| Hotline: 0983.970.780

Ba Vì tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Tư 17/05/2023 , 13:51 (GMT+7)

Là huyện xa trung tâm lại có 7 xã miền núi nhưng Ba Vì đã huy động tốt sự giúp đỡ của Trung ương, Hà Nội và sức dân trong xây dựng nông thôn mới

Thu hút nguồn lực bên ngoài

Để về đích nông thôn mới (NTM) và NTM nâng cao, tiêu chí về xây dựng cơ sở vật chất luôn là điều mà Ba Vì gặp khó. Do xuất phát điểm thấp, vì vậy huyện đã chủ động chỉ đạo các xã cùng với các phòng, ban trong việc bố trí nguồn lực. Ông Phùng Quanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Phú Đông cho biết:

“Giao thông là một trong những tiêu chí khó của Phú Đông. Để thực hiện được, ngoài sự hỗ trợ từ cấp trên, xã đã huy động nội lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa. Điển hình như tấm gương ông Chu Đức Lượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Mỹ đã xây dựng cổng làng thôn Phú Nghĩa và hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng mở rộng đường trục vào khu trung tâm xã; đầu tư một tuyến đường giao thông nội đồng ở xóm Đông Duy.

Người dân đồng lòng hiến đất làm đường. Ảnh: Hồng Đạt. 

Người dân đồng lòng hiến đất làm đường. Ảnh: Hồng Đạt. 

Trong quá trình thực hiện mở rộng đường trục trên địa bàn xã đã có 69 hộ gia đình tham gia hiến hơn 700 m2 đất thổ cư, hơn 1.000 m2 đất nông nghiệp, tháo dỡ gần 2.000 m2 tường bao, công trình phụ, ủng hộ trên 1 tỷ đồng. Năm 2023, xã Phú Đông đã có sự hỗ trợ từ cấp trên với nguồn kinh phí khoảng 84 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng giao thông. Nhờ vậy, đến nay các tuyến đường ở đây tương đối đồng bộ, thuận lợi cho người dân đi lại, phát triển dịch vụ…”.

Ở tiêu chí thủy lợi và phòng chống thiên tai, địa phương đang đề nghị cấp trên hỗ trợ để cải tạo, nâng cấp giao thông thủy lợi nội đồng với tổng kinh phí khoảng 70 tỷ đồng; đối với tiêu chí trường học, xã cũng đã tổng hợp trình huyện đầu tư xây dựng trường mầm non, trường tiểu học với tổng kinh phí khoảng 44 tỷ đồng và bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng 1,8 ha đất nông nghiệp, xây dựng trung tâm văn hóa thể thao với tổng kinh phí trên 58 tỷ đồng.

Là xã về đích NTM nâng cao đầu tiên của huyện Ba Vì vào năm 2021, ông Nguyễn Văn Chí, Chủ tịch UBND xã Phú Phương kể trong những năm qua ngoài việc xây dựng ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích xây dựng hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội, xã còn vận động người dân tăng cường cơ giới hóa, ứng dụng KHKT vào sản xuất; khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển và mở rộng dịch vụ thương mại; thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm.

Sẵn sàng lùi tường rào để hiến đất làm đường. Ảnh: Hồng Đạt

Sẵn sàng lùi tường rào để hiến đất làm đường. Ảnh: Hồng Đạt

Nhân dân trong xã ủng hộ bằng hiện vật, ngày công lao động, tiền mặt với giá trị gần 3 tỷ đồng thực hiện cải tạo nâng cấp đường ngõ xóm, cải tạo kiên cố hóa hệ thống rãnh thoát nước, lắp đặt đường điện chiếu sáng, tu bổ di tích đình chùa, vệ sinh môi trường.

Huy động sức dân

Đi đôi với việc tranh thủ nguồn lực bên ngoài thì huy động sức dân trong xây dựng NTM cũng là kinh nghiệm quý của Ba Vì.

Ông Hoàng Văn Chìu, Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng thông tin năm 2022 và 2023 xã được Nhà nước đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng nên dân thôn Bưởi, Gò Đình Muôn hiến hơn 8.500 m2 đất, thôn Sơn Hà hiến 510 m2, thôn Khánh Chúc Bãi hiến 940 m2 đất. Làm kè sông Đà người dân thôn Phú Thứ hiến 1.000 m2 đất, thôn Khánh Chúc Bãi hiến hơn 1.200 m2 đất.

Khánh thành cổng làng. Ảnh: Hồng Đạt.

Khánh thành cổng làng. Ảnh: Hồng Đạt.

Ông Bùi Trần Hà, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Ba Vì cho biết thêm: “Năm 2022 với việc phát động và triển khai phong trào “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng xanh sạch đẹp, an toàn”, nhân dân Ba Vì đã chung sức, đồng lòng cùng kiến thiết lại làng quê với số tiền huy động xã hội hóa trên 80 tỷ đồng. Cảnh quan môi trường, đường làng, ngõ xóm ở các thôn, xóm phong quang, xanh, sạch, đẹp hơn; nhiều mô hình mới, cách làm hay được vận dụng sáng tạo linh hoạt và lan tỏa sâu rộng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Phong trào đã thực sự làm thay đổi Ba Vì, biến nơi đây trở thành miền quê đáng sống”.

Sau khoảng 12 năm xây dựng NTM cán bộ và nhân dân Ba Vì đã đóng góp trên 335 tỷ đồng, hàng vạn ngày công, hiến vạn m2 đất thổ cư, đất nông nghiệp để mở đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, các điểm sinh hoạt văn hóa.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Thái Nguyên có 240 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Trong số các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên, có 155 sản phẩm đạt 3 sao, 83 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.