| Hotline: 0983.970.780

Bắc Giang cẩn trọng quy hoạch cây ăn trái

Thứ Tư 09/05/2018 , 15:35 (GMT+7)

Khi vải thiều được coi là cây “vàng”, người dân một số huyện của tỉnh Bắc Giang nhanh chóng mở rộng diện tích, làm phá vỡ quy hoạch. 

Những năm gần đây, diện tích cây có múi lại được trồng ồ ạt, nguy cơ rơi vào “vết xe đổ” của vải thiều.
 

Ồ ạt trồng cam, bưởi

5 năm trước, thấy nhiều người trong vùng trồng cây ăn quả thay cấy lúa, trồng màu trên đất vườn, vừa nhàn lại có thu nhập cao hơn, gia đình bà Nguyễn Thị M ở Đồi Ngô (Lục Nam) chuyển đổi gần 4 sào vườn, ruộng để đưa cam Canh, bưởi Diễn vào trồng. Nhiều năm đầu tư giống, công chăm sóc, bỏ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu cho vườn cây nhưng nhiều cây không cho trái bởi giống không chuẩn, có cây còi cọc, chậm phát triển vì đất thấp, thường úng ngập, hiệu quả từ vườn cây ăn quả không cao.

14-32-46_20180502_155916
Diện tích cây có múi ở Bắc Giang phát triển mạnh sẽ kéo theo nhiều hệ lụy

Mới đây, gia đình bà M quyết định phá bỏ vườn cây đã tốn chi phí cả trăm triệu đồng để cấy lúa, gieo rau giống và thâm canh rau màu như trước đây. Bà M chia sẻ, không phải đất nào cũng có thể trồng cây ăn quả và cây ăn quả nào cũng cho trái ngọt.

Chặt 30 gốc vải để trồng cam cách đây chưa lâu, ông Vũ Văn Thắng, thôn Lường, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) tính toán, diện tích trồng 1 cây vải có thể trồng được hơn chục cây cam, trong khi đó cây vải chỉ cho từ 50 - 70kg quả, còn cam cho tới 300kg, về kinh tế thì cây cam vẫn cho hiệu quả cao hơn.

Cùng ở thôn Lường, gia đình bà Đinh Thị Liệu chặt 26 cây vải, với diện tích khoảng 2 sào. Theo bà Liệu, do vải già cỗi nên phải chặt để chuyển đổi sang trồng cây khác.

Theo ông Bùi Cao Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Giang, xã này đã có khoảng 20 - 30 hộ chặt vải với diện tích khoảng 2 - 3ha để chuyển sang cây trồng khác. Được biết, diện tích vải hiện nay của xã Hồng Giang là 521ha, giảm hơn 60ha so với cách đây 3 năm. Trong khi đó, diện tích cây có múi đã đạt 300ha, gấp 3 lần so với cách đây 3 năm.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết, trong sản xuất nông nghiệp của huyện, không có mô hình nào là bất biến, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã diễn ra từ lâu. Ngày trước, nông dân Lục Ngạn trồng toàn sắn và bạch đàn, sau đó trở thành vùng trồng cây hồng không hạt, tiếp đó, cây vải thiều "lên ngôi" với diện tích hơn 20.000ha. Qua quá trình sản xuất, huyện thấy nếu trồng độc canh sẽ rất khó khăn cho việc tổ chức sản xuất, tạo thu nhập cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Chính vì lẽ đó, huyện phải cơ cấu lại cây trồng, diện tích vải từ hơn 20.000ha giờ chỉ còn hơn 16.000ha.

“Chúng tôi cho rằng, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng là cần thiết. Huyện sẽ tiếp tục chuyển dịch giảm bớt những diện tích không đảm bảo, chứ không phải vì lý do giá trị kinh tế của vải thiều hiện tại không cao bằng một số cây trồng khác nên mới chuyển sang trồng cây ăn quả, chuyển dịch này nằm trong quy hoạch của huyện”, ông Bình nói.
 

Tiềm ẩn rủi ro

Lục Ngạn là địa phương có diện tích cây có múi lớn nhất tỉnh Bắc Giang và cũng là địa phương có tốc độ mở rộng các loại cây trồng này nhanh chóng.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện thừa nhận bên cạnh hiệu quả mang lại, việc phát triển ồ ạt cây có múi cũng bộc lộ những khó khăn. Điều dễ thấy là nông dân một số xã tự ý chuyển đất cấy lúa, đất lâm nghiệp sang trồng cam, bưởi không theo quy hoạch ảnh hưởng tới môi trường, hạ tầng sản xuất, đặc biệt là hệ thống tưới nước, tiêu úng.

Cùng đó, một số hộ sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong khi các loại cây có múi yêu cầu khắt khe về quy trình, kỹ thuật, đầu tư thâm canh cao dẫn đến gặp nhiều rủi ro. Cũng do nhu cầu về giống cây có múi tăng cao nên nhiều hộ sản xuất giống tự phát, kém chất lượng hoặc bà con mua cây giống trôi nổi trên thị trường về trồng không những không mang lại hiệu quả mà còn thiệt hại cho sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, hiện việc tiêu thụ trái cây có múi trên địa bàn tương đối thuận lợi. Tuy nhiên nếu diện tích tăng nhanh mà không kiểm soát được dịch bệnh, chất lượng sản phẩm, không quan tâm xây dựng quy trình sản xuất an toàn, thiếu quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ thì vùng trọng điểm cây ăn quả có múi của tỉnh tiềm ẩn nhiều yếu tố không bền vững.

Vấn đề nêu trên đã được thực tế kiểm chứng. Trong tiêu thụ cam và bưởi, 4 - 5 năm trước đây vào dịp Tết Nguyên đán, giá cam ngọt được thương nhân nhiều nơi về tận vườn thu mua với giá 35 - 60 nghìn đồng/kg, có nơi bưởi được “đặt” 35 - 40 nghìn đồng/quả. Tuy nhiên qua từng năm, giá giảm dần và dịp Tết Nguyên đán vừa qua phổ biến ở mức 30 nghìn đồng/kg cam, 25 nghìn đồng/quả bưởi.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở NN-PTNT Bắc Giang), Bắc Giang hiện có gần 30.000ha vải thiều. Trước năm 2010, diện tích lên tới hơn 35.000ha, có thời điểm lên tới gần 40.000ha. Trước việc phát triển quá “nóng” về diện tích, Bắc Giang có chủ trương giảm diện tích vải chuyển dịch sang cây ăn quả khác; đặc biệt là ở vùng thấp, trồng vải không hiệu quả, chất lượng, mẫu mã kém.

Trước đó, Sở NN-PTNT Bắc Giang có văn bản gửi các huyện trồng vải cho biết, hiện nay ở một số địa phương người dân tự ý chặt vải để chuyển sang trồng cây ăn quả khác, nhất là cây có múi. Việc này làm ảnh hưởng đến quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn đến năm 2020, làm giảm diện tích vải thiều của tỉnh. Trước tình hình trên, Sở chỉ đạo các huyện kiểm tra, rà soát bảo vệ diện tích cây vải có giá trị nằm trong quy hoạch sản xuất vải an toàn, chỉ được chuyển đổi sang các cây khác với diện tích kém hiệu quả.

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, Bắc Giang chưa có quy hoạch riêng cho phát triển cây có múi nên cần được quan tâm xây dựng, đồng thời các địa phương nêu cao trách nhiệm trong quản lý đất đai, vận động người dân không tự chuyển đổi sang trồng cam, bưởi, quýt, chanh.

Cùng đó, ngành nông nghiệp tích cực làm tốt công tác bình tuyển, chọn tạo bộ giống phù hợp, nhân giống bảo đảm chất lượng đáp ứng nhu cầu của người dân và phối hợp quản lý chặt chẽ thị trường giống cây ăn quả.

Bắc Giang có khoảng 47 nghìn ha cây ăn quả, trong đó nhiều nhất là vải thiều, chiếm 63%. Từ năm 2010 đến nay, diện tích cây có múi, chủ yếu là cam lòng vàng, cam ngọt, bưởi da xanh, bưởi Diễn tăng nhanh, hiện đạt khoảng 5,3 nghìn ha, riêng huyện Lục Ngạn có 3,6 nghìn ha. Sản lượng cây ăn quả có múi gần 23 nghìn tấn/năm mang lại giá trị hàng nghìn tỷ đồng.

 

Xem thêm
Nuôi bò thịt tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường, lợi nhuận tăng 29%

AN GIANG Nuôi bò thịt tuần hoàn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa  góp phần giảm ô nhiễm môi trường còn mang lại lợi nhuận tăng 29% so với phương pháp nuôi truyền thống. 

Cho vịt ở… khách sạn

THANH HÓA Chăn nuôi vịt an toàn sinh học mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi bởi vừa hạn chế dịch bệnh lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).