| Hotline: 0983.970.780

Áp dụng máy sạ khóm, lợi nhiều bề

Thứ Năm 02/12/2021 , 12:00 (GMT+7)

BẠC LIÊU Không chỉ giảm được giống, giảm công lao động, máy sạ khóm còn giúp lúa phát triển đồng đều, ít sâu bệnh, giảm phân bón và thuốc BVTV, năng suất cao, chất lượng lúa tốt...

Giảm 50% lượng giống gieo sạ 

Trong sản xuất lúa, khâu gieo cấy là một trong những khâu tốn nhiều công lao động và nặng nhọc nhất. Đây cũng là khâu quan trọng quyết định sự phát triển và năng suất của cây lúa.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ Xây dựng mô hình ứng dụng máy sạ khóm trong sản xuất lúa giai đoạn 2020 - 2022. Ảnh: Trọng Linh.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ Xây dựng mô hình ứng dụng máy sạ khóm trong sản xuất lúa giai đoạn 2020 - 2022. Ảnh: Trọng Linh.

Tuy nhiên, việc áp dụng cơ giới hóa, cụ thể là khâu gieo sạ trong sản xuất lúa tại tỉnh Bạc Liêu còn thấp. Với diện tích canh tác lúa trên 98.000 ha, diện tích gieo trồng hàng năm gần 189.000 ha nhưng diện tích cấy chỉ khoảng 150 ha/vụ. Bên cạnh đó, chi phí dịch vụ này còn cao và chưa toàn diện.

Do đó, việc đầu tư máy sạ khóm với chi phí dịch vụ phù hợp và giải quyết cơ bản được những tồn tại hiện hữu tại tỉnh Bạc Liêu là hết sức cần thiết.

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ Xây dựng mô hình ứng dụng máy sạ khóm trong sản xuất lúa, giai đoạn 2020 - 2022. Kết quả khả quan khi năng suất đạt 6,6 – 7 tấn/ha, cao hơn 486 kg/ha so với phương pháp sạ thông thường (sạ lan), đồng thời giảm lượng lúa giống, phân bón và số lần thuốc trừ bệnh so với bên ngoài mô hình.

Qua đó, giúp tăng năng suất lao động 50%, giảm tối thiểu ½ lượng hạt giống so với phương pháp sạ lan truyền thống. Hiệu quả kinh tế tăng trên 20%. Năng suất hoạt động của máy sạ khóm đạt 3 – 4 ha/ngày, với giá dịch vụ 1.700.000 đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, bao gồm ngâm ủ giống, vận chuyển, thuê lái, nhiên liệu, khấu hao, lợi nhuận mô hình thu được 730.000 đ/ha. Nông dân tham gia mô hình rất hài lòng khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Theo Thạc sỹ Tô Ngọc Dung, Cán bộ kỹ thuật của Trung Tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu: Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất đồng thời liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân hiện nay là sự cần thiết và cấp bách của địa phương trong giai đoạn ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nông dân HTX Nam Hưng thực hiện phương pháp sạ lúa theo khóm. Ảnh: Trọng Linh.

Nông dân HTX Nam Hưng thực hiện phương pháp sạ lúa theo khóm. Ảnh: Trọng Linh.

Bà Dung cho biết, việc ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo sạ bằng máy sạ theo khóm nhằm mục đích tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất (hạt giống, công lao động…), tăng thu nhập và nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân, góp phần đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa.

Hiệu quả của mô hình

Tiếp bước thành công của việc ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo sạ, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu tiếp tục triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng máy sạ khóm trong sản xuất lúa tại tỉnh Bạc Liêu” tại HTX Nông nghiệp Nam Hưng (HTX Nam Hưng) ở ấp Nam Hưng, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi. Dự án được triển khai thực hiện vụ trong vụ hè thu 2021 với 2 hợp phần.

Thứ nhất, là xây dựng mô hình trình diễn 50 ha với 30 hộ tham gia, định mức hỗ trợ 50% giống, phân bón và thuốc BVTV. Thứ hai, là mô hình tổ chức quản lý, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hỗ trợ 1 máy sạ lúa theo khóm hiệu GRO60, với giá trị 420 triệu đồng/máy – định mức hỗ trợ 50% và xây dựng 1 nhóm liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Theo Thạc sỹ Tô Ngọc Dung, Cán bộ kỹ thuật của Trung Tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu: Trước khi thực hiện dự án, các hộ tham gia được tập huấn quy trình kỹ thuật thâm canh lúa ứng dụng máy sạ theo khóm trên cơ sở của biện pháp "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm"/SRI như: Làm đất, vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ; cày, trục đất bằng phẳng; làm đất, vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ; trục bừa đất bằng phẳng; quản lý nước theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

Sử dụng giống lúa Đài Thơm 8 và OM 18 cấp xác nhận 1 sạ với lượng giống từ 50 – 60 kg/ha. Ảnh: Trọng Linh.

Sử dụng giống lúa Đài Thơm 8 và OM 18 cấp xác nhận 1 sạ với lượng giống từ 50 – 60 kg/ha. Ảnh: Trọng Linh.

Đồng thời, sử dụng thuốc BVTV một cách hợp lý, hiệu quả và an toàn, chỉ sử dụng thuốc BVTV hoá học khi thật cần thiết. Sử dụng giống lúa Đài Thơm 8 và OM 18 cấp xác nhận 1 sạ với lượng giống từ 50 – 60 kg/ha. Bên cạnh đó, các hộ dân tham gia dự án được tập huấn về kỹ thuật vận hành, quản lý và bảo dưỡng máy sạ lúa theo khóm.

Kết quả, dự án đã thực hiện đạt yêu cầu với 50 ha và 30 hộ tham gia, năng suất đạt 5,4 – 5,8 tấn/ha, cao hơn 264 kg/ha so với  ruộng sạ lan. Bên cạnh đó, giảm lượng lúa giống xuống còn 65 kg/ha; giảm 11,5 kg N tương đương 25 kg ure/ha, 7,7 kg P2O5 tương đương 48 kg super lân/ha, giảm 1 lần phun thuốc trừ sâu và 2 lần phun thuốc trừ bệnh so với bên ngoài mô hình. Tổng lợi nhuận mô hình đạt hơn 10,7 triệu đồng, tăng thêm hơn 2 triệu đồng/ha so với trồng lúa ngoài mô hình.

Trong điều kiện dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho việc thu mua dẫn đến bị thương lái ép giá và giá bán lúa thấp so với cùng kỳ hằng năm, các hộ tham gia dự án từ mô hình sạ khóm đã được Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Thủy sản Bạc Liêu bao tiêu 100% sản lượng lúa của mô hình với giá 5.800 đ/kg.

Ông Phạm Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: Việc ứng dụng máy sạ lúa theo khóm với chi phí dịch vụ phù hợp chẳng những giúp tăng năng suất, giảm chi phí cho người trực tiếp sản xuất mà còn góp phần làm thay đổi dần nhận thức và tập quán sạ dày của nông dân.

Mặt khác, thông qua nhóm liên kết, các hộ nông dân có điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, giúp nhau giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn gặp phải trong sản xuất.

Với việc sạ lúa theo khóm, lúa phát triển đều, ít bị nhiễm bệnh. Ảnh: Trọng Linh.

Với việc sạ lúa theo khóm, lúa phát triển đều, ít bị nhiễm bệnh. Ảnh: Trọng Linh.

Song song đó, dự án còn góp phần quan trọng vào việc củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX. Việc xây dựng mô hình cánh đồng lớn gắn với cơ giới hóa bằng máy sạ theo khóm trong năm qua đã tạo ra mối liên kết bền vững giữa các hộ nông dân để tạo ra khối lượng hàng hóa lớn; với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên không bị tình trạng tiêu thụ nhỏ lẻ bị thương lái ép giá, từng bước nâng cao cho thu nhập và mức sống cho người dân.

Ông Trần Vũ Luôn, Giám đốc HTX Nam Hưng cho biết: Sau khi thành công ở vụ lúa hè thu, HTX Nam Hưng tiếp tục gieo sạ bằng máy sạ khóm. Ưu điểm của máy sạ khóm giúp nông dân giảm chi phí khâu đầu vào. Cụ thể, khi sạ thưa lúa ít bị sâu bệnh nên giảm được số lượng phân thuốc, ngoài ra còn giảm ½ lượng giống gieo sạ.  

Theo ông Luôn, mô hình máy sạ khóm được triển khai sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho nông dân thông qua kêu gọi sự hỗ trợ của doanh nghiệp, HTX Nam Hưng được bao tiêu đầu ra góp phần sản xuất ổn định, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, có thể nhân rộng mô hình trong xã viên.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.