| Hotline: 0983.970.780

Thực phẩm, đồ uống có đường liệu có tác động đến thừa cân béo phì?

Thứ Sáu 19/07/2024 , 16:28 (GMT+7)

Các thực phẩm chứa đường, đồ ngọt nói chung cung cấp khoảng 3,6% tổng năng lượng đưa vào cơ thể và không phải nguồn cung cấp duy nhất.

PGS.TS Nguyễn Thị Tâm: Tỷ lệ thừa cân béo phì ở Việt nam vẫn nằm trong vùng xanh.

PGS.TS Nguyễn Thị Tâm: Tỷ lệ thừa cân béo phì ở Việt nam vẫn nằm trong vùng xanh.

Cần thêm cơ sở khoa học

Tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước giải khát theo có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế để thực hiện chủ trương bảo vệ sức khỏe nhân dân. 

Trong đó, nhấn mạnh vấn đề kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, giảm rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm.

Theo quan điểm của Bộ Tài chính, nước giải khát có đường là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thừa cân béo phì nên phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt để đẩy giá thành lên cao, từ đó hạn chế tiêu dùng.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, cần có thêm cơ sở khoa học để xác định và khẳng định đồ uống có đường là thủ pham chính gây nên tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam.

“Trong 10 năm qua tỷ lệ thừa cân béo phì của người Việt Nam tăng gần gấp đôi, đặc biệt lứa tuổi từ 5-19 tuổi. Nhưng theo đánh giá của WHO, tỷ lệ thừa cân béo phì ở Việt nam vẫn nằm trong vùng xanh và là nước có tỷ lệ thừa cân béo phì thấp ở khu vực Đông Nam Á”, bà Lâm cho biết

Báo cáo của WHO về thừa cân, béo phì, cũng như tài liệu chuyên môn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì của Bộ Y tế đều nêu rõ, rằng thừa cân béo phì có nguyên nhân bắt nguồn từ sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao.

Các yếu tố chính bao gồm chế độ dinh dưỡng không hợp lý (tiêu thụ nhiều chất béo, chất đạm, nhiều muối và không đủ chất xơ), đồng thời thiếu hoạt động thể chất.

Các thực phẩm chứa đường và đồ ngọt nói chung cung cấp khoảng 3,6% tổng năng lượng đưa vào cơ thể, trong khi đó nguồn năng lượng chiếm nhiều nhất là ngũ cốc (51,4%), thịt (15,5%). Nước giải khát có đường không phải nguồn cung cấp đường, calo duy nhất và cao nhất trong chế độ ăn của người Việt.

Thậm chí, lượng calo từ nước giải khát có đường khoảng 44 kcal/100g, thấp nhất trong các loại thực phẩm chứa đường.

TS Nguyễn Minh Thảo: Nhiều ngành hàng bị ảnh hưởng nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường.

TS Nguyễn Minh Thảo: Nhiều ngành hàng bị ảnh hưởng nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường.

Bà Lâm cũng nêu thực tế, nhiều trẻ em thừa cân béo phì nhưng bị suy dinh dưỡng. Điểm chung của nhóm đối tượng này, là rất ít vận động và mất cân đối trong chế độ dinh dưỡng. Cơ thể thừa năng lượng, tăng cân nhưng chủ yếu tăng mỡ, thiếu cơ, thiếu máu, thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu và dẫn đến còi xương, suy dinh dưỡng thể ẩn. 

Đặc biệt, tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh khu vực thành thị (41,9%) cao hơn nhiều so với khu vực nông thôn (17,8%) nhưng tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt thường xuyên của trẻ em khu vực thành thị (16,1%) lại thấp hơn nông thôn (21,6%), theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia.

Một nghiên cứu khác do viện thực hiện năm 2011 cũng chỉ ra, rằng tỷ lệ trẻ em từ 6-11 tuổi ở khu vực thành thị đạt mức khuyến nghị về hoạt động thể lực là 32,5%, chỉ bằng một nửa so nông thôn là 59,9%. Thời gian tĩnh tại trong ngày của lứa tuổi học sinh chủ yếu là dành cho mạng xã hội (95,9%); game, máy tính, điện thoại (76,3%).

“Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường tại một số nước chưa mang lại hiệu quả mong muốn", TS Nguyễn Thị Lâm nói và dẫn chứng bang California (Hoa Kỳ). Sau một thời gian áp dụng thuế, người dân đã tìm kiếm các loại nước giải khát khác. Năng lượng đưa vào từ nước giải khát có đường giảm khoảng 6 Kcal/ngày, nhưng năng lượng từ các nguồn khác lại tăng trung bình 35 Kcal/ngày.

Kinh nghiệm từ quốc tế

Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2020, người dân Việt Nam tiêu thụ nước giải khát trung bình khoảng 34 lít/năm. Trong khi đó, mức tiêu thụ nước giải khát bình quân theo đầu người một năm ở châu Âu trong khảo sát năm 2019 là 243,9 lít. 

Tại châu Á, nhiều nước có mức tiêu thụ bình quân nước giải khát trên 100 lít/người/năm. Chẳng hạn, Nhật Bản là là 169,28 lít (số liệu năm 2023), Hàn Quốc là 96,51 lít (số liệu 2023). Thống kê tại Mỹ La tinh năm 2018, con số trung bình khoảng 91,98 lít/người/năm. Tại Hoa Kỳ, điều tra năm 2021 là khoảng 140,5 lít/ người/ năm.

Tuy nhiên, Đức - quốc gia tiêu thụ nhiều nước giải khát nhất châu Âu tính theo đầu người - và Nhật Bản, Hàn Quốc không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng này.

Bộ Tài chính cho rằng, nước giải khát có đường là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thừa cân béo phì.

Bộ Tài chính cho rằng, nước giải khát có đường là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thừa cân béo phì.

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường không làm giảm tỷ lệ thừa cân béo phì tại nhiều quốc gia. Ví dụ Chile áp thuế từ năm 2014 nhưng giai đoạn 2016 - 2017, tỷ lệ béo phì ở cả nam và nữ giới Chile lần lượt là 30,3% và 38,4%, tăng so với giai đoạn 2009-2010 (tương ứng là 19,2% và 30,7%). Điều này cũng đúng với Bỉ và Mexico, với mức tăng dao động từ 4-5%.

Một số quốc đã bỏ công cụ thuế sau một thời gian áp dụng nhưng không tác động đáng kể lên sức khoẻ cộng đồng, trong đó có Đan Mạch và Na Uy. Ngược lại, Nhật Bản không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát nhưng lại là quốc gia có tỷ lệ thừa cân, béo phì thấp nhất trong khu vực và trên thế giới, với tỷ lệ béo phì ở người lớn là 4,5%; tỉ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em lần lượt là 3,8 % và 4,1%.

Một chính sách mới, đặc biệt là thuế, trước khi áp dụng cần có nghiên cứu và đánh giá toàn diện, cũng như lấy ý kiến từ các bên liên quan.

Trên quan điểm này, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ: "Chúng ta chưa có một nghiên cứu tổng thể và toàn diện nào về việc mức độ thừa cân béo phì là do nước giải khát có đường".

Theo bà Thảo, khi đánh thuế với nước giải khát có đường, khoảng 25 ngành hàng khác cũng chịu ảnh hưởng. Tính toán sơ bộ, nếu áp thuế 10% thì ước tính GDP giảm 0.5 điểm phần trăm và sẽ tác động rất lớn tới nền kinh tế.

Ông Đỗ Thái Vương, Trưởng tiểu ban Nước giải khát, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) nhận định, kinh nghiệm của các nước khác trong việc giảm tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên là giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức liên quan đến lượng đường, calo nạp vào cơ thể.

"Các doanh nghiệp ngành đồ uống đã có những sản phẩm ít đường hoặc không calo, đồng thời bổ sung vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe", ông bày tỏ.

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

8 lợi ích sức khỏe tuyệt vời của quả xoài

Xoài là loại cây quen thuộc với người Việt, thường được trồng làm bóng mát trong gia đình và khu dân cư. Quả xoài được yêu thích bởi hương thơm và vị ngọt đặc trưng.