“Áp thuế tiêu thụ đặc biệt cần hướng tới điều tiết hành vi của người tiêu dùng, điều ấy quan trọng hơn là tăng thu ngân sách”, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại Hội thảo công bố Đánh giá tác động của Dự thảo Thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường.
Theo bà Hà, có nhiều cách điều tiết hành vi tiêu dùng như tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thừa cân béo phì, phổ biến thông tin về các thực phẩm tốt cho sức khỏe…
Bên cạnh luật hóa các quy định, tổ soạn thảo nên bổ sung một cách chi tiết những đánh giá tác động sức khỏe, chẳng hạn nước giải khát có đường ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hay không, nếu khẳng định thì mới quyết định áp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Là tổ chức bảo vệ quyền lợi cho cử tri, doanh nghiệp, lãnh đạo Ban Dân nguyện cho rằng khi xây dựng luật nên dựa trên những bằng chứng khoa học. Đồng thời làm rõ vấn đề, rằng áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, thực chất là điều chỉnh lượng đường đưa vào cơ thể, nhưng liệu có thể giảm nguy cơ thừa cân béo phì ở lứa tuổi thanh thiếu niên hay không?
“Điều chúng ta mong muốn là chăm lo, nâng cao sức khỏe cho người dân, thông qua việc điều chỉnh lượng đường nạp vào cơ thể. Như vậy, ngoài việc thay đổi hành vi tiêu dùng, chúng ta còn có thể điều chỉnh lượng đường có trong sản phẩm”, bà Hà chia sẻ.
Nữ lãnh đạo có thâm niên công tác hàng chục năm trong ngành y tế tin rằng, nếu có thể đưa ra giải pháp không cần áp thuế mà vẫn đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, sẽ hài hòa hơn.
Ý kiến của bà Hà được báo cáo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp Tổng cục thống kê công bố sáng 17/10 củng cố, sau khi nhóm nghiên cứu đã đánh giá tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt một cách toàn diện trên toàn nền kinh tế.
Kết quả tính toán của CIEM dựa trên giả định áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước giải khát có đường. Theo đó, quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nước giải khát bị co hẹp đáng kể sau khi tăng thuế; giá trị tăng thêm và giá trị sản xuất của nhóm ngành liên quan đều giảm. Trong đó, giá trị tăng thêm giảm gần 0,8%, tương đương khoảng 5.600 tỷ đồng.
Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt còn tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành và toàn nền kinh tế. Cụ thể, tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm 0,6% (hơn 55.000 tỷ đồng). Điều này kéo theo sự sụt giảm về GDP gần 0,5% (hơn 42.000 tỷ đồng).
Sắc thuế mới (nếu áp mức 10%) còn ảnh hưởng tới cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động trong toàn nền kinh tế: giảm khoảng 0,6% (gần 35.000 tỷ đồng).
TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) nhận xét, khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước giải khát có đường, thuế gián thu (chủ yếu là thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt) sẽ tăng hơn 0,8% trong chu kỳ đầu (năm 2026), tương đương hơn 8.500 tỷ đồng. Đánh đổi, thuế trực thu (chủ yếu là thuế thu nhập doanh nghiệp) giảm hơn 0,6%, tương đương hơn 2.100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sang chu kỳ kế tiếp, cả hai loại thuế đều giảm. Trong đó, thuế gián thu giảm gần 0,5%, tương đương gần 5.000 tỷ đồng. Điều này dẫn đến việc ở các chu kỳ sau, nguồn thu ngân sách tiếp tục giảm.
"Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nên có thêm những đánh giá tác động toàn diện, nhất là thời điểm áp dụng và tình hình thực tế của Việt Nam cũng như thế giới hiện tại", bà Thảo nói.
Làm rõ hơn về bối cảnh kinh tế vĩ mô và thu ngân sách, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính thông tin, 9 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách ước đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ 2023 và bằng 85% dự toán năm 2024. Tuy nhiên, lượng tăng chủ yếu là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT. Trong khi, thuế tiêu thụ đặc biệt không tăng, thậm chí giảm.
Nguyên nhân được ông Cường chỉ ra, là do tiêu dùng trong nước giảm, nhất là trong khu vực cá nhân. Đặc biệt, giai đoạn 2012-2024, Việt Nam đều bội chi ngân sách, có lúc cao điểm lên tới 4%.
“Việt Nam chịu áp lực về tăng thu ngân sách”, PGS.TS Vũ Sỹ Cường nhận định và nêu quan điểm, rằng việc điều chỉnh thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt, là định hướng đúng đắn nhưng cần có lộ trình phù hợp với từng giai đoạn và cần khuyến khích tiêu dùng nội địa.
Khuyến khích tiêu dùng nội địa cũng nằm trong định hướng điều chỉnh hành vi tiêu dùng của người dân, theo TS Nguyễn Minh Thảo. Đại diện CIEM nêu thực tế, nếu đi chợ hàng ngày, mọi người sẽ thấy giá đang tăng chóng mặt. Điều này chắc chắn ảnh hưởng tới cầu trong nước, cũng như hành vi tiêu dùng của cộng đồng.
Quan sát hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam từ năm 2018, bà Thảo nhận thấy “sức khỏe của doanh nghiệp” đang giảm sút do họ có thời gian “tích lũy khó khăn quá lâu”. Một minh chứng, là đến năm 2023, số doanh nghiệp mới thành nhập chỉ còn gấp 1,26 lần số rút lui, tương đương giảm một nửa so với giai đoạn trước đó.
Trong bối cảnh đó, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát có đường sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, theo bà Thảo. Bởi ngành đồ uống rất dễ bị tổn thương trước các cú sốc, bao gồm cả những thay đổi về chính sách.
Thông qua báo cáo đánh giá tác động vừa công bố, CIEM kiến nghị cơ quan soạn thảo dự luật sớm hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với mặt hàng thực phẩm và đồ uống để đảm bảo chất lượng thực phẩm, đồ uống khi tiêu thụ trên thị trường, song song với việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.