| Hotline: 0983.970.780

Ba đoạn phim rời rạc về năm tháng bão lụt

Thứ Năm 03/10/2013 , 10:33 (GMT+7)

Không phải tôi viết lại, cũng không phải tôi kể lại, mà những hình ảnh của một miền Trung gần gũi cứ lần lượt hiện ra như ba đoạn phim quay chậm, thật buồn và thật đẹp.

Người miền Trung từ bao đời nay đã quá quen với bão lụt. Những cơn mưa trắng trời, những trận gió xoáy lốc đã làm nên vóc dáng người miền Trung, cốt cách người miền Trung, bản lĩnh người miền Trung.

Thế nhưng, mỗi năm khi mùa đông tràn về, thì những đứa con ly hương không thể không thoáng rùng mình vì thiên tai phập phồng phía quê nhà. Tôi cũng vậy, tôi mang cái lặng lẽ của đồi cát miền Trung lẫn cái mặn chát của muối trắng miền Trung vào sinh sống ở phương Nam nhiều năm rồi, vẫn cứ thấy nhoi nhói trong tim mỗi lần nghe tin tức bão lụt miền Trung. Thật lòng tôi không muốn nhắc lại nỗi thiệt thòi xót xa của người miền Trung gánh chịu giông tố nữa, nhưng có điều gì khắc khoải thương nhớ dâng lên cồn cào ký ức tôi như những đợt sóng ầm ì vỗ vào bờ cát.


Bão số 10 tàn phá xóm làng ở Thanh Hóa

Hết bão số 9 lại đến bão số 10 và những trận áp thấp nhiệt đới đã buộc tôi ngồi xuống máy tính giữa một ngày Sài Gòn phê phẩy những giọt mưa âm thầm. Không phải tôi viết lại, cũng không phải tôi kể lại, mà những hình ảnh của một miền Trung gần gũi cứ lần lượt hiện ra như ba đoạn phim quay chậm, thật buồn và thật đẹp.

1.  Tôi từng có một tuổi thơ nhiều biến cố trôi qua ở một xóm nghèo nằm bên cửa biển. Mỗi khi tôi đi đâu xa trở về, thì cái xóm nhỏ thân thuộc được đánh dấu bằng cái quán nhỏ của cô Ba. Tôi không biết cô Ba tên thật là gì và gốc gác ở đâu, chỉ gọi theo cách của mẹ tôi dạy bảo. Câu chuyện của cô Ba mà tôi được nghe nhiều người rỉ tai nhau, rằng ngày xưa cô Ba vốn cùng chồng con làm nghề đánh cá. Họ lấy thuyền làm nhà, lấy biển làm bạn. Rồi một hôm bão ập đến, phương tiện thông tin thiếu thốn thời ấy cũng không có cách gì cứu giúp được họ. Chiếc thuyền đánh cá chấp chới giữa trùng khơi và bị sóng lớn nhấn chìm. Cô Ba may mắn thoát chết khi trôi dạt vào xóm tôi, còn chồng con của cô Ba mãi mãi nằm lại trong sự giận dữ của đại dương.

Nỗi đau của cô Ba được xoa dịu dần bởi vòng tay đùm bọc của láng giềng. Tuy nhiên, có một điều cứ ám ảnh tôi, đó là những ngày mùa đông nổi lên những cơn bão đầu tiên thì cô Ba bỏ cái quán nhỏ và chạy ra ngồi một mình trên bãi biển. Khoảnh khắc ấy, đôi mắt của cô Ba thăm thẳm lắm. Cô Ba không khóc nhưng tôi vẫn có cảm giác rờn rợn khi nhìn đôi mắt cô Ba thấy xốn xang nỗi mất mát vẫn in nguyên.

Lũ trẻ chúng tôi ngày thường hay đùa nghịch lấy thứ này thứ kia ở quán cô Ba, vậy mà mỗi lúc cô Ba ngồi im lìm trước biển thì chẳng đứa nào bảo đứa nào cũng đều ngoan ngoãn trông quán dùm cô Ba. Chỉ đến khi chập tối, mẹ tôi và những người đàn bà trong xóm ra tận bãi biển khuyên nhủ, cô Ba mới chịu quay về. Lâu dần, tôi cũng nhận biết được sự chuyển biến tâm lý của cô Ba. Hễ chiều nào cô Ba ra ngồi trên bãi biển, thì đêm khuya lại nghe tiếng khóc vọng âm u từ cái quán nhỏ. Và sự trắc ẩn của mẹ tôi không nén được, dâng thành tiếng thở dài: “Tội nghiệp!”.

2.  Miền Trung những ngày bão lụt, giúp tôi hiểu sự bé bỏng của con người trước sự thịnh nộ của thiên nhiên. Ngày thường giữa hàng xóm có thể có mâu thuẫn, nhưng khi đối mặt với bão lụt thì mọi người bỗng dưng học được cách dựa lưng vào nhau để vượt qua nguy khốn. Bao giờ bão tan thì lụt đến. Nước lũ tràn về nhanh lắm, có khi vừa quay lưng che chắn đã thấy nước mấp mé bậc thềm, có khi vừa lúi húi dọn dẹp đã thấy nước xồng xộc vào nhà. Có năm lũ mạnh đã gây lụt nặng, gia đình tôi run rẩy ngồi trên cái giường kê cao nhìn nước chảy ngược xuôi ào ạt bốn phía. Thật may, ngay giây phút hoảng hốt nhất, tôi nghe giọng nói quen thuộc của cô Ba: “Bọn trẻ có sao không? Nhà còn gì ăn không?”.

Cô Ba đang bơi đến gần bằng một chiếc thúng, hai tay cô Ba khua nước như hai mái chèo. Nghề đi biển ngày xưa trang bị cho cô khả năng bình tĩnh hơn chúng tôi. Ngay cả ngọn đèn bão mà cô Ba để trên cái thúng cũng là kỷ vật thời cô Ba cùng chồng con lênh đênh chài lưới. Cô Ba nhoài người vào cửa sổ: “Có khó khăn cần giúp thì ới tui một tiếng nghen!”. Mẹ tôi cảm ơn sự quan tâm của cô Ba trong niềm áy náy: “Cô ấy một thân một mình, lẽ ra chúng ta phải lo cho cô ấy, không ngờ cô ấy lại lo cho chúng ta!”.

Cô Ba lại bơi đi, đôi vai và ngọn đèn bão nhấp nhô giữa dòng nước đen ngòm. Cô lại bơi đến cửa nhà khác, lại hỏi: “Bọn trẻ có sao không? Nhà còn gì ăn không?” và khi hai cánh tay cô khua nhẹ như hai mái chèo, lại nhắn gửi: “Có khó khăn cần giúp thì ới tui một tiếng nghen!”. Không thể nói khác hơn, chính chiếc thúng và giọng nói của cô Ba di chuyển liên tục trong xóm đã khiến cái đêm lũ lụt vẫn còn chút bình yên cho những giấc ngủ bộn bề!

3. Bão lụt rút đi, bùn đất và đau thương ở lại ngổn ngang. Sau những ngày đêm kinh hoàng, mọi người được gặp nhau trong mừng mừng tủi tủi. Người lớn không ai biết nói với ai điều gì, ngoài những cái vỗ vai động viên với ngụ ý “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Bọn trẻ chúng tôi lại cắp xách đến trường. Tôi vẫn nhớ rất rõ buổi học đầu tiên sau trận bão lụt khủng khiếp năm tôi học lớp 5. Vừa bước chân vào lớp, cô giáo đã phát hiện ngay một bạn nữ không mặc đồng phục. Cô giáo hỏi: “Sao em lại ăn bận không đúng kỷ luật như vậy?”. Bạn nữ mím môi và cúi đầu nín thinh. Cô giáo hỏi lại đến lần thứ ba, thì bạn nữ lí nhí đáp: “Thưa cô, nhà em bị cuốn hết mọi đồ đạc rồi. Em chỉ còn bộ quần áo này thôi!”. Cô giáo thoáng sững sờ, rồi xô đến ôm chầm đứa học trò đáng thương của mình, và òa lên khóc. Cả lớp không ai cầm được nước mắt. Đối với tôi, mãi đến tận hôm nay, đó vẫn là bài học sâu sắc nhất về lòng nhân ái của con người!

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm