công, với hàng chục ngàn nhân công lao động thường xuyên, có thời điểm lên đến gần nửa triệu lao động. Đây cũng là công trình thủy nông nhân tạo lớn ở Đông Nam Á với 270km2 mặt nước, dung tích1,58 tỷ m3 nước và và hơn 45km2 vùng bán ngập. Công trình đáp ứng tưới cho 172.000ha diện tích nông nghiệp.

DSC00211

Ông Tuyến ngồi ôn lại ký ức những năm tháng ăn bo bo làm công trình hồ Dầu Tiếng với vẻ mặt rạng rỡ. Bởi không chỉ có một thời tuổi trẻ cống hiến, mà ở đó, ông đã gặp được "một nửa" của mình. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Ông Vũ Quang Tuyến, năm nay 69 tuổi, nguyên là thợ máy san gạt tự hành ở công trình Dầu Tiếng, từng tham gia làm hàng chục công trình thuỷ lợi khắp 3 miền Tổ quốc, hiện đang sống tại TP.Tây Ninh, kể: “Năm 1979, tôi đang làm công trình hồ Kẻ Gỗ thì được lệnh hành quân gấp vào Dầu Tiếng. Trước đó, tôi đã làm mấy công trình, quen với cảnh rừng núi heo hút rồi, nhưng so với Dầu Tiếng thì chẳng thấm gì.

Khi đó, vùng đất lòng hồ bây giờ mênh mông toàn rừng rậm, đồi núi lô nhô như bát úp, đường đi chỉ là đường đất. Bây giờ tại thị trấn Dương minh Châu vẫn còn cây cầu mang tên Xa Cách, cầu bắc qua con suối cùng tên. Tôi nghe nói cái tên này do công nhân làm hồ Dầu Tiếng đặt. Do hồi đó đi lại khó khăn, mọi người lên đến đây, qua cây cầu đó là bắt đầu vào khu vực công trường, đi lại khó khăn, công việc nhiều, thường rất lâu mới được về, nên người ta đặt cho nó cái tên đó.

IMG01038

Một góc công trường hồ Dầu Tiếng cách đây 45 năm. Ảnh: Tư liệu.

Thời đó đất nước còn khó khăn, lương thực chủ yếu là bo bo, mà bo bo cũng không có đủ để ăn no. Vây nhưng, tinh thần làm việc rất cao, khí thế hừng hực. Vào mùa hè nắng nóng cháy da, công nhân thường làm đêm. Khi đó, đèn đuốc sáng rực một vùng trời, mọi người làm việc hăng say, thỉnh thoảng lại có người cất lên mấy câu hò, hay ngâm nga một khúc vọng cổ…lạc quan lắm. Ai cũng bảo, ăn bo bo mà đi làm công trình thế kỷ”.

Ông Tuyến nhớ lại, dù ăn uống kham khổ, thiếu thốn, nhưng may mắn là sau khi khởi công, công trình được sử dụng những thiết bị hiện đại nhất khi đó như máy đào, máy cạp, máy trộn bê tông nhập từ Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển. Nhờ vậy mà công việc tiến triển nhanh hơn. “Nhưng nói gì thì nói, tinh thần con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất để thành công. Khí thế hừng hực như thế, làm sao không thành công được”, ông Tuyến nói.

Những “rào cản” bủa vây

Mặc dù công trình khởi công năm 1981, nhưng trên thực tế, hàng chục km tuyến kênh, đập phụ của công trình đã được thực hiện từ năm 1977. Khi đó, Bộ Thủy lợi thành lập đoàn khảo sát thiết kế thủy lợi Đông Nam Bộ và Ban kiến thiết Dầu Tiếng với hàng trăm kỹ sư, chuyên gia, cùng hàng vạn bộ đội, côngnhân, dân công, thanh niên xung phong được điều vào Tây Ninh, bắt đầu những công việc đầu tiên.

Ông Sáu Thượng (đứng gần nhất) và ông Mai Chí Thọ (cao nhất) trong một lần kiểm tra công trình hồ Dầu Tiếng. Ảnh tư liệu

Ông Sáu Thượng (đứng gần nhất) và ông Mai Chí Thọ (cao nhất) trong một lần kiểm tra công trình hồ Dầu Tiếng. Ảnh tư liệu

Thời điểm ấy, không chỉ thiếu thốn vật chất, cơm không đủ ăn, phương tiện đi lại không có, trong tay đoàn kỹ sư khảo sát chỉ có những tấm bản đồ thô sơ của chế độ cũ để lại. Vậy nhưng, họ vẫn băng rừng lội sông, vượt núi, đi khảo sát bất kể ngày đêm. Khảo sát đến đâu, bộ đội, dân công, thanh niên theo sau làm tới đó. Giữa thời bình, nhưng vẫn có những tiếng nổ chát chúa của bom mìn còn sót lại trong chiến tranh vang lên, và đã có 7 cán bộ vĩnh viễn nằm lại nơi khảo sát công trình sau những tiếng nổ ấy.

Biết bao khó khăn khách quan như thiếu thốn vật chất, thiên nhiên khắc nghiệt chưa đủ, còn thêm khó khăn lớn khác khi vấp phải sự phản đối quyết liệt của lãnh đạo tỉnh khi đó. Vị này không tin sẽchặn được sông Sài Gòn để tích nước và cho rằng công trình “ngốn” quá nhiều đất sản xuất, không khả thi. Chưa kể, công trình chiếm đến hơn 2/3 diện tích đất của Tây Ninh, nhưng lại mang tên Dầu Tiếng, địa danh của Bình Dương.

Tổng bí thư Lê Duẩn (đội mũ cối, đứng giữa) thị sát công trình hồ Dầu Tiếng năm 1982. Ảnh tư liệu.

Tổng bí thư Lê Duẩn (đội mũ cối, đứng giữa) thị sát công trình hồ Dầu Tiếng năm 1982. Ảnh tư liệu.

Khi đó, Bộ Thủy lợi phải tổ chức một hội nghị lớn. Tại đây, Chủ nhiệm Ban thiết kế công trình là kỹ sư Nguyễn Xuân Hùng, đã trình bày những luận chứng khoa học về tính chất địa tầng, địa thế, lưu lượng nước hàng năm…để chứng minh công trình khả thi. Tuy nhiên, vị này vẫn giữ nguyên quan điểm hoài nghi.

May mắn thay, vẫn còn những vị lãnh đạo khác lạc quan về dự án và ủng hộ. Điển hình là ông Đặng Văn Thượng, một trong số những cán bộ của tỉnh Tây Ninh hết lòng với Dầu Tiếng, góp phần không nhỏ cho sự thành công của công trình thế kỷ này.

Ông Đặng Văn Thượng sinh năm 1927 ở Đức Hòa, Long An. Năm 1977, ông được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh rồi sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh năm 1982. Đến năm 1986, ông được điều về trung ương làm Chuyên gia Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Văn phòng Chính phủ), sau đó được cử làm đặc phái viên Chính phủ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đồng Tháp Mười - Tứ giác Long Xuyên. Đây là khoảng thời gian ông tiếp tục có nhiều đóng góp trong công cuộc khai hoang, phục hóa và các dự án thuỷ lợi vùng Đồng Tháp Mười.Năm 2000, khi đã 73 tuổi ông mới nghỉ hưu.

IMG06

Dù thiếu thốn mọi bề, nhưng tinh thần của hàng vạn công nhân ở công trường Dầu Tiếng luôn lạc quan, yêu đời. Trong ảnh là một buổi xem văn nghệ sau giờ nghỉ. Ảnh Tư liệu.

Ông Sáu Thượng có một cuốn hồi ký quý về quê hương Tây Ninh, mang tên “Trên nẻo đường quê hương”. Trong đó, diễn biến quá trình xây dựng công trình Dầu Tiếng được ông mô tả chi tiết. Nhưng ông Sáu Thượng viết trong hồi ký rằng việc xây dựng hồ không được lãnh đạo tỉnh “tán thành” ông được lãnh đạo gọi lên làm việc riêng, và nói với ông: “Hồ Dầu Tiếng hao tốn đất đai, công sức, không đem lại lợi ích cho dân Tây Ninh” và yêu cầu ông “không được bàn bạc, tiếp xúc, họp hành” với Bộ Thủy lợi về công trình này.

Trước sự kiên quyết của lãnh đạo, ông Sáu không khỏi trăn trở, dành nhiều thời gian tìm câu trả lời cho câu hỏi “có lợi cho dân hay không?”. Và cuối cùng ông tự trả lời “chắc chắn có lợi để phát triển kinh tế”, quyết định của Trung ương là có cơ sở khoa học.  

Kể từ đó, ông Sáu cùng 2 Phó chủ tịch là Võ Anh Tú (Năm Tú) và Võ Đức Thiện (Hai Thiện - cả hai đã mất), xắn tay cùng đoàn cán bộ, kỹ sư của Bộ Thủy lợi vào làm. Ông trực tiếp xuống từng huyện, xã vận động mặt trận đoàn thể, người dân, và đặc biệt là thanh niên tham gia đào kênh.

Ảnh chụp Màn hình 2022-10-11 lúc 12.14.08

Ông Nguyễn Văn Tranh, nguyên Bí thư Huyện đoàn Hoà Thành (Tây Ninh), chỉ huy phó công trường thuỷ lợi huyện, người cùng ông Lê Văn Công có nhiều sáng kiến trong lao động để nâng cao năng suất, góp phần đẩy nhanh tiến độ công trình. Ảnh: Hồng Thuỷ. 

Ngoài ông Sáu Thượng, ông Năm Tú, ông Hai Thiện, còn có những cán bộ khác của tỉnh Tây Ninh cũng hết lòng với công trình Dầu Tiếng như ông Trần Việt Biên (Bảy Biên, nguyên phó chủ tịch thường trực UBND Tây Ninh, khi đó là bí thư Tỉnh đoàn), ông Nguyễn Văn Tranh (nguyên Bí thư huyện đoàn Hoà Thành), Lê Thành Công, và hàng triệu đoàn viên, thanh niên xung phong, dân công của tỉnh Tây Ninh.

“Tôi đi xuống từng huyện, xã, gặp bí thư, chủ tịch, nói về cái lợi của công trình Dầu Tiếng. Tôi cũng cố gắng lo kiếm gạo cho bà con ăn để ráng làm. Nói chung các nơi đồng ý. Đồng bào ai cũng chịu. Tất cả cùng nhảy vào làm. Công trình hồ Dầu Tiếng có công lao rất to lớn của thanh niên, nhân dân tỉnh Tây Ninh”, ông Sáu Thượng nói năm 2010, nhân kỷ niệm 25 năm hồ Dầu Tiếng mở nước.

Xem thêm
Chiều 2/5, Quốc hội họp bất thường lần thứ 7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nắng nóng đặc biệt gay gắt sẽ xuất hiện trong tháng 5/2024

Tháng 5/2024, nắng nóng và nắng nóng gay gắt được dự báo xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, một số ngày sẽ xuất hiện nắng nóng đặc biệt gay gắt.

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...

Bình luận mới nhất