Tác động lớn tới người dân, xã hội
Tại Hội thảo Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống, bà Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhìn nhận, người Việt có tục lệ uống rượu khi ăn. Nhiều nơi, uống rượu là một nét văn hóa, là một phần của cuộc sống.
Theo bà Cúc, nếu đánh thuế cao đồ uống có cồn nói chung và rượu nói riêng, người dân dễ dẫn đến suy nghĩ là tìm đến phương án rẻ hơn. "Đó là thời cơ cho các sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đi vào các kênh phân phối", bà nói và nhấn mạnh thêm, rằng sức khỏe người dân có thể bị ảnh hưởng nếu không được đảm bảo việc tiếp cận những sản phẩm chất lượng, có xuất xứ rõ ràng.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, thuế suất thường có một ngưỡng tối ưu. Nếu vượt quá mức này, thuế sẽ gây phản ứng ngược. Trong trường hợp thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng thuế có thể dẫn đến việc không đạt được mục tiêu đề ra ban đầu là giảm tiêu thụ một nhóm sản phẩm trong phạm vi hẹp.
Đồng tình quan điểm này, bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam cho biết, cơ quan soạn thảo nên sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt, trở thành một công cụ điều tiết, nhằm hướng người sử dụng đến những sản phẩm có nồng độ cồn thấp hơn, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Bằng chứng là qua các thời kỳ, thuế tiêu thụ đặc biệt áp cho sản phẩm rượu nặng luôn cao hơn khoảng 2 lần. Ở lần sửa đổi mới nhất, thuế cho rượu trên 20 độ là 65%, còn rượu dưới 20 độ là 35%. Chính sách như vậy, theo bà Ánh, đã hướng người dân đến hành động sử dụng những sản phẩm có nồng độ cồn thấp, hạn chế được việc lạm dụng đồ uống có cồn.
"Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi nhất trí với quan điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhưng việc tăng thuế cần có lộ trình phù hợp với thực tiễn, tránh để các tác nhân trong chuỗi bị sốc", bà Ánh chia sẻ.
Số liệu của Oxford Economic chỉ ra, ngành bia đóng góp 555 USD vào GDP toàn cầu, tạo ra 23 triệu công ăn việc làm và đóng góp 66 tỉ USD tiền thuế cho các chính phủ trên toàn thế giới trong năm 2019.
Dù chỉ chiếm khoảng 3% lao động, ngành bia tạo ra tới 7% giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và chiếm khoảng 6% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Theo tính toán, cứ 1 công việc trực tiếp tại nhà máy bia tạo ra khoảng trên 50 công việc gián tiếp trong chuỗi cung ứng phụ trợ.
Tại Việt Nam, mỗi năm ngành bia, rượu, nước giải khát đóng góp khoảng 60.000 tỉ đồng vào ngân sách, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm cho người lao động trực tiếp, gián tiếp.
Chính bởi có những đóng góp như vậy cho xã hội, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho rằng, việc áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt mới cần phải được phân tích, đánh giá, nghiên cứu một cách chi tiết, khách quan, phù hợp với tình hình thực tế của cả trong nước lẫn quốc tế. Cần tuyệt đối tránh tình trạng doanh nghiệp phải chịu những "tác động kép".
Cân đối lộ trình và thuế suất phù hợp
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đánh giá, sau Covid-19, ngành đồ uống đang chịu nhiều khó khăn như không được hưởng hỗ trợ giảm thuế VAT 2%, Nghị định 100 về xử phạt vi phạm giao thông. Ngoài ra, vấn đề hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc còn tồn tại.
Qua nghiên cứu, lợi nhuận bình quân toàn ngành đồ uống đã giảm bình quân 10%/năm giai đoạn 2020-2023. Trong 6 tháng đầu năm 2024, hàng tồn kho tiếp tục tăng cao.
Với bối cảnh như vậy, ông Lực dự báo, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể tăng ngân sách trong ngắn hạn nhưng ở dài hạn thì chưa chắc. Nguyên do bởi chính sách thuế mới sẽ giảm cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp, chưa kể mức thuế trong dự thảo tăng nhanh trong thời gian ngắn.
Trong lập luận của Bộ Tài chính, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm giảm tỷ lệ béo phì. Tuy nhiên, ông Lực nói "cần thêm bằng chứng khoa học" về việc này bởi việc tăng thuế chưa chắc tác động đến đúng đối tượng cần giảm.
Vị chuyên gia kinh tế đưa ra một số kiến nghị, và nhấn mạnh việc cơ quan soạn thảo nên tính toán kỹ mức thuế, thời điểm và lộ trình tăng thuế phù hợp, khả thi, tránh hiện tượng "khó chồng khó" cho doanh nghiệp, ngành hàng.
"Chúng ta cần làm rõ mục tiêu thay đổi thuế tiêu thụ đặc biệt, đồng thời phải xác định rõ là không nên tăng thuế theo hướng tận thu mà cần nuôi dưỡng nguồn thu", ông Lực bày tỏ.
Bên cạnh việc thay đổi thuế suất, TS Cấn Văn Lực đề nghị cơ quan quản lý đồng bộ các chính sách để bảo vệ sản phẩm chính ngạch, chống buôn lậu, chống hàng nhái, hàng giả, đồng thời nâng cao nhận thức và sức khỏe người dân. Đây mới là cách hạn chế đồ uống có cồn một cách lâu dài, bền vững.
Tổng kết các ý kiến, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI cam kết sẽ tổng hợp để gửi đến cơ quan soạn thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
"Rất khó có phương án để tất cả cùng hài lòng nhưng cộng đồng doanh nghiệp hy vọng cơ quan soạn thảo sẽ có thêm những thông tin đa chiều để cân nhắc kỹ lưỡng và đưa ra quyết định phù hợp nhất, phục vụ tối đa lợi ích, sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam", ông Tuấn cho biết.
Trong dự thảo mới nhất, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường ở mức 10%. Bộ này thừa nhận, áp thuế sẽ làm giảm sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu mặt hàng này trong thời gian đầu nhưng khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng.