Do đó, để bảo vệ đàn vật nuôi, tỉnh đang thực hiện đồng bộ các biện pháp ứng phó với quyết tâm không để xảy ra dịch.
Phun khử trùng cho xe chở lợn tại một chốt kiểm dịch |
Xã Mỹ Thái, huyện Lạng Giang không phải là địa bàn trọng điểm về chăn nuôi lợn của huyện song chính quyền, người dân tích cực triển khai các biện pháp ngay khi có chỉ đạo của cấp trên và thông tin về dịch bệnh.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hiền ở thôn Cò nuôi gần 200 con lợn thịt, chuẩn bị được xuất chuồng. Lo lắng cho đàn lợn của gia đình nên ngày nào anh cũng dọn chuồng sạch sẽ, phun thuốc khử trùng và rắc vôi bột tại lối vào khu vực, đồng thời cho lợn ăn đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng.
Theo anh Hiền, thời điểm này anh không cho người lạ đến chuồng nuôi. Chỉ hai vợ chồng thay phiên nhau chăm sóc chúng đề phòng nguồn bệnh lây nhiễm từ ngoài. Kinh nghiệm cho thấy, vật nuôi khỏe sẽ tăng sức đề kháng, vì vậy những loại bệnh thông thường như lở mồm long móng, tai xanh, suyễn… đã được anh tiêm vacxin phòng.
Các xã Xuân Hương, Tân Thanh, Dương Đức, Tiên Lục, Tân Dĩnh… của huyện Lạng Giang cũng nỗ lực thực hiện biện pháp khử trùng.
Tại huyện Hiệp Hòa, ông Ngô Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện đã lập các chốt chặn, kiểm soát động vật lưu thông vào địa bàn trên tuyến nối Thái Nguyên - Hiệp Hòa. Huyện đã cấp gần một nghìn lít hóa chất, gần 100 tấn vôi bột cho các xã. Trang trại, người chăn nuôi chủ động, không có tình trạng lơ là với dịch bệnh. Là địa bàn tiếp giáp với tỉnh Quảng Ninh (địa phương công bố bệnh dịch tả lợn Châu Phi), huyện Sơn Động đã lập 4 chốt kiểm soát, cử lực lượng chia ca trực ngày đêm.