| Hotline: 0983.970.780

Ba Lan dừng viện trợ quân sự cho Ukraine

Thứ Năm 21/09/2023 , 21:26 (GMT+7)

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thông báo dừng cung cấp vũ khí cho Kiev, chỉ vài giờ sau khi Warsaw triệu tập đại sứ Ukraine về mâu thuẫn ngũ cốc.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki phát biểu trên kênh truyền hình Polsat News hôm 20/9. Ảnh: PAP.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki phát biểu trên kênh truyền hình Polsat News hôm 20/9. Ảnh: PAP.

“Chúng tôi không còn chuyển vũ khí cho Ukraine nữa vì chúng tôi hiện đang tăng cường trang bị cho Ba Lan những loại vũ khí hiện đại hơn", Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Polsat hôm 20/9.

Ông Morawiecki cho rằng quyết định này sẽ không "gây nguy hại đến an ninh của Ukraine" và khẳng định sẽ không can thiệp vào việc vận chuyển vũ khí từ các quốc gia khác qua trung tâm quân sự ở Rzeszow. Ông Morawiecki cho biết Ba Lan cũng được hưởng lợi về mặt tài chính từ việc vận chuyển cho Ukraine.

"Chúng tôi là những người đầu tiên tích cực hỗ trợ cho Ukraine và đó là lý do tại sao chúng tôi mong họ hiểu được lợi ích của chúng tôi. Tất nhiên, chúng tôi tôn trọng mọi vấn đề của họ, nhưng đối với chúng tôi, lợi ích của người nông dân là điều quan trọng nhất”, Thủ tướng Morawiecki nói.

Ba Lan là một trong những nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2/2022 và cũng là một trong những nhà cung cấp vũ khí chính cho Kiev. Theo giới chức Ba Lan, họ đã viện trợ quân sự hơn 3 tỷ euro cho Kiev trong vòng hơn một năm qua. Các viện trợ này bao gồm đạn dược, xe bọc thép, vũ khí hạng nặng cũng như máy bay chiến đấu do Liên Xô sản xuất. Ba Lan cũng đã tiếp nhận và cứu trợ hơn một triệu người tị nạn Ukraine.

Tuy nhiên, lệnh cấm nhập khẩu nông sản Ukraine đã khiến hai nước bất đồng sâu sắc. Trong bài phát biểu trước đại hội đồng Liên hợp quốc tuần này, Volodymyr Zelensky cáo buộc một số quốc gia châu Âu đang "giả vờ đoàn kết để giúp đỡ Nga bằng cách cấm ngũ cốc Ukraine".

Sau đó, Bộ Ngoại giao Ba Lan đã triệu tập Đại sứ Ukraine ở Warsaw về phát ngôn của Tổng thống Zelensky. Bộ khẳng định rằng "việc gây áp lực lên Ba Lan trên các diễn đàn đa phương hay gửi đơn kiện lên các tòa án quốc tế không phải là giải pháp phù hợp để giải quyết xung đột giữa hai nước chúng ta".

Ukraine là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới trước khi chiến sự nổ ra. Sau khi tuyến đường vận chuyển qua Biển Đen bị ảnh hưởng do cuộc xung đột Nga - Ukraine, Kiev phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu ngũ cốc qua các nước láng giềng. Làn sóng ngũ cốc giá rẻ của Ukraine tràn vào các nước Liên minh châu Âu (EU) đã khiến thị trường nội địa của những quốc gia giáp với Ukraine lao đao.

EU hồi tháng 5 áp lệnh cấm nông sản Ukraine xuất khẩu vào 5 nước láng giềng Ba Lan, Bulgaria, Romania, Hungary và Slovakia để bảo vệ nông dân địa phương, song vẫn cho phép nông sản nước này được quá cảnh sang nước khác.

Lệnh của EU hết hạn hôm 15/9, song Ba Lan, Slovakia và Hungary lập tức ra tuyên bố đơn phương gia hạn các lệnh cấm, bất chấp sự phản đối của EU và Ukraine. Ba nước trên khẳng định họ hành động vì lợi ích của nền kinh tế và bảo vệ nông dân khỏi tình trạng dư thừa sản phẩm. Bulgaria và Romania hiện đã dừng lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine, song người nông dân ở hai quốc gia này đã liên tục biểu tình yêu cầu chính phủ có động thái tương tự như Ba Lan, Slovakia và Hungary.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.