Sáng 12/11, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc (Cục Bảo vệ thực vật) và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN-PTNT) tổ chức khóa tập huấn nâng cao cho giảng viên từ TOT-IPM lên TOT-IPHM (Phát triển ứng dụng quản lý sinh vật gây hại tổng hợp và biện pháp phòng chống sinh vật gây hại cây trồng) tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh: “Việc xây dựng một chương trình đào tạo hoàn thiện không chỉ đơn thuần là phát triển đội ngũ giảng viên mà còn là một phần trong chiến lược phát triển bền vững của nền nông nghiệp. Đội ngũ này sẽ là nhân tố nòng cốt giúp hiện thực hóa các mục tiêu dài hạn về an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân Việt Nam".
Khóa học diễn ra tại Hà Nội trong 11 ngày, từ 12/11 - 22/11/2024, với mục tiêu trang bị cho các giảng viên kiến thức toàn diện về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM). Đây là bước đệm quan trọng để xây dựng lực lượng giảng viên chuyên nghiệp, đủ năng lực đào tạo và hướng dẫn nông dân về quản lý sức khỏe cây trồng tại các địa phương trên cả nước.
Đặc biệt, khóa học TOT-IPHM năm nay không chỉ cung cấp kiến thức về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) mà còn đi sâu vào các biện pháp bảo vệ cây trồng dựa trên khoa học và sinh thái học.
Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, tham gia lớp tập huấn, các giảng viên sẽ được hướng dẫn về các kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp và các nguyên tắc IPHM, bao gồm: biện pháp sinh học, sử dụng giống cây khỏe, duy trì dinh dưỡng đất và áp dụng nông nghiệp sinh thái nhằm bảo vệ môi trường. Các kỹ năng này giúp tối ưu hóa sức khỏe cây trồng, từ đó cải thiện chất lượng và năng suất nông sản.
Chương trình còn lồng ghép các biện pháp bảo vệ môi trường như quản lý bền vững cỏ dại, thu gom và tiêu hủy vỏ bao bì thuốc và phân bón, đồng thời tập trung vào những yếu tố quan trọng đối với một nền nông nghiệp bền vững trong tương lai như canh tác giảm phát thải nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, các học viên sẽ rèn luyện các kỹ năng thực hành như tổ chức thực nghiệm, phân tích và tổng hợp vấn đề, và thuyết trình hiệu quả. Phương pháp giảng dạy chú trọng vào hoạt động nhóm và tương tác hai chiều, giúp nâng cao kỹ năng lãnh đạo và khả năng giải quyết vấn đề thông qua các bài tập thực tế. Những kỹ năng mềm này không chỉ có ý nghĩa trong lớp học mà còn rất cần thiết khi làm việc với nông dân, góp phần vào sự thành công của chương trình IPHM ở từng địa phương.
Khóa học cũng trang bị cho các giảng viên kỹ năng truyền thông, giúp họ phổ biến kiến thức và kinh nghiệm trong cộng đồng một cách hiệu quả. Các kỹ năng như làm quen, giới thiệu, lắng nghe và giao tiếp được đào tạo để hỗ trợ học viên truyền đạt kiến thức đến nông dân dễ dàng hơn.
Những trải nghiệm này cung cấp cho học viên cái nhìn thực tế về các mô hình nông nghiệp bền vững, từ đó giúp họ hiểu rõ hơn cách ứng dụng kiến thức IPHM vào công việc đào tạo và hướng dẫn tại địa phương, các mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu
Đặc biệt, khóa học chú trọng vào phương pháp tuyên truyền “người dân dạy người dân", qua đó thúc đẩy sự chia sẻ kiến thức trong cộng đồng một cách tự nhiên và hiệu quả. Chương trình đào tạo cũng đề cập đến việc xây dựng đội ngũ giảng viên quốc gia với mục tiêu mỗi năm sẽ có ít nhất một giảng viên quốc gia và khoảng 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia được giới thiệu.
Cục Bảo vệ thực vật và Sở NN-PTNT Hà Nội kỳ vọng, các học viên sẽ tích cực học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong chăm sóc sức khỏe cây trồng, bảo vệ sức khỏe đất và quản lý thảm thực vật. Sau khoá học, các học viên trở thành những giảng viên tiếp tục truyền thụ kiến thức đã học được cho đồng nghiệp và nông dân áp dụng vào sản xuất.