Tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Phát huy lợi thế các tiểu vùng sinh thái (vùng đầu nguồn, vùng cù lao, vùng Bảy Núi) để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung (lúa chất lượng cao, lúa nếp, bắp lai, rau màu, hoa cây cảnh, cây dược liệu, cây ăn trái, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...) gắn với hệ thống phân phối và tiêu thụ sản phẩm tiện lợi cho người dân.
Phấn đấu đến năm 2030, GRDP của ngành nông nghiệp đạt 15% trong cơ cấu GRDP của cả nước. Hình thành các vùng chuyên canh lúa hàng hóa ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh nhằm tăng nhanh sản lượng lúa hàng hóa chất lượng cao, nâng cao hiệu quả và thu nhập của người sản xuất; góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng lúa gạo, hướng đến lợi ích lâu dài.
Giai đoạn 2021 - 2025, diện tích vùng chuyên canh lúa hàng hóa toàn tỉnh đạt 180.855ha vào năm 2025, chiếm 70% diện tích canh tác lúa toàn tỉnh, sản lượng lúa bình quân đạt 1.255 ngàn tấn/vụ, 100% sản lượng lúa thu hoạch là lúa chất lượng cao, chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu.
Giai đoạn 2026 - 2030, có gần 90% diện tích vùng chuyên canh. Đến năm 2030, tổng diện tích vùng chuyên canh lúa hàng hóa toàn tỉnh đạt 201.900ha, chiếm 80% diện tích canh tác lúa toàn tỉnh. Sản lượng lúa bình quân đạt 1.425 ngàn tấn/vụ, 100% sản lượng lúa thu hoạch là lúa chất lượng cao phục vụ chế biến xuất khẩu. Mỗi huyện có khoảng 3 - 5 vùng sản xuất lúa theo hướng công nghệ cao với quy mô tập trung từ 100 - 200ha, bảo đảm đầu ra ổn định.