Ngày 29/11, Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu tổ chức “Hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP giữa tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh, thành phố năm 2024”.
Mục tiêu của hội nghị là dịp để kết nối giữa các hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp đầu mối, hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh với các chủ thể OCOP của tỉnh Bạc Liêu. Đồng thời, hội nghị nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, đặc sản của địa phương, tìm kiếm đối tác liên doanh, liên kết, hợp tác phát triển và mở rộng đến với thị trường các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh và cả nước.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Chương trình giúp tìm ra giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Chương trình đã lan rộng tới nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tạo ra hàng trăm nghìn sản phẩm hàng hóa.
Đến nay, tỉnh Bạc Liêu có 145 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 31 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 114 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao cho 69 chủ thể OCOP, 2 sản phẩm muối tinh và muối hạt Bạc Liêu đang hoàn thành thủ tục đề nghị Bộ NN-PTNT công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.
Theo ông Thiều, bên cạnh những thuận lợi thì việc triển khai chương trình OCOP của Bạc Liêu còn nhiều khó khăn. Vì vậy, thông qua hội nghị lần này nhằm giới thiệu về hình ảnh quê hương đất nước và con người Bạc Liêu. Thúc đẩy thương mại nội địa, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường sự giao lưu, quảng bá, giới thiệu văn hóa, tiềm năng thế mạnh, tôn vinh các sản phẩm OCOP.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng và số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đề nghị các sở, ngành địa phương và các chủ thể OCOP cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, kết nối và quảng bá, thương mại sản phẩm OCOP trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử...góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP trên thị trường.
Ngoài ra, xây dựng và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm OCOP riêng biệt, đặc sắc để tạo điểm nhấn, thúc đẩy tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, đặc biệt là kết nối ngay từ giai đoạn sản xuất, tạo sự kết nối giữa sản xuất - thị trường.
Bên cạnh đó, hỗ trợ chủ thể kinh tế tham gia chương trình OCOP xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm, xây dựng và đăng ký bản tự công bố chất lượng sản phẩm theo quy định.
Đặc biệt, là xác định sản phẩm tiềm năng, lợi thế của địa phương tham gia chương trình OCOP. Kêu gọi, vận động thanh niên tham gia các mô hình khởi nghiệp với các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm từ kinh tế nông thôn liên quan đến chương trình OCOP. Hỗ trợ các chủ thể phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn các xã, nhất là các xã vùng sâu để người dân có điều kiện tiếp cận và tham gia chương trình OCOP.