An Giang là tỉnh đi đầu thực hiện Đề án liên kết SX giống cá tra 3 cấp |
Năm 2018, diện tích gieo trồng toàn tỉnh là 677.800 ha, đạt 97,6%. Trong đó, lúa 624.000ha, cây hoa màu gần 54.000ha, cây lâm nghiệp trồng mới 450,95ha.
Đối với ngành chăn nuôi, giá cả tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi đang ở mức cao, quy mô đàn có xu hướng phát triển, tuy nhiên do tâm lý ngại dịch bệnh bùng phát đồng thời giá cả tiêu thụ không ổn định nên tái đàn chậm, sản lượng sản xuất chưa bằng cùng kỳ năm trước. Ước tính, sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm khoảng 29.529 tấn.
Riêng thủy sản, trong 2018 trong điều kiện giá tiêu thụ có nhiều thuận lợi, thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng. Ước tính, thủy sản thu hoạch cả năm khoảng 1.726ha, sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch cả năm khoảng 444.000 tấn. Cá tra đạt tổng diện tích nuôi 900ha. An Giang là tỉnh đi đầu thực hiện Đề án liên kết SX giống cá tra 3 cấp. Năm 2018 sản xuất khoảng 2,7 tỷ con ra thị trường tăng cao so cùng kỳ.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết, năm 2018 ngành nông nghiệp An Giang cơ bản thuận lợi về thị trường, giá lúa, cá đang ở mức cao. Đặc biệt vụ lúa ĐX năng suất lúa cả vụ tăng 3,23 tạ/ha. Giá cá tra nguyên liệu luôn ổn định nên quy mô nuôi và sản lượng thu hoạch tăng mạnh. Nhu cầu con giống tăng, công tác SX giống có nhiều thuận lợi. Giá bán các sản phẩm chăn nuôi có nhiều khởi sắc nhưng quy mô đàn vẫn chưa có nhiều chuyển biến do người nuôi “e ngại” bất ổn.
Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng chất lượng và có giá trị kinh tế cao. Tập trung công tác xây dựng hạ tầng và xây dựng các mối liên kết cho các vùng nguyên liệu SX cây ăn trái như xoài Cát Chu, xoài ba màu, bưởi da xanh... Công tác xây dựng NTM được thực hiện thường xuyên và liên tục, đẩy nhanh việc công nhận các xã điểm để hoàn thành kế hoạch 43 xã trong năm 2018.
Liên kết SX cánh đồng lớn được duy trì và nâng chất, hiện có 31 DN lương thực và 10 DN giống đã thực hiện ký hợp đồng liên kết SX và tiêu thụ lúa, nếp với nông dân thông qua các HTX, THT. Ước năm 2018 thực hiện liên kết tiêu thụ khoảng 40.000/624.000 ha.
Theo ông Lâm thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu cùa ngành bằng các giải pháp quyết liệt như hiện nay là bảo vệ ăn chắc diện tích SX lúa TĐ 2018, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KHKT, phòng ngừa sâu bệnh nhằm giữa vững mức năng suất từ bằng đến cao hơn kế hoạch là 5,7 tấn/ha. Đối với xoài và chuối tăng cường quản lý, phòng chống thiên tai, ngừa dịch bệnh để kết quả SX đạt như dự tính.
Chăn nuôi hiện nay quy mô đàn tiếp tục giảm, tuy nhiên heo đang có giá, ngành nông nghiệp sẽ quan tâm phòng ngừa dịch bệnh đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi trang trại, khuyến khích dân và doanh nghiệp đẩy mạnh tái đàn heo.
Thủy sản đảm bảo diện tích nuôi và thu hoạch theo thời gian dự kiến, đồng thời tận dụng nước lũ dâng cao để khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Tuy nhiên việc đánh bắt phải đảm bảo đúng quy định...
Mục tiêu phát triển nông nghiệp An Giang năm 2019 theo hướng hiện đại, bền vững, tăng trưởng hợp lý, SX hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao hàm lượng chất xám và sức cạnh tranh, nâng giá trị canh tác và thu nhập của nông dân. Thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng NTM, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn, chủ động phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp năm 2019 ước đạt 2,75%. Dự kiến có 57/119 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí NTM vào cuối năm 2019, tăng 11 xã so với cuối năm 2018. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đất năm 2019 đạt 183 triệu đồng/ha, tăng 13 triệu đồng so năm 2018. Để cây lúa phát triển ổn định, năm 2019 SX khoảng 639.000ha tăng 5.000ha. Dự kiến tăng ở vụ TĐ (nếu lũ nhỏ). Tìm các giải pháp để tăng năng suất bằng mức bình quân của 5 năm hoặc cao hơn, thực hiện rà soát lại các vùng có năng suất lúa thấp so với mặt bằng năng suất chung của tỉnh, để có giải pháp tập trung ưu tiên đầu tư cải tạo đất, thủy lợi, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT canh tác cho những vùng này. Song song đó, áp dụng có hiệu quả kỹ thuật canh tác “1 phải 5 giảm”. Trong đó ưu tiên giảm thất thoát trong và sau thu hoạch, đồng thời đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa vào đồng ruộng. Bên cạnh đó, tăng cường triển khai mở rộng cánh đồng lớn để xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo. Triển khai gói hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, thị trường cho sản phẩm lúa nhằm phát triển các loại lúa gạo đặc sản như: gạo Nàng Nhen Bảy Núi, lúa mùa nổi, Hồng Ngọc Óc Eo, Jasmine... tạo ra giá trị kinh tế cao hơn. |