Hò hẹn đã lâu nhưng phải chờ đợi cho đến khi một ruộng rau được thu hoạch xong xuôi thì tôi mới được dịp tận mắt chứng kiến cùng một lúc cả ba kỹ thuật gồm bào chế thuốc BVTV có thể uống được, khò lửa để diệt sâu bệnh và làm nhà màng biết cựa quậy mà không một mối hàn.
I. Thuốc sâu uống được
Mấy vị khách đến mua rau thấy chị Cuối đang đeo bình phun phun, xịt xịt một thứ gì đó trên luống rau liền tò mò tới tấp hỏi. Chị nhoẻn miệng cười, nhẹ nhàng đặt bình xuống, tháo nắp ra, thò tay vào vốc lên một ngụm thuốc và… vã vào miệng như người ta thường uống nước khi khát.
|
Chị Cuối đang uống thuốc sâu tự chế |
Không hề để ý đến những cặp mắt, những cái miệng vẫn còn đang căng tròn hết cỡ vì ngạc nhiên ấy, chị còn tấm tắc: “Thuốc sâu của tôi thơm lắm, các anh chị có muốn uống thử không?”. Như bao phản ứng tự vệ một cách rất bình thường khác, tất thảy đều lắc đầu. Nhưng kể từ giờ phút đó, mọi công đoạn bào chế thuốc sâu từ chính những con sâu được lên men vi sinh bỗng nhiên nhập vào trong đầu lúc nào không hay.
Kỹ thuật này được chị Cuối học hỏi trong quá trình 16 năm đi làm thuê ở các trang trại rau của Đài Loan. Công thức khá đơn giản, dùng chính những con sâu bắt trên đồng ruộng về ngâm ủ với men vi sinh cộng với một tỷ lệ đường và sữa vừa đủ. Theo như lời chị, việc này thường chỉ được thực hiện ở các trang trại sản xuất rau hữu cơ của Đài Loan còn với trang trại bình thường họ trừ sâu bằng thuốc gốc sinh học.
Sâu tơ và sâu xanh là nỗi lo lớn nhất của người nông dân hiện nay bởi sức tàn phá của chúng rất lớn. Chị Cuối dùng chính những con sâu tơ, sâu xanh ấy bỏ đầy lọ rồi ngâm để phun. Lúc đầu hỗn hợp có mùi khăm khẳm thối nhưng sau 3 tuần sẽ chuyển sang thơm, có vị hơi chua giống như men rượu. Đó là thời điểm thích hợp để hòa với nước làm thuốc trừ sâu phun cho rau.
Vì không phải là thuốc hóa học nên khi phun dung dịch này phải đẫm hơn bình thường. Theo chị Cuối, phun thế chỉ khiến những con sâu yếu chết còn con bình thường sẽ bị đau bụng, ngừng ăn, đợi ngày hóa kén nên không phá hoại rau nữa. Dung dịch còn có thêm tác dụng giúp cho rau sinh trưởng tốt hơn vì chứa các hợp chất dinh dưỡng bên trong. “Bình thường tôi vẫn phải thuê người để bắt sâu một cách thủ công, chỉ những khi mật độ sâu quá nhiều mới tự chế dung dịch đem phun để hóa giải chúng về trạng thái ngủ nghỉ, vô hại”.
II. Khò lửa vào đất để diệt sâu bệnh
Trong nhà màng, anh Quý kéo theo một chiếc xe hai bánh trên đó có để một cái bình gas nối với một cái vòi dài. Mở khóa an toàn rồi mồi lửa.
Đầu khò reo vang những thanh âm phì phì đầy phấn khích như một con hổ mang khổng lồ. Lưỡi lửa lướt nhẹ nhàng trên mặt đất nhưng cũng đủ để cho đám bọ nhảy - một đối tượng dịch hại cực kỳ khó trị bên dưới phải bật lên rồi chết ngay tắp lự. Những con sâu vốn nằm im dưới đất khi bị phả hơi nóng vào cũng phải bò lên gặp lửa liền giãy giụa chết. Dưới tác động của nhiệt, những loại nấm bệnh cũng xèo xèo cháy.
|
Anh Quý đang khò lửa diệt sâu bệnh |
Khi đến gần vách nhà màng, lưỡi lửa trong tay anh Quý không còn lướt nhanh mà từ từ, chậm rãi. Một tấm tôn được dựng bên cạnh để chắn cho lửa không bén vào gây hỏng màng nylon. Không gian thoảng mùi cỏ cháy, mùi nấm độc cháy, mùi sâu bọ cháy, thơm nhè nhẹ!
Với 1 bình gas loại 12 lít có thể khò đủ cho 3 sào đất trong thời gian chỉ khoảng 1-2 tiếng đồng hồ. Tôi hỏi anh Quý rằng đất qua khò lửa như thế liệu có bị chai sạn thì anh trả lời khò lướt nhanh qua mặt nên đất chỉ "tái" đi chút ít đủ để chết sâu còn bên dưới không vấn đề gì. Khò xong đất ấy được đảo đều, trộn với phân bón hữu cơ lại càng thêm tơi xốp, đợi nghỉ ngơi vài ngày rồi mới xuống giống một vụ rau mới.
Khác với lầm tưởng của nhiều người rằng trong nhà màng, nhà lưới rất kín sẽ không có sâu bệnh, không phải dùng thuốc BVTV mà ngược lại, sâu bệnh có thể lan qua những khe kẽ nhỏ li ti hoặc theo chân người vào lưu trú và sinh sôi ở bên trong. Vì canh tác liên tục trong khi không thể thoát ra ngoài được nên sâu bệnh phát sinh rất nhanh khiến cho nhiều chủ vườn buộc phải dùng tới biện pháp bảo vệ thực vật bằng hóa học.
Chuyện khò lửa vào đất theo như lời chị Cuối - vợ anh Quý thì nhiều trang trại sản xuất rau hữu cơ Đài Loan đang áp dụng vì tuyệt đối không dùng thuốc trừ sâu hóa học.
“Khi không có bệnh thì không nên khò vì vừa tốn công vừa tốn gas còn khi có bệnh ở mức độ vừa phải, đợi sau khi thu hoạch xong rau mới khò vào đất. Nhưng nếu mức độ rất nặng thì phải khò trực tiếp vào rau để đốt cho cháy hết mầm bệnh, nhặt bỏ rồi đem chôn. Cả trong nhà lưới lẫn ngoài cánh đồng đều có thể áp dụng được kỹ thuật khò lửa này. Ngoài tác dụng diệt sâu bọ, sau khi khò lửa, rau trồng vụ mới cũng tăng thêm chất lượng, ăn ngon hơn”.
III. Nhà màng biết cựa quậy
Trong sản xuất rau an toàn thì nhà màng đóng vai trò quan trọng nhất là vào những thời điểm sâu bệnh trên đồng phát sinh nhiều hay trời mưa nắng thất thường. Với 19 cái nhà màng có tổng diện tích trên 3.000m2 đã giúp cho anh chị Quý - Cuối hoàn toàn chủ động trong việc sản xuất bên cạnh hơn 4 ha trồng rau ngoài trời. Và điều đặc biệt là những cái nhà màng này còn biết “cựa quậy” để có thể thích ứng với điều kiện mưa to, gió lớn ở miền Bắc.
Chuyện chế tạo nhà màng không một mối hàn cũng là công nghệ mà anh chị học được từ Đài Loan. Tất cả các chi tiết của bộ khung nhà đều được nội địa hóa trừ một loại ngoàm đặc biệt phải nhập khẩu. Các mối nối trong nhà đều được giữ bằng ngoàm này.
|
Nhà màng biết cựa quậy, không một mối hàn |
Nhà màng kiểu Đài Loan này có ưu điểm gì so với nhà màng kiểu Israel bằng các khung hàn cố định? Tôi hỏi. Anh Quý cho hay kiểu nhà màng Israel hiện đại hơn, phù hợp hơn với việc trồng các loại cây ăn quả như dưa còn kiểu nhà màng Đài Loan hợp với trồng rau hơn: “Vì ngoàm không cố định chết như các mối hàn nên nếu gặp mưa bão, gió lớn thì có độ cựa, xê dịch được chút ít nên khó bị bẻ gãy hay đổ. Ngoài ra nó còn có ưu điểm là giá hợp lý, lắp ghép rất nhanh và có thể tháo dỡ, vận chuyển rồi lắp ghép lại cũng rất dễ dàng".
Mỗi cái nhà màng có chiều rộng 5,3 m còn độ dài tùy ý. Chiều rộng sở dĩ phải 5,3 m là để máy phay đất, máy rắc hạt có thể vận hành được thoải mái còn độ dài khoảng 32-35 m là vừa bởi dài quá thì khi thu rau sẽ khó bán hết thành ra bị quá lứa. Trên 1 sào Bắc Bộ nếu làm nhà màng kiểu biết cựa quậy gồm cả uốn thép, lồng ống thép lõi nhỏ vào trong ống thép lõi to tạo khung, bắt ngoàm rồi bọc màng lại hết khoảng 130 triệu trong thời gian khoảng 15 ngày với 2-3 lao động tham gia.
Muốn tháo dỡ nhà màng chỉ cần đưa máy múc loại nhỏ lồng dây vào xiết chặt rồi nhổ từng cọc lên. Dỡ 1 sào chỉ mất khoảng 1 ngày. Khi được hỏi: “Ngoàm này có tự sản xuất được không?”. Thì anh Quý cười: “Cũng có nhiều người đến xin mẫu ngoàm rồi về tự uốn nhưng mà do chất lượng thép của ta không đạt chuẩn, không đủ độ cứng để giữ khung nhà nên đành chịu. Hiện tại, mỗi 1 ngoàm nhập từ Đài Loan về tới Việt Nam có giá là 7.000đ”.
Anh chị Quý Cuối đang nhận chuyển giao công nghệ làm nhà màng kiểu Đài Loan một cách miễn phí cho những nông dân nào có nhu cầu học hỏi trồng rau sạch.