Làm thủy lợi, đường nào thêm lợi?
Bây giờ, nhìn công trình đầu mối của hồ chứa nước vừa hoành tráng vừa đẹp như tranh vẽ giữa bốn bề rừng núi của đại ngàn An Lão (Bình Định), khó ai có thể hình dung được khi mới khởi công, công trình này đã vấp phải bao nhiêu là sự cố, từ về nền địa chất đến vật liệu, trong quá trình thi công lại phải gánh chịu áp lực về nhân sự khi dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nơi.
Khi ấy, các địa phương áp dụng lệnh phong tỏa, ai ở nhà nào ở yên nhà ấy, người từ địa phương này không được đến địa phương khác, nên đơn vị thi công là Công ty CP Xây dựng 47 không thể điều chuyển công nhân từ các công trình khác về bổ sung cho công trình hồ Đồng Mít.
Ông Dương Minh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng 47 cho biết, khi “bão Covid” ập tới, công trình đầu mối hồ chứa nước Đồng Mít đang trong giai đoạn hoàn thành đập bê tông đầm lăn với khối lượng còn lại là 34.000 khối và khoảng 20.000 khối bê tông thường các loại. Tràn xả lũ cũng đã hoàn thành cơ bản bê tông mặt tràn, đang tiến hành xây dựng trụ pin và lắp đặt cơ khí.
Để đảm bảo an toàn, công nhân chuyên nghiệp của đơn vị thi công được vận động bám trụ công trình, còn lao động phổ thông thì tuyển người tại địa phương, không sử dụng thêm nguồn lao động từ các tỉnh khác nên không bị dịch Covid-19 làm ảnh hưởng, đây là thuận lợi lớn để hồ Đồng Mít đẩy nhanh tiến độ.
“Khi ấy, tại công trường chúng tôi vẫn duy trì hơn 300 công nhân vừa là lực lượng chính quy, vừa là công nhân thuê mướn tại địa phương.
Đồng bào dân tộc Hrê các xã lân cận tham gia xây dựng hồ Đồng Mít rất nhiều, ngoài thanh niên nam nữ của xã An Trung, An Dũng, người dân ở xã An Vinh ở tít trong lòng hồ cũng xuống tham gia.
Đốc công tại công trường thành lập tổ nhân công địa phương, tham gia đông đảo nhất là đội quân thi công bê tông đầm lăn”, ông Dương Minh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng 47 chia sẻ.
Trong thời gian công trình hồ Đồng Mít chạy đua với thời gian để về đích, Công ty CP Xây dựng 47 cũng vừa hoàn thành đại công trình hồ chứa nước Tân Mỹ ở tỉnh Ninh Thuận, nên đơn vị thi công đã điều chuyển toàn bộ thiết bị và công nhân tăng cường về An Lão phục vụ xây dựng hồ Đồng Mít.
Ông Đoàn Văn Luyện, Phó trưởng Ban Quản lý dự án Thủy lợi 7.5, đơn vị trực thuộc Ban Quản lý đầu tư xây dựng Thủy lợi 7 cho biết, trong lòng hồ, đơn vị thi công cho xây dựng mấy dãy nhà làm nơi cách ly dành cho những công nhân từ nơi khác về tăng cường theo quy định của ngành y tế. Tỉnh, huyện cũng rất quan tâm về tiến độ của hồ Đồng Mít, nên ưu tiên cho cán bộ, công nhân trực tiếp làm việc tại công trường được tiêm vacxin phòng Covid-19 sớm nhất. Đó cũng là yếu tố giúp công trình hồ Đồng Mít hoàn thành kịp tiến độ theo kế hoạch.
Theo ông Đoàn Văn Luyện, Phó trưởng Ban Quản lý dự án Thủy lợi 7.5, đơn vị thi công rất tuân thủ quy định phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương. Dẫn về công trường chỉ có 1 con đường độc đạo, nên công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thuận lợi. Ngoài chính quyền địa phương, đơn vị chủ đầu tư và đơn vị thi công cũng tham gia vào lực lượng chống dịch, tham gia giải quyết việc vận chuyển vật tư từ bên ngoài vào công trường.
“Tài xế chở vật tư đến quy định phải ngồi yên trên xe, sau khi vật tư được nhân công bốc dỡ thì chạy xe đi. Đơn vị thi công phải báo cáo trước cho địa phương kế hoạch vận chuyển vật tư, xe nào vận chuyển, gồm những tài xế nào, chúng tôi làm rất chặt chẽ nên được chính quyền địa phương tin tưởng, tạo mọi điều kiện thuận lợi”, ông Luyện chia sẻ.
Thi công xuyên đêm
Công ty CP Xây dựng 47, đơn vị thi công hồ Đồng Mít đã dày kinh nghiệm trong thi công bê tông đầm lăn. Trên địa bàn Bình Định, khi thi công hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh), Công ty CP Xây dựng 47 đã tổ chức hội thảo mời các chuyên gia nước ngoài về góp ý, hướng dẫn kỹ thuật thi công bê tông đầm lăn. Tiếp đến là xây dựng đập dâng Văn Phong (huyện Tây Sơn), sau đó là hồ Tân Mỹ (Ninh Thuận) và bây giờ là hồ Đồng Mít, những công trình có thi công bê tông đầm lăn.
Với 352.000 khối bê tông đầm lăn, Công ty CP Xây dựng 47 đã thi công xuyên đêm để bảo đảm chất lượng cho bê tông. Theo ông Dương Minh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Coo phần Xây dựng 47, muốn thi công bê tông đầm lăn trên đập phải có mặt bằng tương đối rộng, khoảng vài chục mét, để thuận lợi thi công bằng cơ giới.
Ưu điểm của bê tông đầm lăn là sử dụng xi măng xi măng rất ít, khoảng 70-80kg xi măng/khối bê tông và sử dụng thêm phụ gia tro bay, trong khi bê tông thường phải sử dụng đến 300kg xi măng/khối. Thêm nữa, thi công bê tông thường, khi xây dựng chiều cao đập phải mất thời gian chờ đợi. Bởi, khối đổ của bê tông thường chỉ cao từ 2,5m trở lại là phải dừng để chờ khối bê tông đông kết, còn bê tông đầm lăn thì có thể thi công liên tục, khối đổ có thể cao đến 7-8m, nên đẩy nhanh được tiến độ.
“Chất lượng của bê tông đầm lăn bảo đảm hơn bê tông thường dù sử dụng xi măng ít hơn, do vật liệu đã được qua thí nghiệm, có độ kết dính tốt. Nguồn vật liệu thi công bê tông đầm lăn không mua trôi nổi, mà được đơn vị thi công tự sản xuất nên bảo đảm chất lượng. Qua kiểm tra, cơ quan chuyên môn xác định là chất lượng bê tông đầm lăn của hồ Đồng Mít cao gấp 1,7 lần so với yêu cầu của thiết kế”, ông Đoàn Văn Luyện chia sẻ.
Bê tông đầm lăn mà đổ ban đêm còn tốt hơn đổ ban ngày, do ban đêm trời mát, độ ẩm đảm bảo, bê tông không bị khô nên chất lượng tốt hơn. Nếu bê tông đầm lăn mà đổ ban ngày thì phải liên tục phun sương để giảm nhiệt. Do đó, thi công bê tông đầm lăn ở hồ Đồng Mít hầu hết được làm vào ban đêm.
Xây dựng công trình thủy lợi thì chuyện khống chế nhiệt được thực hiện rất nghiêm túc. Khi bê tông được hạ nhiệt theo đúng yêu cầu, sau này khi khối đổ lên cao, bê tông không bị ủ nhiệt, vì thường khi bê tông đông kết sẽ tăng nhiệt, dẫn tới bê tông bị nứt.
Theo anh Vũ Hải Anh, Tổ trưởng tổ Tổ trưởng tổ Kỹ thuật giám sát thi công công trình hồ chứa nước Đồng Mít, thi công bê tông đầm lăn có thể đổ xuyên đêm liên tục 20 ngày. Đến 9-10 giờ sáng là hoàn thiện khối đổ trong đêm, sau đó công nhân phủ bạt để giữ ẩm cho khối đổ. Sau đó, cả công nhân lẫn thiết bị đều nghỉ ngơi để dưỡng sức và bảo dưỡng máy móc. Dừng thi công bê tông đầm lăn vào thời điểm này là đúng yêu cầu kỹ thuật, bởi lúc ấy nhiệt độ ngoài trời đang cao, không phù hợp với đổ bê tông. Đến 15-16 giờ chiều công nhân ra lại hiện trường, mở bạt che bề mặt bê tông và tiếp tục thi công.
“Lúc cao điểm, khối lượng bê tông đầm lăn đổ 1 ngày đêm có thể đạt 1.200 khối, 1 đợt đổ kéo dài 7-8 ngày có thể đạt 8.000-9.000 khối. Lúc mới khởi công hồ Đồng Mít gặp sự cố địa chất, phát sinh thêm phần việc, nên ai cũng lo là tiến độ thị công bị chậm. Thế nhưng sau đó, từ cán bộ đến công nhân ai nấy đều đồng lòng dốc lực, bám trụ công trường 100% suốt 5-6 tháng trời theo kiểu 'nội bất xuất, ngoại bất nhập'. Khi rảnh việc, anh em bật điện thoại gặp vợ con qua zalo, vào việc là làm cả này lẫn đêm, nên tiến độ thi công của hồ Đồng Mít vẫn bắt kịp với kế hoạch đề ra”, anh Vũ Hải Anh tâm sự.