| Hotline: 0983.970.780

Bắc Ninh đẩy mạnh giới thiệu việc làm online

Thứ Năm 22/10/2020 , 09:00 (GMT+7)

Đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh đã đẩy mạnh giới thiệu việc làm online cho người lao động trong bối cảnh tác động bởi dịch Covid-19.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh không ngừng nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng cường kết nối cung - cầu lao động giữa doanh nghiệp với người lao động. Ảnh: HG.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh không ngừng nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng cường kết nối cung - cầu lao động giữa doanh nghiệp với người lao động. Ảnh: HG.

Những năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh), đã không ngừng đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng cường kết nối cung - cầu lao động giữa doanh nghiệp với người lao động (NLĐ).

Từ khi dịch được kiểm soát đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 18 phiên giao dịch việc làm, với khoảng 6.000 lao động tìm kiếm được việc làm; tổ chức được 8 phiên giao dịch việc làm online và đã thu hút được khoảng 300 lao động từ các tỉnh khác về làm việc tại Bắc Ninh; tổ chức được 8 phiên giao dịch việc làm lưu động và 1 phiên giao dịch việc làm kết hợp dành cho lao động EPS đi xuất khẩu lao động về nước với khoảng 300 lao động và phối hợp với các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản, Hàn Quốc để giới thiệu việc làm cho người lao động…

Ông Đinh Văn Duyệt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Ninh cho biết: "Bắc Ninh là tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp hoạt động, nhu cầu về lao động – việc làm rất lớn, vì vậy, hàng năm, Trung tâm chủ động tham gia điều tra, cập nhật dữ liệu biến động về nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thực hiện phân tích, dự báo thị trường lao động và nắm bắt thông tin vị trí việc làm cần tuyển dụng. Chú trọng môi trường làm việc phù hợp, hấp dẫn, để tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ.

Đồng thời, Trung tâm cũng nỗ lực triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm thực hiện tốt và hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp, mang lại niềm tin lớn đối với NLĐ và người sử dụng lao động".

Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, Trung tâm vẫn duy trì hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm nhưng vẫn đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, như: Vệ sinh thường xuyên khu vực làm việc; tuyên truyền, khuyến cáo đến NLĐ nghiêm túc thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách… khi đến giao dịch.

Đặc biệt, Trung tâm đã thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm qua Website, phỏng vấn online, hệ thống tin nhắn...

Theo đó, doanh nghiệp sẽ chủ động cung cấp thông tin về nhu cầu, số lượng và vị trí tuyển dụng để đăng tải trên Website của Trung tâm, đồng thời cử cán bộ thực hiện phỏng vấn ngay tại công ty qua phần mềm hỗ trợ.

Đây là hình thức giới thiệu việc làm đơn giản, nhưng kết quả đạt được khá tích cực. Cách thức hoạt động được diễn ra theo hai chiều, có sự tương tác qua lại trực tiếp giữa doanh nghiệp và người lao động.

Cụ thể, doanh nghiệp sẽ chủ động cung cấp thông tin về nhu cầu, số lượng và vị trí tuyển dụng để đăng tải trên website của Trung tâm Dịch vụ việc làm, đồng thời cắt cử cán bộ thực hiện phỏng vấn ngay tại công ty qua phần mềm hỗ trợ.

Còn về phía người lao động chỉ cần một một phương tiện có kết nối internet (máy tính hoặc điện thoại…) là có thể tìm hiểu một cách đầy đủ nhất thông tin về doanh nghiệp và thực hiện trả lời phỏng vấn trực tuyến.

Phiên giao dịch định kỳ vào thứ 5 hàng tuần tại Trung tâm. Ảnh: HG

Phiên giao dịch định kỳ vào thứ 5 hàng tuần tại Trung tâm. Ảnh: HG

Chị Đào Thị Thơm (người lao động ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ: "Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên doanh nghiệp trước tôi làm đã bị ảnh hưởng đáng kể, việc của chúng tôi ít đi rất nhiều.

Gần như mấy tháng dịch chúng tôi không bán được sản phẩm nên không được triết khấu phần trăm, chỉ được hưởng lương cố định nên chẳng được bao nhiêu, không đủ trang trải cuộc sống.

Vì vậy, tôi đã đăng ký với Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Ninh để tìm kiếm một việc làm ở vị trí CEO, giới thiệu và bán sản phẩm, nơi làm việc thì ở thành phố Bắc Ninh hoặc huyện Tiên Du để thuận tiện cho việc chăm con cái”.

Cũng theo chị Thơm, với sự phát triển của khoa học công nghệ, tuyển dụng, phỏng vấn online giúp người lao động, các cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại. Đồng thời có thể lựa chọn được lao động chất lượng đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, nhất là trong thời điểm hiện nay khi nhiều doanh nghiệp có biến động về lao động.

Tuy nhiên, đây là hình thức vẫn còn khá mới mẻ với nhiều người lao động không thực sự rành công nghệ. Hy vọng trong thời gian tới, công tác giới thiệu việc làm online sẽ ngày càng được triển khai sâu rộng hơn nữa.

Trung tâm đẩy mạnh giới thiệu việc làm online. Ảnh: HG.

Trung tâm đẩy mạnh giới thiệu việc làm online. Ảnh: HG.

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện hàng loạt các hoạt động kết nối giúp NLĐ đăng ký tìm việc; đẩy mạnh các hoạt động thông tin thị trường lao động, tăng cường cập nhật và cung cấp thông tin doanh nghiệp tuyển dụng, NLĐ tìm việc; phối hợp với đơn vị tổ chức lại các phiên giao dịch việc làm định kì vào thứ 5 hàng tuần…

Trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục triển khai các hình thức giới thiệu việc làm phù hợp với tình hình thực tế; chú trọng công tác dự báo, phân tích thị trường lao động từ đó xây dựng chiến lược cũng như giải pháp cụ thể.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách lao động, việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động kết nối, giúp NLĐ, doanh nghiệp tiếp cận thông tin nhanh chóng, chính xác.

Đồng thời, nâng cao chất lượng tư vấn tại các phiên giao dịch việc làm, hướng tới tổ chức các phiên phiên giao dịch việc làm lưu động phù hợp tại các địa phương và phiên phiên giao dịch việc làm online với các tỉnh, thành trong cả nước để có thêm nguồn lao động.

Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh sẽ tăng cường sự phối hợp với các doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng, điều kiện làm việc, chính sách tiền lương, tiền thưởng… giúp NLĐ tiếp cận các ngành nghề, việc làm phù hợp, qua đó, duy trì việc làm ổn định, tăng thu nhập cho NLĐ, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm