Theo đài RT, khi được hỏi liệu Warsaw có động thái phản đối việc Kiev gia nhập Liên minh châu Âu (EU) hay không, Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus cho biết mặc dù chính phủ Ba Lan ủng hộ việc Ukraine gia nhập khối, song có một số vấn đề nhất định phải được giải quyết trước khi điều đó có thể trở thành hiện thực.
“Ukraine không thể gia nhập EU mà không có điều kiện. Chúng tôi có những điều kiện và điều tương tự cũng phải được áp dụng với Ukraine”, ông Telus trả lời hãng tin PAP của Ba Lan.
Ông Telus nhấn mạnh rằng nông nghiệp là vấn đề đặc biệt quan trọng trong quan hệ với Kiev, vì ngành nông nghiệp của Ukraine có cấu trúc hoàn toàn khác so với của Ba Lan và EU.
“Chúng ta cần xem xét kỹ hơn vấn đề này, bởi vì nông nghiệp Ukraine là mối đe dọa đối với nền nông nghiệp của các quốc gia tiền tuyến cũng như toàn bộ châu Âu”, ông Telus nói.
Hồi đầu tuần này, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nhấn mạnh rằng Warsaw sẽ không cho phép ngũ cốc giá rẻ của Ukraine “tràn ngập” thị trường Ba Lan và làm gián đoạn ngành nông nghiệp nước này. Ông Morawiecki khẳng định rằng cho dù EU có nói gì, Ba Lan sẽ đóng cửa biên giới với ngũ cốc Ukraine để bảo vệ lợi ích của người nông dân Ba Lan.
Kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, Ba Lan là một trong những nước lên tiếng ủng hộ Kiev nhiệt tình nhất. Tuy nhiên, quan hệ hai nước láng giềng dần xấu đi sau khi Ba Lan kêu gọi cấm nhập khẩu nông sản Ukraine để bảo vệ thị trường nội địa.
Hồi tháng 5/2023, 5 nước thành viên Đông Âu của EU, gồm Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria và Slovakia, đã đưa ra lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine.
Động thái này được đưa ra sau khi Brussels dỡ bỏ hạn ngạch và thuế quan đối với xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine nhằm hỗ trợ chính phủ Kiev trong giai đoạn đầu cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine. Tuy nhiên, chính sách này dường như đã phản tác dụng đối với các quốc gia Đông Âu, do vấp phải sự phản đối kịch liệt của nông dân địa phương.
EU sau đó cấm 5 quốc gia trên kinh doanh các sản phẩm lúa mì, ngô, hạt hướng dương và hạt cải dầu của Ukraine trong nước, song vẫn cho phép hàng hóa quá cảnh sang nước khác.
Lệnh cấm của EU sẽ hết hạn vào ngày 15/9, song ít nhất hai quốc gia là Ba Lan và Hungary có ý định đơn phương gia hạn lệnh cấm. Nghị viện châu Âu cũng tranh luận về việc gia hạn lệnh cấm vận vào ngày 15/9.
Trong khi đó, Kiev đã phản đối lệnh cấm ngũ cốc và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi lệnh cấm vận là “đi ngược lại các giá trị châu Âu”. Ông Zelensky đe dọa sẽ đưa vấn đề này ra tòa trọng tài quốc tế nếu Brussels quyết định kéo dài lệnh cấm sau ngày 15/9.