Cấp phép cho hơn 100 thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều. Báo động nạn bẫy chim khiến đàn yến suy giảm mạnh. Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam cao nhất 420 USD/tấn.
CẤP PHÉP CHO HƠN 100 THƯƠNG NHÂN TRUNG QUỐC SANG THU MUA VẢI THIỀU
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, có 103 thương nhân Trung Quốc được cơ quan chức năng Việt Nam đồng ý nhập cảnh sang Bắc Giang thu mua vải thiều.Thu mua vải thiều Bắc Giang được dự báo sẽ cho chất lượng tốt nhất từ trước tới nay nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, phù hợp với quá trình sinh trưởng.Năm nay, diện tích trồng vải của Bắc Giang tiếp tục duy trì 28.300 ha, sản lượng khoảng 180.000 tấn, vượt 20.000 tấn so với kế hoạch đề ra.Riêng thị trường Trung Quốc, địa phương tập trung chỉ đạo sản xuất 149 mã vùng trồng được Trung Quốc chấp thuận với 15.867 ha, sản lượng khoảng 95.000 tấn. Duy trì 300 cơ sở đóng gói phục vụ đủ nhu cầu xuất khẩu.
BÁO ĐỘNG NẠN BẪY CHIM KHIẾN ĐÀN YẾN SUY GIẢM MẠNH
Tại Phú Yên, tình trạng bẫy bắt chim yến diễn ra rầm rộ từ năm 2019 đến nay, chủ yếu bằng phương thức giăng lưới tàng hình trên các khu đồng trống, các vùng thức ăn và trên đường đàn yến di chuyển tìm mồi…Theo Hội Yến sào tỉnh Phú Yên, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện hơn 20 vụ giăng bẫy bắt chim yến trên địa bàn.Ông Phạm Duy Khiêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam cho biết, thời điểm năm 2017 cả nước có khoảng 8.000 nhà nuôi yến với số lượng ước trên 7 triệu con chim. Tuy nhiên sau năm 2017 đến nay do vấn nạn bẫy chim yến xảy ra rộng khắp trên toàn quốc, nhất là ở các tỉnh miền Trung và Đông Nam bộ khiến lượng đàn yến cả nước giảm mạnh.Cụ thể, từ cuối năm 2019 tới nay lượng chim yến lại giảm đi từ 20 - 30%, thậm chí có nơi giảm tới gần 50%, kéo theo sản phẩm tổ yến cũng giảm tương ứng.Cũng theo ông Phạm Duy Khiêm, chim yến bị bẫy thường được vặt lông, làm giả chim sẻ để bán cho các nhà hàng quán ăn. Giá trị một con chim yến trong ngành yến sào từ 6-12 triệu nhưng săn bán thịt chỉ 7 ngàn đồng. Do vậy, tình trạng bẫy chim yến không chỉ làm suy giảm số lượng chim mà còn gây thiệt hại kinh tế vô cùng lớn.
ẤN ĐỘ CẤM XUẤT KHẨU LÚA MÌ
Ấn Độ vừa ra quyết định cấm xuất khẩu lúa mì chỉ sau vài ngày nước này tuyến bố sẽ có thể xuất khẩu kỷ lục trong năm nay.Nguyên nhân được chính phủ Ấn Độ giải thích là do đợt nắng nóng kỷ lục đã làm sụt giảm sản lượng lúa mì tới 50% và đẩy giá lúa mì nội địa đạt mức cao nhất mọi thời đại.Tuy vậy, Ấn Độ vẫn cho phép xuất khẩu đối với các hợp đồng đã ký và xem xét yêu cầu của những quốc gia bị khủng hoảng thiếu lương thực.Quyết định của chính phủ Ấn Độ được nhận định sẽ giáng một đòn mạnh vào thị trường lúa mì và lương thực thế giới, vốn rất bấp bênh khi lượng xuất khẩu từ khu vực Biển Đen bị sụt giảm khi căng thẳng Nga và Ukraine leo thang vào cuối tháng Hai.Trong tháng 4, Ấn Độ đã xuất khẩu kỷ lục 1,4 triệu tấn lúa mì cùng với việc ký kết thêm các thỏa thuận mới đi các nước, với khối lượng xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn trong tháng 5.
GIÁ GẠO 5% TẤM CỦA VIỆT NAM CAO NHẤT 420 USD/TẤN
Giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam vừa được điều chỉnh tăng 5 USD/tấn đối với gạo 100% và 5% tấm trong phiên giao dịch gần nhất. Cụ thể, giá gạo 100% tấm leo lên mức 365 USD/tấn còn gạo 5% tấm là 415 - 420 USD/tấn.Hiệp hội lương thực Việt Nam dự báo, năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ đạt khoảng 6-6,2 triệu tấn. Quý 2 là thời điểm thị trường gạo thế giới sẽ đẩy mạnh việc thu mua và là thời điểm vàng cho các doanh nghiệp đẩy mạnh việc xuất khẩu gạo.