| Hotline: 0983.970.780

Dưới những công trình thủy lợi kỳ vĩ

Hồ Đồng Mít: Sự cố địa chất và những kỉ niệm khó quên

Thứ Hai 10/10/2022 , 09:21 (GMT+7)

Vừa triển khai thi công hồ Đồng Mít đã gặp phải sự cố về địa chất, đơn vị chủ đầu tư phải nỗ lực khắc phục để tiến độ thi công được đảm bảo.

Hồ Đồng Mít vừa khởi công xây dựng đã gặp ngay sự cố địa chất xấu. Ảnh: V.Đ.T.

Hồ Đồng Mít vừa khởi công xây dựng đã gặp ngay sự cố địa chất xấu. Ảnh: V.Đ.T.

“Mướt mồ hôi” với nền địa chất yếu

Bài liên quan

Theo ông Đoàn Văn Luyện, Phó trưởng Ban Quản lý dự án Thủy lợi 7.5, đơn vị trực thuộc Ban Quản lý đầu tư xây dựng Thủy lợi 7 (Bộ NN-PTNT), trước khi xây dựng công trình hồ chứa nước Đồng Mít, công tác khảo sát được đơn vị chủ đầu tư rất quan tâm. Đơn vị đã khảo sát rất kỹ khu vực đập đất, khảo sát thêm tuyến chính để đánh giá về địa chất.

“Giai đoạn lập dự án đầu tư thì đơn vị có trách nhiệm đã khảo sát sơ bộ. Nếu phát hiện nghi ngờ địa chất xấu, đến giai đoạn thiết kế kỹ thuật cần phải khảo sát kỹ hơn nên phải đào hầm ngang để đánh giá địa chất chuẩn xác hơn”, ông Đoàn Văn Luyện chia sẻ.

Ông Luyện nhớ lại, tiến độ thi công hồ Đồng Mít được bảo đảm là nhờ ngay trong năm đầu tiên, khi mở móng là mở suốt tuyến từ phải qua trái. Đào đến vai trái của đập chính thì gặp sự cố về địa chất, tầng đất bị đứt gãy vì nền địa chất xấu, phải được tiếp tục khảo sát bổ sung.

Các đơn vị chuyên môn tập trung về đánh giá, kiểm tra, cuối cùng đưa ra phương án xử lý là phải mở móng sâu thêm, rộng thêm. Khi chuyển dòng thì tập trung vào xử lý sự cố địa chất ngay theo đồ án thiết kế.

Cũng theo ông Luyện, thi công hố móng đập chính của hồ Đồng Mít phải đào bốc hết lớp đá granite bị phân hóa nhẹ cho đến tầng địa chất tốt theo yêu cầu của thiết kế. Sau đó, đổ bù bê tông từ nền đá cứng sau khi đã đào xử lý lớp đá granite bị phân hóa lên đến cao trình theo dự kiến ban đầu, khoan phụt gia cố nền và chống.

“Phía vai trái của đập phải xử lý rất nặng, đào sâu và mở rộng với khối lượng rất lớn, hơn 30.000 khối. Do đó, tại nơi xử lý địa chất phát sinh mái dốc đứng, thậm chí có những chỗ khe kẹp đi nghiêng có độ dốc rất lớn tạo nên mái hàm ếch, thi công trong điều kiện này cực kỳ nguy hiểm.

Khi ấy, thiết kế phải tính toán mở rộng mái hố móng để xử lý. Muốn xử lý sự cố này cơ đào phải rộng 4-5m xe cơ giới mới có chỗ đi lại để thi công. Đằng này do tiết kiệm, nên cơ đào ban đầu chỉ rộng có 2m, nên phải đào lại từ trên xuống dưới, thi công rất vất vả, lại mất thời gian đến 4-5 tháng”, ông Luyện chia sẻ.

Tiến độ thi công hồ Đồng Mít được bảo đảm là nhờ ngay trong năm đầu tiên, khi mở móng là mở suốt tuyến từ phải qua trái. Ảnh: M.P.

Tiến độ thi công hồ Đồng Mít được bảo đảm là nhờ ngay trong năm đầu tiên, khi mở móng là mở suốt tuyến từ phải qua trái. Ảnh: M.P.

Có nghe ông Luyện kể về chuyện xây dựng hồ Đồng Mít, chúng tôi mới hình dung hết những khó khăn mà đơn vị chủ đầu tư gặp phải lúc mới khởi công. Thời gian đầu xây dựng hồ Đồng Mít đúng vào thời điểm dịch Covid-19 hoành hành trên đất Bình Định, khắp nơi phong tỏa, chuyện đi lại gần như bế tắc. Đơn vị chủ đầu tư phải trao đổi với các chuyên gia thủy lợi, địa chất, cơ khí, bê tông, vật liệu xây dựng, quan trắc thông qua camera giám sát công trình và hình ảnh chuyển qua Zalo.

Không chỉ vậy, khi mới đào hồ móng đập chính, đơn vị chủ đầu tư đã gặp ngay vướng mắc về bãi thải. Một số bãi thải dự kiến ban đầu do chưa đền bù ruộng của người dân nên chưa thải đất ra được. Ban Quản lý dự án NN-PTNT Bình Định phải phối hợp với chính quyền địa phương bố trí bãi thải mới để thay thế.

“Việc xử lý sự cố về địa chất có làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình, nhưng nhờ sau đó nhờ đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là phần việc đổ bê tông đầm lăn, nên hồ Đồng Mít vẫn đạt tiến độ theo kế hoạch”, anh Vũ Hải Anh, Tổ trưởng tổ Kỹ thuật giám sát thi công công trình hồ chứa nước Đồng Mít, cho hay.

Do sự cố địa chất, phía vai trái của đập chính phải xử lý rất nặng, đào sâu và mở rộng với khối lượng rất lớn, hơn 30.000 khối. Ảnh: V.Đ.T.

Do sự cố địa chất, phía vai trái của đập chính phải xử lý rất nặng, đào sâu và mở rộng với khối lượng rất lớn, hơn 30.000 khối. Ảnh: V.Đ.T.

Khó chồng khó

Nhắc đến chuyện phải thi công trong điều kiện hiểm nguy “treo” trên đầu công nhân, anh Vũ Hải Anh, Tổ trưởng tổ Kỹ thuật giám sát thi công công trình hồ chứa nước Đồng Mít, nhớ lại: “Hố móng ở cao trình 37m, trong khi cao trình của đỉnh đập là 105m, tạo ra khoảng cách đến hơn 60m. Do đó, khi đổ bê tông bù để xử lý địa chất vai trái đập, chúng tôi phải áp dụng nhiều biện pháp để an toàn lao động trong điều kiện nền địa chất yếu, đất đá có thể sạt lở, rơi lên đầu công nhân bất cứ lúc nào”.

Cũng theo anh Vũ Hải Anh, trước khi thi công đổ bê tông bù để xử lý địa chất vai trái đập chính của hồ Đồng Mít, đơn vị thi công đã cho cạy, bẫy những hòn đá nằm ở trên cao để tránh rơi xuống khi công nhân đang thi công bên dưới.

Thêm vào đó, đơn vị thi công bao khung lưới khoan neo vào mái đá để tránh sạt lở. Công cuộc xử lý địa chất khi đào hố móng bắt đầu từ tháng 3/2020, đến cuối tháng 4/2020 thì đổ mẻ bê tông bù đầu tiên, đến tháng 6/2020 là xử lý hoàn tất phần bê tông bù. Sau đó, bê tông móng đổ tới đâu bê tông đầm lăn đổ đến đó. Khoảng 2-3 tháng sau là xử lý xong sự cố địa chất.

Vai trái (bìa trái) đập chính hồ chứa nước Đồng Mít, nơi mới thi công đã gặp sự cố địa chất. Ảnh: M.P.

Vai trái (bìa trái) đập chính hồ chứa nước Đồng Mít, nơi mới thi công đã gặp sự cố địa chất. Ảnh: M.P.

Khối lượng bê tông đầm lăn thực hiện trong thi công hồ Đồng Mít rất lớn, đến hơn 352.000 khối, thời gian thi công từ tháng 7/2019 đến tháng 8/2021 mới xong. Đến lúc này, việc thi công hồ Đồng Mít lại “vấp” phải cái khó khác về vật liệu xây dựng. Thi công hồ thủy lợi thì vật liệu xây dựng phải đầy đủ xuyên suốt từ đầu đến cuối. Thế nhưng khi nhận nhiệm vụ triển khai dự án, đơn vị chủ đầu tư kiểm tra mỏ vật liệu thì thấy ở An Lão mỏ cát, sỏi rất hiếm.

Kiểm tra từ trên thượng nguồn xuống đến An Hòa, xã đồng bằng cuối cùng của huyện An Lão, giáp ranh với huyện Hoài Ân, nhưng không thấy không có mỏ nào cát ra cát, mà cát lẫn rất nhiều tạp chất. Mỏ cát nào có chất lượng một chút thì trước đó đã giao cho tư nhân khai thác hết rồi. Khi mở móng thi công công trình, đơn vị chủ đầu tư phải mua lại cát của 1 doanh nghiệp tư nhân, thế nhưng chỉ thi công được vài tháng là cạn kiệt mỏ. Chủ mỏ cát bảo với đơn vị chủ đầu tư là đợi sang năm mỏ cát được sông An Lão bồi trở lại thì lấy tiếp. Thế nhưng việc thi công công trình không thể dừng lại, đơn vị chủ đầu tư phải chọn phương án xay đá làm cát để thi công công trình. Thế là lại đi tìm mỏ đá.

Thi công hồ Đồng Mít trong điều kiện dịch Covid-19 hoành hành, mọi trao đổi với các chuyên gia phải thông qua camera giám sát công trình và hình ảnh chuyển qua Zalo. Ảnh: V.Đ.T.

Thi công hồ Đồng Mít trong điều kiện dịch Covid-19 hoành hành, mọi trao đổi với các chuyên gia phải thông qua camera giám sát công trình và hình ảnh chuyển qua Zalo. Ảnh: V.Đ.T.

Lúc lập dự án do UBND tỉnh Bình Định đầu tư, ngành chức năng đã chọn được 2 mỏ đá tại xã An Hưng (huyện An Lão), thế nhưng khi Ban quản lý Đầu tư và xây dựng thủy lợi 7 (Bộ NN-PTNT) nhận nhiệm vụ chủ đầu tư thi công công trình, sau đó khoảng 6-7 năm, thì chung quanh 2 mỏ cát nói trên người dân địa phương đã xây nhà ở dày kín, vậy là không thể khai thác 2 mỏ đá cũ. Đơn vị chủ đầu tư phải tiến hành khảo sát từ lòng hồ trở xuống, khoan mấy hố khoan sâu đến 10m mà không thấy đá đâu hết. Cuối cùng cũng phát hiện được mỏ đá có chất lượng tốt cũng nằm ở xã An Hưng, thế nhưng khi xin chủ trương của huyện thì lại thất bại, bởi người dân địa phương không đồng thuận.

Đến khi khoan khảo sát mỏ số 7 nằm trên địa bàn xã An Hòa với 9 hố khoan, 3 mặt cắt thì phát hiện mỏ đá này đủ chất lượng. Sau khi xin được chủ trương của UBND huyện An Lão, đơn vị chủ đầu tư khai thác mẫu đưa ra Viện Khoa học Thủy lợi thí nghiệm, được chấp thuận mới đưa vào thi công.

“Sử dụng cát nghiền từ đá để thi công bê tông đầm lăn ổn định hơn sử dụng cát khai thác ở mỏ. Cát tự nhiên rất biến động, hạt to hạt nhỏ, còn cát nghiền hạt nào như hạt nấy, rất đồng đều nên sử dụng thi công bê tông đầm lăn tốt hơn. Thời gian đầu đổ bê tông thường chúng tôi sử dụng cát tự nhiên, sau đó phải mua cát quá xa nên dùng cát xay từ đá đổ bê tông thường luôn”, ông Đoàn Văn Luyện, Phó trưởng Ban Quản lý dự án Thủy lợi 7.5, đơn vị trực thuộc Ban Quản lý đầu tư xây dựng Thủy lợi 7, cho hay.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội chuyển rét từ ngày mai

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất ở mức 18 độ C. Gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3, nhiều nơi có mưa rào rải rác.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.