| Hotline: 0983.970.780

Bạc Liêu sẽ là trung tâm tôm công nghệ cao và điện gió

Thứ Tư 24/01/2018 , 13:30 (GMT+7)

Tỉnh Bạc Liêu đang chuẩn bị khởi công Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm và hai nhà máy điện gió trong sự kiện xúc tiến đầu tư năm 2018 với chủ đề “Khơi dậy tiềm năng - Phát triển bền vững”.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung (ảnh) cho biết:

09-57-49_1801181

Tỉnh Bạc Liêu xác định hướng phát triển kinh tế với mũi nhọn tập trung vào nông nghiệp, chủ yếu là con tôm nuôi công nghệ cao. Để phát triển nuôi tôm công nghệ cao cần môi trường sạch, Bạc Liêu đã khẳng định điều này khi kiến nghị và được Chính phủ chấp thuận bỏ nhà máy điện than để phát triển điện năng lượng tái tạo. Nuôi tôm công nghệ cao và điện gió đã trở thành hai lĩnh vực được nhà đầu tư quan tâm nhất trong năm qua ở Bạc Liêu, có vốn đăng ký đầu tư gấp chục lần năm trước đó.

Đặc biệt, chúng tôi đã có điều kiện chọn nhà đầu tư. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm được quy hoạch rộng 418 ha, tại xã Hiệp Thành (thành phố Bạc Liêu) có 20 doanh nghiệp đăng ký đầu tư nhưng chúng tôi mới chọn 7 doanh nghiệp đủ tiềm lực, ngoài giấy chứng nhận đầu tư đã cấp thì ngày 30/1 tới đây, cấp tiếp cho 5 doanh nghiệp. Về điện gió, các nhà đầu tư đăng ký số vốn gần 100.000 tỷ đồng và ngày 30/1, khởi công 2 nhà máy có tổng công suất 172MW.

Doanh nghiệp nào được lựa chọn đầu tiên để đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm, thưa ông?

Tập đoàn Việt - Úc Bạc Liêu được lựa chọn đầu tiên vì đáp ứng các tiêu chí của địa phương, đồng thời doanh nghiệp này cũng đang giúp nhiều hộ nông dân địa phương áp dụng công nghệ cao nuôi tôm. Đến nay, Bạc Liêu đã giao cho Tập đoàn Việt - Úc 315ha, với quy mô vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng. Sáng 22/10/2017, Tập đoàn Việt - Úc đã khởi công xây dựng khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín và ngày 30/1 tới đây, làm lễ thả tôm giống mô hình nuôi siêu thâm canh trong nhà kín. Còn hơn 100ha ở vùng lõi Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm dành cho các nhà đầu tư khác.

Tiến tới khởi công Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm, tình hình nuôi tôm ngoài khu quy hoạch ở Bạc Liêu như thế nào?

Có hơn 100 mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ở hộ gia đình do các doanh nghiệp triển khai. Ở đó, ao nuôi tôm thả một con chíp là kiểm soát được 16 chỉ tiêu môi trường và sức khỏe của tôm. Cho tôm ăn cũng tự động, khi con tôm cần ăn sẽ phát ra sóng siêu âm và máy tự động phun thức ăn xuống ao, tôm không cần ăn thì đóng lại, vừa tiết kiệm vừa tránh tình trạng dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường.

Về chủ trương giữ môi trường để phát triển tiềm năng tôm, khi kiến nghị Chính phủ loại bỏ dự án điện than, tỉnh Bạc Liêu có gặp khó khăn không?

Khó khăn trước hết trong nội bộ lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu. Chúng tôi phải họp bàn nhiều mới thống nhất được. Bởi vì có một nhà máy nhiệt điện than thì điều thấy rõ là giải quyết được hàng trăm lao động và mỗi năm ngân sách tỉnh có mấy trăm tỷ đồng. Nhưng bàn đi tính lại với mục tiêu cao nhất là khơi dậy tiềm năng nên chúng tôi quyết tâm.

Vả lại, thực tiễn đã bắt buộc chúng tôi phải thay đổi. Trước biến đổi khí hậu, tỉnh nghèo Bạc Liêu bị ảnh hưởng nặng nề, không thể duy trì tư duy cũ mà phải thích ứng để biến nguy cơ thành thời cơ, phải chuyển dịch sản xuất. Nhiều vùng rộng lớn ở Bạc Liêu từ sản xuất 2 vụ lúa nhờ mạnh dạn chuyển sang lúa - tôm mà vượt qua hạn mặn lịch sử năm 2016, cuộc sống người dân ổn định và nâng cao nhờ trụ cột là con tôm. Hiện nay, GDP của Bạc Liêu đứng thứ 8 trong 13 tỉnh và thành phố ĐBSCL, chúng tôi đặt mục tiêu 15 năm nữa vươn lên hàng khá của vùng, dựa vào khai thác tiềm năng con tôm chất lượng cao và môi trường sạch.

09-57-49_1801182
Khu sản xuất tôm giống của Tập đoàn Việt - Úc Bạc Liêu

Kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo để giữ môi trường sạch của Bạc Liêu?

Chúng tôi bước đầu thành công với 3 nguyên nhân. Đầu tư năng lượng tái tạo được ưu tiên, có một nhà máy điện gió công suất 99MW đã thành công và chúng tôi quy hoạch được khu điện gió tổng công suất hơn 2.000MW ở khu bãi bồi ven biển, tạo nhiều thuận lợi triển khai dự án. Chính sách khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo là chủ trương của cả nước, tỉnh Bạc Liêu ưu tiên nên tập trung cán bộ thực sự chân tình, nhiệt huyết để làm việc với nhà đầu tư, phát huy kinh nghiệm cấp đất bãi bồi ven biển cho dự án điện gió.

Trong phát triển tiềm năng tôm chất lượng cao và điện gió, Bạc Liêu có gặp khó khăn gì hay không và nếu có thì những kiến nghị?

Kêu gọi đầu tư phát triển tôm chất lượng cao đã được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng. Tuy nhiên, còn hàng nghìn hộ nuôi tôm nhỏ lẻ những năm qua gặp khó khăn nên cạn vốn, đất đai đã thế chấp hết trong ngân hàng, đang rất khó khăn phát triển. Chúng tôi kiến nghị ngân hàng có giải pháp đầu tư qua doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ nông dân phát triển.

Về đầu tư nhà máy điện gió, chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ có quy định giá mua điện ổn định lâu dài để nhà đầu tư an tâm, đồng thời cấp đất cho dự án điện gió 70 năm, đủ thời gian 2 vòng đời dự án.

Tôi muốn nhắc lại mục tiêu 15 năm tới, Bạc Liêu vươn lên tỉnh khá ở ĐBSCL, chỉ đạt được khi có nhiều nhà đầu tư phát triển tiềm năng. Chúng tôi đã tính toán, vốn ngân sách đầu tư ở Bạc Liêu hiện nay một năm chỉ khoảng 1.000 tỷ đồng, đủ để tăng trưởng 1% GDP. Muốn tăng đầu tư để tăng trưởng cao hơn, phải có chính sách hợp lý để doanh nghiệp an tâm bỏ vốn đầu tư lâu dài.

Giáo dục đào tạo và y tế chất lượng cao, chúng tôi xác định là hai trụ cột đảm bảo thu hút đầu tư đạt mục tiêu đề ra. Y tế thì dễ hiểu rồi còn giáo dục đào tạo để cung cấp lao động đáp ứng nhu cầu đầu tư. Tôi làm việc với nhiều nhà đầu tư, nghe họ nói thế này, về Bạc Liêu chuyện ăn uống vô tư, đờn ca tài tử rất hay nhưng tìm người làm việc lại khó. Thiếu người giỏi tiếng Anh, biết ngoại giao, có chuyên môn nghiệp vụ nên các nhà đầu tư muốn thành lập một văn phòng giao dịch cũng khó. Những vấn đề đó đang đặt ra nhiệm vụ trước mắt lẫn lâu dài cho chúng tôi.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu

 

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.