Tại xã Tân Trung (thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang) trước đây bà con nông dân có xu hướng sạ dày, bón thừa phân đạm và phun xịt thuốc BVTV nhiều. Được sự chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam đã triển khai mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây lúa để thay đổi nhận thức của nông dân về bảo vệ hệ sinh thái đồng ruộng.
Trong mô hình IPHM, nông dân giảm lượng giống gieo sạ, bón phân theo công thức N-P-K (90- 60-30) kết hợp với bón lót 200kg/ha phân hữu cơ. Ngoài mô hình, nông dân sạ với lượng giống lên tới 160kg/ha, bón phân theo công thức N-P-K (120-40-30) và không bón phân hữu cơ.
So với ruộng ngoài mô hình, ruộng áp dụng IPHM có mật độ sâu hại thấp, trên đồng ruộng xuất hiện nhiều loài thiên địch, sâu bệnh tuy có xuất hiện nhưng ở mức độ nhẹ và không cần phải xử lý thuốc BVTV, năng suất cuối vụ đạt 6,85 tấn/ha (ngoài mô hình đạt 6,71 tấn/ha).
Kết quả mô hình IPHM trên có được là nhờ giảm giống (giảm 40kg/ha), giảm phân đạm (30kg/ha), tăng cường bón phân hữu cơ nên cây lúa khỏe, chống chịu tốt với sâu bệnh, nhất là sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn và cháy bìa lá, qua đó giảm số lần phun và chi phí phun thuốc BVTV.
Về hiệu quả kinh tế, so với ruộng ngoài mô hình, ruộng áp dụng IPHM có chi phí đầu tư gần 16 triệu đồng/ha (giảm hơn 1,8 triệu đồng), tổng thu gần 48 triệu đồng/ha (tăng 980 nghìn đồng), lợi nhuận đạt gần 32 triệu đồng/ha (tăng hơn 2,8 triệu đồng).
Ngoài ra, trong mô hình đã bố trí 3 thí nghiệm về giảm mật độ gieo sạ, giảm lượng đạm, tăng cường bón phân hữu cơ và cắt lá lúa giả lập sâu cuốn lá gây hại trên đồng ruộng. Kết quả, các thí nghiệm trình diễn đã giảm được lượng giống, giảm phân đạm, giảm phun thuốc BVTV, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường sinh thái mà vẫn đảm bảo được năng suất.
Ông Bùi Văn Xem, nông dân xã Tân Trung có 1,1ha lúa cho biết, áp dụng IPHM đã giúp giảm lượng giống, phân bón và số lần phun thuốc BVTV so với trước đây. Qua đó, ông đã tiết kiệm được chi phí đầu tư gần 2 triệu đồng.
“Khi sử dụng phân bón theo quy trình trong mô hình, cây lúa ra rễ khỏe, sạch sâu bệnh, giảm được số lần phun xịt thuốc BVTV. Ban đầu bón lót chúng tôi không tin tưởng lắm nhưng khi thí nghiệm rồi thấy rất hiệu quả. Vùng đất này phèn, mặn, nhờ bón lân nên cây lúa không bị ngộ độc phèn, bộ rễ lúa phát triển rất khỏe, lúa phát triển tốt, không bị bù lạch tấn công”, ông Xem nói.
Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Gò Công chia sẻ: Mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp được nâng cấp từ chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) kết hợp với các tiến bộ kỹ thuật như "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng". Mô hình này giúp nông dân tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất, hiệu quả sản xuất lúa cao hơn, rất phù hợp với điều kiện sản xuất của Thành phố, thích hợp để nhân rộng”.
Là doanh nghiệp đồng hành trong mô hình, ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ HK Green chia sẻ: Mô hình IPHM rất phù hợp với định hướng mà doanh nghiệp đã xây dựng trong nhiều năm qua, đó là nâng cao chất lượng hạt gạo vùng đất Gò Công, tăng lợi nhuận nhưng phải bảo vệ môi trường, sức khỏe nông dân.
Qua mô hình, bà con sẽ phối hợp với Công ty để nhân rộng, tạo vùng nguyên liệu lúa sạch, giảm chi phí BVTV, nâng cao chất lượng lúa. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con để nhân rộng mô hình. Cuối vụ, chúng tôi sẽ bao tiêu sản phẩm với giá thị trường và cộng thêm 200 đồng/kg nếu bà con tuân thủ theo quy trình sản xuất của Công ty".
Theo ông Nguyễn Minh Thư, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam), so với các mục tiêu đề ra, mô hình bước đầu đã thành công. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai ở các địa phương khác để nhân rộng mô hình này ra khắp ĐBSCL theo chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật.
"Mục đích chính của mô hình là giảm lượng giống, giảm lượng phân đạm và thuốc BVTV cho nông dân, tăng cường bón phân hữu cơ giúp đất khỏe, phù hợp với chương trình IPHM chung của Việt Nam.
Kết quả mô hình đã đạt được các chỉ tiêu đề ra, giảm lượng giống (25%), giảm lượng đạm (từ 20 - 30%), giảm 3 lần phun thuốc BVTV so với ngoài mô hình. Mô hình có áp dụng bẫy cây trồng để phòng chống chuột, đồng thời áp dụng công nghệ sinh thái (trồng hoa bờ ruộng) tạo cảnh quan tươi đẹp, phù hợp với chương trình nông thôn mới hiện nay", ông Nguyễn Minh Thư chia sẻ.