| Hotline: 0983.970.780

Bắc Giang có 'khai tử' khuyến nông, thú y cấp xã?

Thứ Tư 18/04/2018 , 13:45 (GMT+7)

Hàng trăm cán bộ khuyến nông, thú y cấp xã ở Bắc Giang đang rất hoang mang trước thông tin Sở Nội vụ tỉnh này ra văn bản số 367 (ngày 5/4/2018), trong đó lấy ý kiến về việc không bố trí chức danh khuyến nông và thú y cấp xã.

Theo ước tính, sẽ có khoảng 400 người mất việc.
 

Biết làm gì khi "tuổi xuân đã lỡ"?

Báo NNVN đã từng có bài về việc tỉnh Bắc Giang trải thảm đỏ để chào đón kỹ sư nông nghiệp chính quy về công tác tại cơ sở, mỗi xã 1 người. Lúc đó, rất nhiều trí thức trẻ (sau khi tốt nghiệp các trường đại học uy tín, chủ yếu là Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Thái Nguyên) đang làm việc tại các doanh nghiệp, nhưng với lòng nhiệt huyết muốn cống hiến cho quê hương đã chuyển về làm khuyến nông cơ sở.

09-13-58_screenshot_20180417-090840_1
Cán bộ khuyến nông xã Nham Sơn bám sát tình hình SX trên đồng ruộng

Họ nhận được những chế độ đãi ngộ giống hệt viên chức (mã ngạch 13.095 của ngạch kỹ sư). Tuy được phân công về xã nhưng ăn lương nhà nước, được cấp phát thông qua Trạm Khuyến nông huyện. Ai cũng vui mừng, tự hào và nhiệt huyết với nghề. Đến nay, khoảng 90% trong tổng số cán bộ khuyến nông cơ sở cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có bằng cấp đại học chính quy trở lên. Thậm chí, hàng chục người đã có bằng thạc sĩ. Rất hiếm địa phương “chiêu mộ” được đội ngũ trí thức trẻ có trình độ học vấn cao như vậy.

Nếu dự thảo về việc cắt bỏ chức danh khuyến nông, thú y cấp xã được tỉnh thông qua, sẽ có khoảng 400 người mất việc. Nhận được thông tin trên, chị Luyện Thị Dĩnh, cán bộ khuyến nông xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng nghẹn ngào: “Ai cũng buồn bã, lo lắng, bồn chồn; cảm thấy bao ước mơ, hi vọng như bị dập tắt”.

Trong bức tâm thư gửi lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, anh chị em khuyến nông cơ sở trên địa bàn huyện Yên Dũng đặt câu hỏi: “Chúng cháu biết làm gì đây khi tuổi xuân đã lỡ, bảo hiểm thì dở dang, con thơ con mọn. Sau 10 - 15 năm công tác với tấm bằng đại học chính quy, nay tuổi đã 30 - 35, liệu có nơi nào nhận?”
 

Những người hi sinh thầm lặng

Những năm qua, nông nghiệp Bắc Giang trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành điểm sáng của toàn miền Bắc. Cây lúa dần nhường đất cho tập đoàn cây ăn quả (vải thiều, cam, bưởi…), rau, hoa màu giá trị cao, hình thành nên những vùng sản xuất nông sản tập trung quy mô hàng hóa. Những trang trại chăn nuôi đồ sộ mọc lên trên đất cằn ở vùng đồi Yên Thế, Tân Yên, Lục Ngạn. Đời sống nhân dân khấm khá. Nếu không nhắc đến sự hi sinh thầm lặng của đội ngũ khuyến nông cơ sở, thì thực sự là thiếu sót.

Chị Phạm Thị Quế, cán bộ khuyến nông xã Nội Hoàng còn nhớ, năm 2005 dịch cúm H5N1 xảy ra tại xã Yên Lư. Tỉnh, huyện chỉ đạo toàn bộ khuyến nông cơ sở sang làm công tác tiêm phòng, dập dịch và đã ngăn chặn được dịch bệnh lây lan. Vụ xuân 2010, dịch rầy nâu bùng phát khắp miền Bắc, tỉnh, huyện ra công văn chỉ đạo quyết liệt. Đội ngũ khuyến nông cơ sở làm việc cật lực khoanh vùng dập dịch, ngăn chặn được cháy rầy xảy ra trên diện rộng. Nhiều chị em bụng mang dạ chửa vẫn phải kèm những thùng thuốc sâu độc hại để phát cho bà con phòng trừ kịp thời…

Ông Nguyễn Văn Sự, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Yên Dũng chia sẻ: Nhiều năm qua, anh chị em khuyến nông cơ sở đã miệt mài cống hiến, trở thành lực lượng xung kích của địa phương, đi tiên phong trong chuyển đổi cây trồng vật nuôi, biến những vùng đất nghèo trở nên trù phú. Nếu không có họ tổ chức các lớp tập huấn, cầm tay chỉ việc cho nông dân thì bà con rất khó ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào SX.
 

"Mới chỉ là văn bản xin ý kiến..."

Trước thông tin trên, ông Nguyễn Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang cho biết: Thực hiện Nghị quyết của Trung ương về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, sau khi khảo sát và tổng hợp ý kiến của các huyện, thành phố, Sở Nội vụ xây dựng dự thảo phương án quy định chức danh, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.

Một số ý kiến cho rằng hoạt động của đội ngũ khuyến nông cơ sở chưa thực sự hiệu quả. Bởi vậy, trong dự thảo phương án tinh giản bộ máy, có nội dung nói về việc không bố trí chức danh khuyến nông và thú y cơ sở ở cấp xã, nhân viên khuyến nông và thú y thôn. Tuy nhiên đây mới chỉ là văn bản dự thảo để xin ý kiến tham khảo, không phải là quyết định chính thức.

Cũng theo ông Nam, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang thiếu hơn 300 cán bộ cấp xã. Nếu không bố trí chức danh khuyến nông, có thể chuyển đội ngũ kỹ sư nông nghiệp chính quy này thành công chức cấp xã. Thực chất đây là hoạt động sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải được lấy ý kiến bàn luận và xem xét một cách thấu đáo...

Tại xã Nham Sơn, nông nghiệp chiếm tới 80% tổng GDP của xã. Nói như Phó Chủ tịch UBND xã - ông Đào Văn Đệ thì: “Chủ trương tinh giản đội ngũ cán bộ là đúng. Rất nhiều chức danh cần được cắt giảm để ngân sách nhà nước bớt khó khăn. Nhưng, dứt khoát phải giữ lại cán bộ khuyến nông và thú y xã. Bởi công tác chống dịch phải như chống giặc, nếu không có lực lượng chuyên trách dự tính, dự báo, phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; nắm bắt thông tin phục vụ chỉ đạo SX của địa phương thì rất gay go”.

 

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.