![ec8a0eab0b88b5d6ec99-100857_47.jpg Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ được đầu tư mở rộng 6 làn xe. Ảnh: Minh Đảm.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/18/ec8a0eab0b88b5d6ec99-100857_47-135300.jpg)
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ được đầu tư mở rộng 6 làn xe. Ảnh: Minh Đảm.
Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 39.800 tỷ đồng, với chiều dài 96,13km (điểm đầu tại nút giao Chợ Đệm, huyện Bình Chánh, TP.HCM; điểm cuối tại đầu cầu phía Bắc cầu Mỹ Thuận 2, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).
Đối với đoạn TP.HCM - Trung Lương, từ Chợ Đệm – Vành Đai 4 được đầu tư quy mô 12 làn xe, từ Vành Đai 4 - Trung Lương quy mô 10 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h. Đối với đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Trong đó, xây dựng các công trình trên tuyến, hệ thống giao thông thông minh, hệ thống trạm thu phí, trạm dừng nghỉ… bảo đảm đồng bộ, hiệu quả theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, tuân thủ Luật Đường bộ.
Nhà đầu tư đề xuất dự án là Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, Công ty CP Tasco, Tổng Công ty đầu tư xây dựng Hoàng Long, Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Đầu tư CII.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh giao Ban Quản lý Dự án 7 và nhà đầu tư đề xuất dự án phối hợp với cơ quan có thẩm quyên thỏa thuận việc giao lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các quy định pháp luật liên quan đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt nam, Cục Quản lý đầu tư xây dựng và các cơ quan có liên quan phối hợp, hỗ trợ Ban QLDA7 và nhà đầu tư đề xuất trong quá trình tổ chức thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
Việc đầu tư mở rộng hoàn chỉnh tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận nhằm giảm ùn tắc giao thông, cùng với các dự án giao thông đang khai thác trong khu vực sẽ hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh trong khu vực ĐBSCL.