Theo ông Johnson, chiến thắng của Nga ở Ukraine sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng an ninh cho Mỹ và các đồng minh trên nhiều mặt trận. "Các bạn sẽ thấy tác động của việc Ukraine thất bại trên mặt trận Thái Bình Dương và cả ở Biển Đông", chính trị gia này nói, song không nêu rõ điều gì có thể xảy ra ở những khu vực trên.
Ông cũng cho rằng viện trợ quân sự và tài chính cho Kiev là một "khoản đầu tư hợp lý" và là một cách sử dụng ngân sách công "hiệu quả", lập luận rằng London sẽ phải chi nhiều tiền hơn nếu như an ninh của châu Âu phải đối mặt với "một nước Nga đang trỗi dậy mạnh mẽ".
Cựu Thủ tướng Anh cũng chỉ ra viễn cảnh Mỹ cắt viện trợ cho Kiev là một rủi ro có khả năng xảy ra, cho rằng một số người có quan điểm "sai lầm" về vấn đề này có quan hệ thân thiết với Tổng thống đắc cử Donald Trump.
"Ông Donald Trump phải nghe rất nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề này và có một nhóm người trong đảng Cộng hòa, thực sự là khá nhiều người, có quan điểm sai lầm về cuộc xung đột Ukraine", ông nói.
Nếu viện trợ cho Ukraine bị cắt giảm và Kiev bắt đầu thua, London có thể buộc phải triển khai quân đội đến để giúp bảo vệ nước này, ông Johnson tuyên bố.
Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng nước này không có kế hoạch tấn công NATO hay bất kỳ quốc gia thành viên nào. Đồng thời, Moscow cũng nhiều lần cảnh báo rằng bằng cách cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev, khối này làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp. Nga cũng khẳng định rằng nước này sẽ coi việc cung cấp tên lửa tầm xa cho các cuộc tấn công của Ukraine vào sâu bên trong lãnh thổ Nga là một cuộc tấn công trực tiếp của các quốc gia cung cấp vũ khí cho Kiev.
Trước đó, Tổng thống Putin đã ra lệnh sửa đổi học thuyết hạt nhân của Nga, trong đó liệt kê các cuộc tấn công của một quốc gia phi hạt nhân được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân sẽ buộc Nga phải đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.
Tuần trước, tờ Telegraph đưa tin, Anh và Pháp có khiến cuộc xung đột Ukraine leo thang hơn nữa bằng cách cố gắng thuyết phục Washington cho phép Kiev tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa của phương Tây, bao gồm cả tên lửa hành trình Storm Shadow.
Bản thân ông Johnson cũng bị cáo buộc là nhân tố phá hoại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev hồi đầu năm 2022. Các cuộc đàm phán tại Istanbul đã thống nhất được một văn kiện được các nhà đàm phán Nga và Ukraine nhất trí vào thời điểm đó. Tuy nhiên, người đứng đầu phái đoàn Ukraine tại Istanbul, nghị sĩ David Arakhamia, đã thừa nhận rằng Kiev rút khỏi thỏa thuận đó sau khi ông Johnson kêu gọi nước này "hãy cứ chiến đấu với Nga đi", trong chuyến thăm thủ đô Ukraine.