| Hotline: 0983.970.780

Bà Trương Mỹ Lan phủ nhận nhiều nội dung cáo trạng

Thứ Hai 11/03/2024 , 17:42 (GMT+7)

Bị cáo Trương Mỹ Lan phủ nhận việc 'thao túng, điều hành' ngân hàng SCB và chỉ có 5% cổ phần ở ngân hàng này chứ không phải hơn 90% như cáo trạng quy kết.

Sáng 11/3, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan tiếp tục với phần xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí (54 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella). Trong phiên tòa hôm nay, bị cáo Trương Mỹ Lan phủ nhận nhiều nội dung cáo buộc trong cáo trạng.

“Bị cáo chỉ có 4,9% cổ phần ở ngân hàng SCB chứ không phải hơn 91%”

Theo cáo trạng, Trương Mỹ Lan là Chủ tịch của Vạn Thịnh Phát, bao gồm một tập hợp các công ty con, công ty liên kết. Để có nguồn vốn lớn phục vụ hoạt động của hệ thống công ty trên cũng như việc liên tục đầu tư, mua các dự án bất động sản, Trương Mỹ Lan đã tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của Ngân hàng SCB trong đó có hoạt động cho vay.

Bị cáo Trương Mỹ Lan trong phiên tòa ngày 11/3. Ảnh: HT.

Bị cáo Trương Mỹ Lan trong phiên tòa ngày 11/3. Ảnh: HT.

Do đó, từ trước thời điểm hợp nhất, Trương Mỹ Lan đã sở hữu phần lớn cổ phần của 3 ngân hàng tư nhân. Sau khi hợp nhất, Trương Mỹ Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu hơn 85,6% cổ phần của Ngân hàng SCB, đồng thời tiếp tục mua và sử dụng cá nhân đứng tên cổ phần Ngân hàng SCB, tăng tỷ lệ sở hữu lên hơn 91,5%. Tính đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã sở hữu hơn 91,5% vốn điều lệ (gần 1,4 tỷ cổ phần) của Ngân hàng SCB, do 27 pháp nhân (trong và ngoài nước), cá nhân đứng tên giúp.

Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan không thừa nhận bản thân sở hữu hơn 91% cổ phần tại SCB như cáo trạng. “Về pháp nhân, bị cáo chỉ có hơn 4,9% cổ phần tại ngân hàng SCB. Năm 2012, khi nhà đầu tư nước ngoài vào yêu cầu bị cáo phải có 15% cổ phần thì có mới thêm 2 con gái bị cáo, mỗi người nắm giữ 5% cổ phần SCB. Như vậy, tức cả gia đình chỉ có gần 15% vốn điều lệ của SCB”. Phần còn lại, khoảng 30% là bị cáo bảo lãnh cho bạn bè ở nước ngoài đứng tên, hơn 30% nữa của bạn bè ở Việt Nam nắm”, bà Lan khai.

Về lý do cần nhiều cá nhân đứng tên cổ phần tại SCB, bà Lan trình bày: Để hợp nhất 3 ngân hàng (Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất - PV) thành 1 SCB như hiện tại, bị cáo phải có 30% cổ phần, nên phải tìm bạn bè, nhà đầu tư mua cổ phần, rồi tìm cổ đông của 3 ngân hàng trước khi hợp nhất để thương lượng.

Nói về nhóm cổ đông ở nước ngoài chiếm 30% cổ phần SCB, bị cáo Lan cho biết sau thời điểm hợp nhất 3 ngân hàng, tình hình ngân hàng SCB rất khó khăn. Bị cáo phải đứng ra vận động bạn bè ở nước ngoài, đứng ra bảo lãnh cho họ để họ đầu tư vào SCB, để vực dậy SCB.

“Tất cả những người mua cổ phần của SCB đều nói đứng tên giúp Trương Mỹ Lan, bị cáo giải thích sao về vấn đề này?”, Chủ tọa Phạm Lương Toản hỏi. Bị cáo Lan trả lời: “Nnhững người đứng tên này hoàn toàn không biết mặt mình và cũng không phải đứng tên giúp bị cáo, mà vì họ là Việt kiều Mỹ, Canada, Úc… theo quy định không được đứng tên mua cổ phần nên bạn bị cáo phải tìm người Việt Nam đứng tên giúp chứ không phải đứng tên giúp bị cáo”.

3 bị cáo (từ trái qua): Trương Mỹ Lan, Đỗ Thị Nhàn và Nguyễn Văn Hưng ngồi hàng ghế đầu trong phiên tòa ngày 11/3. Ảnh: HT.

3 bị cáo (từ trái qua): Trương Mỹ Lan, Đỗ Thị Nhàn và Nguyễn Văn Hưng ngồi hàng ghế đầu trong phiên tòa ngày 11/3. Ảnh: HT.

Về cáo buộc “thâu tóm” ngân hàng SCB như cáo trạng, bị cáo Lan tiếp tục phủ nhận. Khi HĐXX chất vấn: “Tất cả các bị cáo khác là tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB, đều xác định mọi việc đều làm theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan”, bị cáo Lan trình bày: “Thời điểm hợp nhất 3 ngân hàng, các cơ quan nhà nước có nhờ bị cáo đứng ra giúp vì khi đó, các nhóm cổ đông của cả ba ngân hàng đều hỗn loạn, tranh giành cổ phần với nhau. Do đó, bị cáo đứng ra kêu gọi bạn bè, người thân cùng chung tay mua đủ trên 65% cổ phần để từ đó có thẩm quyền ra nghị quyết hợp nhất ba ngân hàng, chứ không phải “thâu tóm” như cáo trạng. Sau khi hợp nhất, bị cáo không chỉ đạo, điều hành, cũng không có người nào là thân tín của bị cáo. Lê Khánh Hiền là người đầu tiên làm tổng giám đốc, các bị cáo Thu Sương, Võ Tấn Hoàng Văn… chỉ làm khoảng 1 năm là nghỉ, nếu là thân tín thì đã làm và gắn bó với bị cáo”.

Ngoài ra, bà Lan cũng không thừa nhận việc dùng nhiều thủ đoạn tạo lập hồ sơ vay vốn khống, hợp thức việc rút tiền của SCB; câu kết với các đối tượng là chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật các công ty có liên quan để tạo lập khoản vay, cùng sử dụng, chiếm đoạt tiền của SCB; thông đồng, câu kết với các công ty thẩm định giá, cấp chứng thư nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; không hoàn thiện thủ tục thế chấp, không đăng ký giao dịch bảo đảm để hoán đổi tài sản bảo đảm; lập phương án rút tiền, cắt đứt dòng tiền sau khi giải ngân; bán nợ xấu, cấn trừ nợ để giảm dư nợ tín dụng và tỷ lệ nợ xấu.

Bà Lan xin tòa giảm hình phạt cho bị cáo Trí

Trong vụ án này, ông Nguyễn Cao Trí (53 tuổi, cựu Chủ tịch Công ty Capella Holdings) là bị cáo duy nhất bị cáo buộc tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo này bị cáo buộc chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan. Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Cao Trí thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố mình là đúng.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí. Ảnh: HT.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí. Ảnh: HT.

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Cao Trí quen bà Trương Mỹ Lan thông qua Hồ Quốc Minh từ năm 2017. Sau đó, bà Lan thỏa thuận mua cổ phần một số dự án của ông Trí, gồm hơn 31% vốn điều lệ Công ty CP Cao su công nghiệp do ông Nguyễn Cao Trí sở hữu (thông qua các cá nhân đứng tên hộ); chuyển nhượng vốn điều lệ Công ty CP Sài Gòn Đại Ninh; đầu tư dự án tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Thông qua các hợp đồng, bà Lan đã chuyển tiền nhiều đợt cho ông Trí, khoảng hơn 800 tỷ, nhưng khi đối chiếu công nợ vào năm 2021 thì hai bên thống nhất là 1.000 tỷ đồng.

Khi có thông tin bà Lan và hệ thống công ty của bà Lan bị khởi tố, bị cáo đã rất bối rối vì lúc đó đang ký 4 hợp đồng làm ăn với hệ thống của bà Trương Mỹ Lan. Trong đó, 3 hợp đồng thanh toán thật, còn 1 hợp đồng làm tin. Sau khi xảy ra sự cố, Nguyễn Cao Trí đã đắn đo về quyền lợi của Trương Mỹ Lan với hệ thống tập đoàn của mình do 2 bên giao dịch thực tế nhưng bà Lan lại để người khác đứng tên. Nguyễn Cao Trí không biết nên công khai mối quan hệ bên ngoài với Trương Mỹ Lan hay mối quan hệ làm ăn trên giấy tờ.

“Lúc đó truyền thông nêu về mối quan hệ giữa hai bên nên bị cáo lo lắng, việc này ảnh hưởng đến hệ thống của bị cáo nên bị cáo muốn tách bạch. Bên cạnh đó, chị Lan cũng không muốn công khai nên để môi giới (Hồ Quốc Minh, hiện đã xuất cảnh - PV) đứng tên. Từ đó bị cáo đã có những hành vi phạm tội”, ông Trí khai.

Sau khi bị khởi tố, bị cáo Trí đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, xin HĐXX được khắc phục hậu quả đủ 1.000 tỷ đồng bằng tiền mặt, hiện gia đình bị cáo đã nộp lại số tiền khoảng 700 tỷ đồng, cùng với khoảng 300 tỷ đồng tài sản bị phong tỏa.

Siêu dự án Sài Gòn - Đại Ninh của đại gia Nguyễn Cao Trí đã chuyển nhượng 100% cổ phần (trị giá 3.000 tỷ đồng) cho bà Trương Mỹ Lan, dù thời điểm bán, ông Trí chỉ mới đứng tên 58% vốn cổ phần tại đây. Ảnh: TL.

Siêu dự án Sài Gòn - Đại Ninh của đại gia Nguyễn Cao Trí đã chuyển nhượng 100% cổ phần (trị giá 3.000 tỷ đồng) cho bà Trương Mỹ Lan, dù thời điểm bán, ông Trí chỉ mới đứng tên 58% vốn cổ phần tại đây. Ảnh: TL.

Bị cáo Trương Mỹ Lan, với tư cách bị hại, đồng ý với nội dung cáo trạng truy tố Nguyễn Cao Trí, bà Lan nói: “Quan hệ của tôi với Trí chỉ là bạn bè thôi, khi tôi bị bắt, tôi không biết xảy ra chuyện gì. Tôi nghĩ đây là tai nạn của Trí, tôi có đơn yêu cầu làm rõ nên cơ quan điều tra đã làm rõ, đến nay Trí cũng đã thừa nhận hành vi nên tôi không có ý kiến gì, xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho Trí”.

Cũng tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Cao Trí đã đề đạt nguyện vọng, mong muốn HĐXX hỗ trợ thu hồi số tiền hơn 1.500 tỷ đồng mà 400 doanh nghiệp còn nợ bị cáo để khắc phục hậu quả. Trước đề nghị này, HĐXX ghi nhận và yêu cầu bị cáo cung cấp danh sách cụ thể cho cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát ở giai đoạn 2 của vụ án.

Bị cáo Trí có các tình tiết giảm nhẹ hình phạt như từng được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen trong quá trình công tác, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch, đóng góp cho cộng đồng... Quá trình tố tụng, bị cáo ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra và khắc phục hậu quả.

Xem thêm
Bắt đối tượng đâm trọng thương thiếu tá công an

Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, Công an huyện Lạc Sơn truy bắt nhanh người đàn ông tấn công gây trọng thương cán bộ công an khi đang làm nhiệm vụ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.