| Hotline: 0983.970.780

Bắc Giang sẵn sàng 2 kịch bản để tiêu thụ 160.000 tấn vải thiều

Thứ Tư 25/05/2022 , 06:17 (GMT+7)

Dự kiến tổng sản lượng vải thiều vụ này khoảng 160.000 tấn nên tỉnh Bắc Giang đã có nhiều giải pháp xúc tiến thương mại tiêu thụ ngay từ bây giờ.

Hôm nay (25/5), tỉnh Bắc Giang phối hợp Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và các Bộ, ngành, địa phương tổ chức "Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2022" nhằm giới thiệu và tạo cơ hội cho các bên giao thương, tìm đối tác tiêu thụ vải thiều.

Chuẩn hóa đầu ra cho vải thiều

Khi những quả vải thiều chín sớm niên vụ 2022 đã cho thu hoạch tại một số nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn vẫn trăn trở với câu hỏi: Làm thế nào để tăng giá trị cho nông sản chủ lực của tỉnh? Ngoài sản phẩm chính là quả tươi, liệu còn hình thức sơ chế, chế biến nào khác giúp lưu giữ "hương vị đất trời" hay không?

Một trong những sáng kiến được huyện Lục Ngạn thử nghiệm triển khai vụ này, đó là sản phẩm vải sấy khô. Sau khi thu hoạch, vải được sấy điện nhằm giảm dư lượng SO2, rồi đóng gói trong túi hút chân không. Sản phẩm được đóng gói trong bao bì bắt mắt, định hướng đăng ký sản phẩm OCOP, và sử dụng như một quà tặng cao cấp. 

Chủ tịch UBND Bắc Giang, ông Lê Ánh Dương thăm HTX sản xuất vải thiều tại huyện Lục Ngạn hồi năm 2021. Ảnh: Đức Minh.

Chủ tịch UBND Bắc Giang, ông Lê Ánh Dương thăm HTX sản xuất vải thiều tại huyện Lục Ngạn hồi năm 2021. Ảnh: Đức Minh.

"Chúng tôi kỳ vọng, vải sấy có thể được bảo quản tới một năm. Nếu làm được, người dân sẽ được thưởng thức nông sản này quanh năm, thay vì hai, ba tháng lúc thu hoạch rộ", ông Thi nói.

Xuyên suốt hàng chục năm qua, người dân đã nắm chắc quy trình canh tác, nâng cao dần hàm lượng khoa học công nghệ trong các khâu sản xuất. Trên đà phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, huyện Lục Ngạn nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung đã chuyển dịch canh tác vải thiều theo hướng hữu cơ, sử dụng ngày một nhiều các loại phân vi sinh, phân bón hữu cơ để thay thế dần cho phân hóa học. Những mô hình sản xuất cải tiến, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp từng bước giảm chi phí đầu vào, và lan tỏa sâu rộng vào đời sống.

Nhưng như thế có lẽ là chưa đủ với loại trái cây được đánh giá là tương đối khó tính, thời gian chế biến tập trung, sản lượng lớn. Theo Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (BVTV) Bắc Giang, tổng sản lượng vụ này của tỉnh khoảng 160.000 tấn, trong đó riêng vải chín sớm khoảng 50.000 tấn. Đó là con số, mà nếu chia trung bình, người dân phải tiêu thụ vài tấn mỗi ngày.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang Lê Bá Thành nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học công nghệ trong tổ chức sản xuất, canh tác vải thiều. Ảnh: Đức Minh.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang Lê Bá Thành nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học công nghệ trong tổ chức sản xuất, canh tác vải thiều. Ảnh: Đức Minh.

Để giải quyết vấn đề một cách căn cơ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang, ông Lê Bá Thành cho rằng cần phải chú trọng ở cả khía cạnh khoa học công nghệ lẫn công tác quản lý.

Về khoa học công nghệ, người dân cần tổ chức sản xuất ngay sau khi thu hoạch vụ trước. Ngoài ra, một số kỹ thuật như đốn tỉa cây vải, giúp vải ra quả trên thân, thực hiện bẫy bã côn trùng, sử dụng máy bay không người lái... cần được phát triển nhân rộng. 

Về quản lý, ngành nông nghiệp chủ trương quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, góp phần mở cửa những thị trường có sức kéo lớn như Mỹ, Nhật Bản, Australia, EU. Nếu thành công, đây sẽ là cơ sở để Bắc Giang "chuẩn hóa" đầu ra cho vải thiều, giúp nông sản này vừa có thể khai phá các thị trường tiềm năng như Đông Nam Á, Trung Đông, vừa chiếm lĩnh thị phần ở các khu công nghiệp trong nước.

"Năm nay, Bắc Giang chủ động hơn trong vụ vải thiều. Sở NN-PTNT đã thành lập một Tổ công tác, phụ trách công tác hướng dẫn các cơ sở sản xuất, đóng gói, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, cũng như ngăn ngừa, phòng chống virus SARS-CoV-2 có thể xuất hiện trên bao bì sản phẩm", ông Thành chia sẻ.

Nhân chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ hồi giữa tháng 5 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND Bắc Giang, ông Phan Thế Tuấn và đối tác đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác xuất khẩu nông sản sang Hoa Kỳ. Sự kiện được chứng kiến bởi Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo một số Bộ, ngành Việt Nam và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Phương chia sẻ 2 phương án tiêu thụ vải thiều vụ 2022. Ảnh: Bá Thắng.

Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Phương chia sẻ 2 phương án tiêu thụ vải thiều vụ 2022. Ảnh: Bá Thắng.

2 kịch bản

Để vải thiều Bắc Giang được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn nữa, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ với nhiều nội dung, hình thức và luôn có sự đổi mới, sáng tạo.

Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Phương chia sẻ: "Được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tham mưu thực hiện công tác xúc tiến thương mại, hàng năm Sở Công thương luôn phối hợp chặt chẽ với Sở NN-PTNT và UBND các huyện. Đây là tiền đề cho việc đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều cả thị trường trong nước và xuất khẩu".

Trong vụ vải thiều 2022, Sở Công thương thực hiện 7 nhiệm vụ. Một, thường xuyên thông tin, trao đổi với các thương vụ, tham tán thương mại Việt Nam tại các nước để nắm bắt tình hình, hỗ trợ kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Hai, tổ chức Hội nghị trực tuyến, kết nối tiêu thụ vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ. Ba, tổ chức các buổi làm việc với doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc để HTX trong nước ký biên bản ghi nhớ, hợp đồng tiêu thụ vải năm 2022.

Bốn, trao đổi, làm việc với Vietnam Airlines và Bamboo Airways, đề nghị có chính sách hỗ trợ vận chuyển vải thiều xuất khẩu qua đường hàng không. Năm, tổ chức kết nối với hệ thống chợ đầu mối, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, qua đó đề nghị xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng khối, tiến tới tăng sản lượng tiêu thụ so với năm 2021.

Sáu, tổ chức làm việc với các sàn giao dịch thương mại điện tử để kết nối đẩy mạnh tiêu thụ vải trên các sàn. Bảy, tổ chức làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai và các cơ quan liên quan như hải quan, bộ đội biên phòng, khu kinh tế của khẩu... nhằm gia tăng hơn nữa luồng lưu thông cho vải thiều.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, ông Nguyễn Thế Thi bên sản phẩm vải thiều sấy khô. Ảnh: Bá Thắng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, ông Nguyễn Thế Thi bên sản phẩm vải thiều sấy khô. Ảnh: Bá Thắng.

Là sản phẩm có thương hiệu trên thị trường và ngày càng khẳng định chất lượng vượt trội, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận và đánh giá cao, năm 2022, Bắc Giang đã xây dựng và triển khai 2 kịch bản. 

Thứ nhất, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các nước trên thế giới nới lỏng việc giao thương đi lại, tỉnh sẽ thực hiện phương án: tiêu thụ 50% tại thị trường nội địa, và 50% dành cho xuất khẩu. Trong đó, tỉnh chú trọng tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia và các nước EU; đồng thời chú trọng thị trường truyền thống Trung Quốc.

Thứ hai, nếu tình hình dịch bệnh có diễn biến xấu (chẳng hạn xuất hiện chủng virus mới), các nước siết chặt việc kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “Zero Covid”, tỉnh sẽ thực hiện phương án xuất khẩu 30%, còn lại tiêu thị nội địa. Trong đó, tỉnh sẽ phối hợp các doanh nghiệp, đơn vị liên quan đẩy mạnh khâu chế biến và sấy khô vải thiều.

Kế thừa và phát huy sự thành công của việc đưa vải thiều lên tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử trong năm 2021 (khoảng 8.000 tấn), Sở Công Thương tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân, HTX mở gian hàng để sẵn sàng tiêu thụ vải trên các sàn thương mại điện tử lớn trong thời gian tới, khi vải thiều thu hoạch rộ.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) nhận định, thời điểm hiện tại, ngành nông nghiệp nước ta không gặp áp lực tăng nào từ nguồn cung. Sản lượng các loại nông sản, hoa quả tương đương cùng kỳ năm trước. Do đó, để giải bài toán tiêu thụ, ông Toản đề xuất vấn đề tăng hàm lượng, chất lượng chế biến nông sản, cũng như đẩy mạnh những hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đa dạng hóa thị trường. 

"Người dân phải chủ động nghĩ đến thị trường tiêu thụ ngay từ khi tổ chức sản xuất, canh tác, song song với công tác nâng cao năng lực chế biến, bảo quản; đồng thời nâng cao nhận thức về việc người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Toản nói.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hỗ trợ sinh kế và 12.000 vịt giống giúp nông dân thoát nghèo

THANH HÓA Ngày 16/5, tại Thường Xuân, Tập đoàn Mavin phối hợp với tổ chức World Vision trao tặng 12.000 vịt giống trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ sinh kế giai đoạn 2022 - 2024.

Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ khởi sắc

KHÁNH HÒA Tháo gỡ khó khăn về mặt thể chế sẽ là điều kiện thuận lợi để triển khai phát triển bất động sản, trong đó có bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.