Những năm trở lại đây, các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phải đối mặt với nhiều khó khăn. Những diện tích nuôi phát triển tự phát, không theo quy hoạch, không tuân thủ quy trình kỹ thuật của đối tượng nuôi đã kéo theo sự ô nhiễm môi trường, dịch bệnh thường xuyên xảy ra.
Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã chuyển giao mô hình nuôi cá dìa thương phẩm trong ao đất. Mô hình nhằm khôi phục lại một số diện tích nuôi tôm kém hiệu quả, những ao nuôi tôm bị bỏ hoang do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Bên cạnh đó, đa dạng đối tượng nuôi và tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích theo hướng an toàn và bền vững...
Anh Nguyễn Tiến, khu phố Vĩnh Phước, phường Đông Lương (TP Đông Hà) cho biết: Mô hình nuôi cá dìa được triển khai thực hiện trên diện tích 4.000 m2 với 8.000 con cá giống, mật độ thả 2 con/m2. Mô hình sử dụng thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein cao. Tham gia mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ cho gia đình anh 50% chi phí mua con giống và thức ăn.
Anh Tiến kể: Trước đây, do phát triển nuôi tôm theo kiểu tự phát, không nắm vững kỹ thuật nên thường xuyên xảy ra dịch bệnh. Một số ao nuôi anh phải bỏ hoang. Vì vậy, khi nghe tin Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình nuôi cá dìa, anh đã mạnh dạn đăng ký tham gia.
Nhờ áp dụng đúng các yêu cầu kỹ thuật, sau 4 tháng thả nuôi, mô hình cho kết quả rất khả quan: Tỷ lệ sống đạt 90%, kích cỡ cá đạt 4 - 5 con/kg; mật độ nuôi phù hợp với tốc độ tăng trưởng của cá, cá phát triển nhanh, đều, đẹp, khỏe. Ước tính sản lượng thu được trên 1.400 kg. Với giá bán từ 140 đến 150 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mang về cho hộ gia đình anh nguồn lãi trên 60 triệu đồng.
Chia sẽ thêm về kinh nghiệm nuôi, anh Tiến cho biết để nuôi được con cá dìa đều, đẹp thì nguồn nước phải sạch sẽ, thay nước thường xuyên. Thức ăn phải đủ độ đạm, phải rải đều thức ăn trên mặt hồ và thường xuyên kiểm tra môi trường nước, nếu có vấn đề cần xử lý kịp thời.
“Lần đầu tiên tôi chuyển đổi ao nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi cá dìa, thấy mô hình mang lại hiêu quả rõ rệt. Trong thời gian đến tôi sẽ nhân rộng mô hình ra thêm một số ao nữa”, anh Tiến nói.
Mô hình triển khai trong thời điểm dịch Covid-19, tuy nhiên cán bộ kỷ thuật đã linh hoạt vừa phòng chống dịch vừa chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn hộ thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật. Trong quá trình triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tập huấn, trực tiếp theo dõi chỉ đạo thực hiện mô hình, hướng dẫn hộ nuôi cách nuôi cá dìa thương phẩm theo đúng quy trình, đạt hiệu quả.
Kỹ sư Phan Thị Mỹ Nhung, cán bộ kỷ thuật chỉ đạo mô hình cho biết: Cá dìa là đối tượng có giá trị kinh tế cao, thuộc loài cá ruộng muối, thịt thơm ngon chứa nhiều chất béo, bổ dưỡng, ít xương, được thị trường ưa chuộng.
Việc triển khai mô hình nuôi cá dìa thương phẩm sẽ đem lại giá trị kinh tế cao, an toàn, ít rủi ro, vốn đầu tư thấp. Theo chị Nhung, trong quá trình nuôi, người nuôi cần lưu ý mực nước trong ao nuôi rất quan trọng.
Mực nước càng sâu càng tốt, vì khi đó các yếu tố môi trường, đặc biệt là nhiệt độ ít có sự chênh lệch giữa các tầng nước, ít có sự biến động. Mực nước thích hợp cho ao nuôi cá dìa là 1 đến 1,2 m. Chính vì vậy, trong những ngày nắng nóng bà con cần có sự lưu ý để có sự điều chỉnh mực nước kịp thời, bù vào ao nuôi để ao nuôi có độ sâu mực nước phù hợp.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Thành phố Đông Hà cho biết: Cá dìa là đối tượng phù hợp cho các ao nuôi kém hiệu quả, giúp cải thiện môi trường, hạn chế rủi ro dịch bệnh phát sinh.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các phường trên địa bàn Thành phố có diện tích nuôi thủy sản nước lợ để nhân rộng mô hình này nhằm tăng thu nhập cho bà con và tạo hoạt động sinh kế thủy sản bền vững”, ông Cường nói.
Đây là mô hình được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề bổ sung đối tượng nuôi mới, luân canh, xen canh với các đối tượng tôm, cua nhằm hạn chế suy thoái môi trường, dịch bệnh, cũng như góp phần phát triển nghề nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.