| Hotline: 0983.970.780

Bà Nguyễn Phương Hằng: 'Sai lầm lớn nhất của tôi là không biết luật'

Thứ Năm 04/04/2024 , 20:54 (GMT+7)

Đó là trình bày của bị cáo Nguyễn Phương Hằng trong phiên tòa phúc thẩm, xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 4 đồng phạm bà Hằng.

Tại toà, đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng Xét xử không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo. 

"Sai lầm lớn nhất của tôi là không biết luật"

Sáng 4/4, Toà án nhân dân Cấp cao tại TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm để xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo là đồng phạm của bị cáo Nguyễn Phương Hằng (53 tuổi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) và 4 đồng phạm về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Tại tòa, luật sư bào chữa cho các bị cáo trình bày, sau bản án sơ thẩm, Nguyễn Phương Hằng đã khắc phục hậu quả, toàn bộ thiệt hại của vụ án. Đây là tình tiết mới, luật sư đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét, giảm án dưới mức 3 năm tù mà án sơ thẩm đã tuyên đối với Nguyễn Phương Hằng. Về phần mình, bà Hằng bày tỏ mong muốn được Hội đồng Xét xử giảm án “dù là một ngày cũng đủ hạnh phúc” và nói thêm: “Sai lầm lớn nhất của tôi là không biết Luật An ninh mạng. Nếu thời điểm đó Công an mời tôi lên làm việc nhắc nhở tôi vi phạm về luật An ninh mạng thì tôi sẽ dừng lại. Với tư cách là 1 CEO thì không thể có việc biết luật mà phạm luật”. 

Bà Nguyễn Phương Hằng tại phiên tòa ngày 4/4. Ảnh: HT.

Bà Nguyễn Phương Hằng tại phiên tòa ngày 4/4. Ảnh: HT.

Đối với bị cáo Đặng Anh Quân, luật sư bào chữa cũng trình bày quan điểm cho rằng bị cáo Quân chỉ là khách mời của Nguyễn Phương Hằng trong các buổi livestream, cũng không cổ vũ, giúp sức cho bị cáo Hằng mà chỉ là phân tích, phản biện các vấn đề pháp lý xã hội. Do đó, theo luật sư của bị cáo Quân, cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết phạm tội có tổ chức đối với bị cáo này là chưa phù hợp.

Bị cáo Quân cũng đề nghị tòa xem xét một số tài liệu, chứng cứ chưa được làm rõ tại phiên tòa sơ thẩm, đồng thời cho biết, việc mình cùng livestream với Nguyễn Phương Hằng trong việc phản biện xã hội chứ không xúc phạm người khác. Bị cáo khẳng định tham gia không vì động cơ vụ lợi, không nhận lợi ích vật chất, không bàn bạc trước mỗi buổi phát trực tiếp. Vì thế, mức án đối với bị cáo (30 tháng tù), là quá nặng.

Phía luật sư của các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân cũng cho rằng những người này chỉ làm theo chỉ đạo của Nguyễn Phương Hằng và có phần thiếu hiểu biết về pháp luật. Các bị cáo cũng đã thi hành xong nghĩa vụ về án phí và khắc phục toàn bộ hậu quả liên quan đến dân sự do hành vi của các bị cáo gây ra.

Luật sư bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa ngày 4/4. Ảnh: HT.

Luật sư bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa ngày 4/4. Ảnh: HT.

“Mức án đã tuyên trong phiên tòa sơ thẩm đối với các bị cáo là phù hợp”

Trước đó, hồi tháng 9/2023, Toà án nhân dân TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Đặng Anh Quân (Tiến sĩ Luật, cựu giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM), 30 tháng tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty CP Ðại Nam), Huỳnh Công Tân (Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Ðại Nam) cùng bị phạt mức án 18 tháng tù cùng về tội trên. Riêng bị cáo Nguyễn Phương Hằng bị phạt 3 năm tù, nhưng không kháng cáo, đang thi hành án tại Bình Dương.

Sau bản án sơ thẩm, ngoài 4 đồng phạm Nguyễn Phương Hằng kháng cáo thì 2 người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan là bà Đinh Thị Lan và bà Đặng Thị Hàn Ni (cựu nhà báo, luật sư) cũng kháng cáo đề nghị xem xét lại tư cách tố tụng của họ.

Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại toà nhận định, bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân TP.HCM cáo buộc các bị cáo Nhi, Hà, Tân là đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Phương Hằng phạm tội, là đúng người, đúng tội, không oan sai. Tòa sơ thẩm tuyên mức án như vậy là phù hợp.

Bị cáo Đặng Anh Quân tại phiên tòa ngày 4/4. Ảnh: HT. 

Bị cáo Đặng Anh Quân tại phiên tòa ngày 4/4. Ảnh: HT. 

Ngoài ra, 3 bị cáo này có đến 2 tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức và phạm tội nhiều lần. Từ đó, đại diện Viện Kiểm sát thể hiện quan điểm cho rằng cần phải xử lý nghiêm minh các bị cáo này để răn đe, phòng ngừa chung nên đề nghị Hội đồng Xét xử không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, cho hưởng án treo đối với những bị cáo này.

Đối với đơn kháng cáo của bị cáo Đặng Anh Quân, đại diện Viện Kiểm sát nhận định, tài liệu chứng cứ xác định bị cáo phạm tội theo điều 331 bộ luật Hình sự, mức án tòa sơ thẩm tuyên bị cáo 2 năm 6 tháng, thấp hơn so với bị cáo Nguyễn Phương Hằng là phù hợp. “Bị cáo là người nắm rõ luật, nhưng lại vi phạm luật, tiếp thêm ý chí cho Nguyễn Phương Hằng thực hiện hành vi phạm tội. Tại tòa, bị cáo Quân chưa thực sự ăn năn, hối cải. Bị cáo cũng không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ nào mới”, đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh và đề nghị Hội đồng Xét xử bác kháng cáo của bị cáo Quân về việc xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Đối với yêu cầu xác định tư cách tố tụng là bị hại của bà Đinh Thị Lan và Đặng Thị Hàn Ni, đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị bác yêu cầu do không đủ cơ sở, chỉ xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Bà Đinh Thị Lan cũng bị Viện kiểm sát đề nghị bác yêu cầu thay đổi tư cách tố tụng từ 'người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan' thành 'bị hại' trong vụ án này. Ảnh: HT.

Bà Đinh Thị Lan cũng bị Viện kiểm sát đề nghị bác yêu cầu thay đổi tư cách tố tụng từ "người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan" thành "bị hại" trong vụ án này. Ảnh: HT.

Trong vụ án này, bà Đinh Thị Lan yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường hơn 3 tỉ đồng, trong đó có 18 triệu đồng tiền bồi thường tổn thất tinh thần. Về thiệt hại vật chất, bà Đinh Thị Lan yêu cầu bồi thường để chi trả cho các khoản như thuê luật sư tham gia phiên tòa… Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định không có cơ sở để xác định thiệt hại vật chất, chỉ đồng ý với yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần.

Theo hồ sơ vụ án, từ khoảng tháng 3/2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội, Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream phát ngôn trực tiếp về chuyện bí mật đời tư và những nội dung gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của 10 người, gồm: Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sỹ Hoài Linh), Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sỹ Vy Oanh), bà Ðặng Thị Hàn Ni, ông Huỳnh Minh Hưng (ca sỹ Ðàm Vĩnh Hưng), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sỹ Thủy Tiên) cùng chồng là Lê Công Vinh, ông Nguyễn Đức Hiển (Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM), bà Ðinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, bà Trương Việt Hà. Quá trình điều tra, Nguyễn Phương Hằng thừa nhận đã phát ngôn xúc phạm các cá nhân trên. 

3 bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân dù không có mâu thuẫn với những cá nhân trên nhưng do là nhân viên và hưởng lương của Nguyễn Phương Hằng nên liên tục thực hiện hành vi giúp sức tích cực cho bị cáo Hằng.

Công an TP.HCM xác định, Nhi, Hà, Tân đã thực hiện các nhiệm vụ đăng tin trên mạng xã hội Facebook về tiêu đề, thời điểm, đường dẫn đến kênh YouTube, TikTok sẽ phát livestream; in các nội dung mà bị can Nguyễn Phương Hằng sẽ phát ngôn, đưa cho bị cáo Nguyễn Phương Hằng trước các buổi livestream; chuẩn bị, sử dụng các phương tiện, thiết bị điện tử để phục vụ livestream và phát livestream trên các tài khoản mạng xã hội của bị can Nguyễn Phương Hằng. Ba bị cáo này còn tham gia dẫn chương trình trong các buổi livestream, thông báo số lượng người xem, đọc các bình luận trên livestream phát trực tiếp...

Đối với bị cáo Đặng Anh Quân, nhà chức trách xác định người này đã trực tiếp tham gia nhiều buổi livestream cùng Nguyễn Phương Hằng. Trong các buổi livestream này, Quân đã phát ngôn, bình luận, cùng tương tác với Nguyễn Phương Hằng về những nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của các cá nhân nói trên.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất