| Hotline: 0983.970.780

Ba Lan, Hungary và Slovakia tiếp tục đơn phương gia hạn lệnh cấm ngũ cốc Ukraine

Thứ Bảy 16/09/2023 , 08:30 (GMT+7)

Sau khi Ủy ban Châu Âu (EC) thông báo dừng các lệnh hạn chế với nông sản Ukraine hôm 15/9, Ba Lan, Hungary và Slovakia tuyên bố sẽ đơn phương gia hạn lệnh cấm.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki. Ảnh: PAP.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki. Ảnh: PAP.

“Chúng tôi sẽ gia hạn lệnh cấm này bất chấp sự phản đối của Ukraine, bất chấp sự phản đối của Ủy ban Châu Âu. Chúng tôi sẽ làm điều này vì lợi ích của người nông dân Ba Lan”, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki phát biểu tại một sự kiện ở thị trấn Elk phía đông bắc nước này hôm 15/9.

Hungary hôm 15/9 đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với 24 loại nông sản của Ukraine, bao gồm ngũ cốc, rau, một số sản phẩm thịt và mật ong.

Slovakia cũng có động thái tương tự khi Bộ trưởng nông nghiệp của nước này công bố lệnh cấm ngũ cốc.

Tương tự các lệnh cấm trước đó, Ba Lan, Hungary và Slovakia chỉ cấm buôn bán và tiêu thụ các loại nông sản Ukraine ở thị trường trong nước, song vẫn cho phép quá cảnh sang nước thứ ba.

EU cho biết họ sẽ không áp đặt bất kỳ hạn chế nào sau ngày 15/9 miễn là Ukraine áp dụng các các biện pháp kiểm soát hiệu quả và toàn diện. Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis hôm thứ 15/9 kêu gọi các nước nên kiềm chế các biện pháp đơn phương cấm ngũ cốc nhập khẩu từ Ukraine.

Kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, Ba Lan là một trong những nước lên tiếng ủng hộ Kiev nhiệt tình nhất. Tuy nhiên, quan hệ hai nước láng giềng dần xấu đi sau khi Ba Lan kêu gọi cấm nhập khẩu nông sản Ukraine để bảo vệ thị trường nội địa.

Hồi tháng 5/2023, 5 nước thành viên Đông Âu của EU, gồm Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria và Slovakia, đã đưa ra lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine. Động thái này được đưa ra sau khi Brussels dỡ bỏ hạn ngạch và thuế quan đối với xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine nhằm hỗ trợ chính phủ Kiev trong giai đoạn đầu cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine.

Tuy nhiên, chính sách này dường như đã phản tác dụng đối với các quốc gia Đông Âu, do vấp phải sự phản đối kịch liệt của nông dân địa phương. Nông dân ở 5 quốc gia láng giềng Ukraine đã nhiều lần phàn nàn về tình trạng dư thừa nông sản ảnh hưởng đến giá cả trong nước và đẩy họ đến bờ vực phá sản.

EU sau đó cho phép 5 quốc gia trên cấm kinh doanh các sản phẩm lúa mì, ngô, hạt hướng dương và hạt cải dầu của Ukraine trong nước, song vẫn cho phép hàng hóa quá cảnh sang nước khác.

Ukraine từ lâu đã tuyên bố rằng họ sẽ có hành động pháp lý chống lại những quốc gia thành viên EU áp đặt lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của họ.

"Chúng tôi không có ý định làm hại nông dân Ba Lan. Nhưng trong trường hợp có vi phạm luật thương mại vì lợi ích của chủ nghĩa dân túy trước bầu cử, Ukraine sẽ buộc phải tìm đến tòa trọng tài Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để yêu cầu bồi thường", Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal cảnh báo.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.