| Hotline: 0983.970.780

Bạc Liêu cần hơn 3.400 tỷ đồng phòng, chống sạt lở

Thứ Hai 12/08/2024 , 12:33 (GMT+7)

Bạc Liêu còn nhiều khó khăn nên địa phương kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ hơn 3.400 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư phòng, chống sạt lở.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, báo cáo tình hình sạt lở. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, báo cáo tình hình sạt lở. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu cho biết, những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nên tình hình thiên tai, nhất là sạt lở, sụt lún đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu xảy ra ngày càng nhiều, đặc biệt là ở khu vực bờ biển, bờ sông.

Theo đó, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 38 đợt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài hơn 3,6km. Bên cạnh đó, sạt lở đã làm thiệt hại 126 căn nhà, gần 300 căn nhà bị ảnh hưởng, ước tổng kinh phí thiệt hại hơn 23,5 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, hiện tại, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 77 khu vực sạt lở bờ sông, 6 khu vực sạt lở bờ biển cần có biện pháp khắc phục trước mắt cũng như lâu dài.

Biển báo sạt lở nguy hiểm tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Biển báo sạt lở nguy hiểm tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng, việc phòng, chống sạt lở phải được ưu tiên, các sở, ngành và địa phương phải cập nhật diễn biến thường xuyên để cảnh báo người dân, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và đồng thuận với chủ trương của tỉnh.

Hiện nay, do ngân sách tỉnh Bạc Liêu còn nhiều khó khăn nên địa phương kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ hơn 3.400 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư với 5 khu vực sạt lở xung yếu, cấp bách và phòng chống triều cường, bảo vệ sản xuất với tổng chiều dài gần 80km.

Ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh rà soát thật kỹ các điểm sạt lở, các điểm có nguy cơ, dự toán kinh phí để khắc phục, cũng như đề xuất với Trung ương hỗ trợ. Những điểm nguy cơ hôm nay không sạt lở thì năm tới, những năm sau nữa cũng có thể xảy ra. Do đó, các địa phương khi xảy ra sạt lở phải chủ động khắc phục ngay tại chỗ, đừng đợi báo cáo xin ý kiến. Nếu địa phương không còn khả năng thì kiến nghị đến tỉnh, rồi đến Trung ương.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu yêu cầu địa phương ưu tiên lo cho an toàn của người dân. Ảnh: Trọng Linh.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu yêu cầu địa phương ưu tiên lo cho an toàn của người dân. Ảnh: Trọng Linh.

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu yêu cầu các đơn vị có liên quan cần lưu ý khi lộ bị sụt lún, người dân đi lại khó khăn, bờ sông sạt lở cũng ảnh hưởng cuộc sống người dân. Tình hình như hiện nay thì phải ưu tiên lo cho dân. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương sớm xem xét bố trí chỗ ở tại các khu tái định cư để di dời dân từ các khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.

"Đối với vấn đề kinh phí để thực hiện các công trình, dự án cấp bách chống sạt lở, đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan xem xét cụ thể, để kịp thời kiến nghị Trung ương hỗ trợ xử lý", Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu lưu ý thêm.

Trước đó, như Báo NNVN đưa tin, vào ngày 7/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Đông đoạn từ Km 0+046 đến cầu Chiên Túp 1 (giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng), thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Chiều dài khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở là 474m, đoạn sạt lở này xảy ra hôm 4/8.

Tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ hơn 3.400 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư với 5 khu vực sạt lở xung yếu, cấp bách. Ảnh: Trọng Linh.

Tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ hơn 3.400 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư với 5 khu vực sạt lở xung yếu, cấp bách. Ảnh: Trọng Linh.

Cụ thể, trong phạm vi 100m đê bị sạt lở có hai vị trí, gồm: Đoạn giáp ranh tỉnh Sóc Trăng (Km 0+046) hướng về cầu Chiên Túp 1 dài 50m, có chiều rộng sạt lở 5m, sâu 1,5m; đoạn từ cầu Chiên Túp 1 hướng về Sóc Trăng dài 50m, có chiều rộng sạt lở 10m, sâu 1,5m.

5 khu vực sạt lở xung yếu, cấp bách trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu:

Dự án Đoạn kè G6 (điểm đầu tại Rạch Cóc, điểm cuối tại ngã ba sông Gành Hào), huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Chiều dài kè 3km, kinh phí dự kiến thực hiện 315 tỷ đồng. Dự án này cần bố trí tái định cư cho 45 hộ dân, ảnh hưởng đến hai doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản (có gần 1.500 lao động tại địa phương).

Dự án xây dựng kè hai bên bờ kênh 30/4 (đoạn từ cống Nhà Mát đến cầu Út Đen) thuộc phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu. Chiều dài kè 5,2km, kinh phí dự kiến thực hiện 906 tỷ đồng. Khu vực dự án này có hơn 250 hộ dân và khi triển khai cần bố trí tái định cư.

Dự án xây dựng kè bờ sông Cà Mau - Bạc Liêu (đoạn từ bến xe Hộ Phòng hướng về nhà thờ Tắc Sậy), thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Chiều dài kè 5km, kinh phí dự kiến thực hiện 700 tỷ đồng. Dự án này cần bố trí tái định cư cho 800 hộ dân.

Dự án Xây dựng hệ thống đê sông và công trình để phòng chống triều cường cho 5 xã phía Tây của huyện Đông Hải (Hộ Phòng - Tắc Vân - Cái Su - Tắc Vân - Hộ Phòng). Chiều dài đê sông 66km, kinh phí dự kiến thực hiện 1.490 tỷ đồng.

Dự án xây dựng kè bảo vệ đoạn đê giáp ranh Sóc Trăng để phòng, chống sạt lở, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Chiều dài tuyến kè 474m, kinh phí dự kiến 25 tỷ đồng.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Đủ nước cho vụ đông xuân ở Đông Nam bộ

Các tỉnh Đông Nam bộ đang sản xuất vụ đông xuân trong bối cảnh nguồn nước được dự báo đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất ở các công trình thủy lợi.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 3] 'Cửa hẹp' cho tàu cá vào cảng

Nhiều tai nạn không đáng có xảy ra khi tàu cá hoàn tất chuyến biển trong lúc vào bờ, do luồng lạch ra vào cảng bị bồi lắng khiến tàu mắc cạn.