| Hotline: 0983.970.780

Việc làm

Hàng ngàn công việc trống chờ người lao động ở Đà Nẵng sau dịch Covid-19

Thứ Sáu 09/10/2020 , 07:01 (GMT+7)

Số lượng công việc trống mà các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng tuyển dụng tương đối lớn. Tuy nhiên, số lao động đăng ký không đáp ứng đủ.

Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Đà Nẵng đóng vai trò là kết nối cho hàng ngàn lao động vào doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: LK.

Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Đà Nẵng đóng vai trò là kết nối cho hàng ngàn lao động vào doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: LK.

Doanh nghiệp ổn định sản xuất sau dịch

TP. Đà Nẵng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi đợt dịch Covid-19 thứ 2 bùng phát. Thành phố này trở thành ổ dịch với hàng trăm ca nhiễm khiến cho nhiều hoạt động đều bị đình trệ. Trong đó, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi các cơ sở, kinh doanh dịch vụ này đều phải đóng cửa. Kéo theo đó là hàng ngàn lao động thất nghiệp.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Đà Nẵng, trong 9 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố có gần 24.300 lao động bị thất nghiệp. Trong đó, lao động làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch bị thất nghiệp lên đến gần 7.700 người (chiếm 31,7%).

Trong khi đó, tại các cụm công nghiệp của TP. Đà Nẵng, mặc dù tập trung một số lượng lớn lao động nhưng lại ít chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 hơn. “Các cụm công nghiệp báo cáo thì không có nhà máy, doanh nghiệp nào phải ngưng hoạt động do dịch, các mặt hàng vẫn xuất đi bình thường.

Ngoài ra, một số ít doanh nghiệp bị ảnh hưởng phải cắt giảm lao động. Do đó, chỉ có khoảng hơn 1.500 công nhân trong tổng số gần 70.000 công nhân tại các cụm công nghiệp bị thất nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, khi tất cả đã trở về ổn định, các doanh nghiệp có thêm những đơn hàng mới nên bắt đầu tuyển dụng lao động trở lại”, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng cho biết.

Ngay sau khi các hoạt động ở TP. Đà Nẵng trở lại bình thường, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố đã liên hệ với các doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng và kết nối với người lao động trên địa bàn thông qua các phiên giao dịch việc làm. Thông thường, các phiên giao dịch việc làm ở TP. Đà Nẵng thường diễn ra vào thứ 6 hàng tuần. Với mỗi phiên có đến trên dưới 1.000 công việc cho người lao động có nhu cầu.

Ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng cho biết, tính từ khi hết đợt dịch thứ 2, Trung tâm đã tổ chức được 2 phiên giao dịch việc làm vào ngày 25/9 và 2/10 với tổng số 2.900 công việc trống của 110 công ty, doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực đăng ký tuyển dụng.

“Nhìn chung, số lượng công việc trống trong những phiên giao dịch sau dịch Covid-19 cũng tương đương với các phiên trong những năm trước đây, khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch”, ông Diệp nói.

Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (26 tuổi, quê ở Quảng Bình) cho biết, trước đây, chị làm cho một resort ở quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng). Từ khi dịch Covid-19 vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, chị nghỉ việc về nhà đến nay đã gần 8 tháng.

“Về quê không có việc làm nên bây giờ hết dịch đợt 2, tôi vào lại Đà Nẵng để tìm việc. Bây giờ tình hình cũng đã ổn định nên tôi cũng mong muốn tìm được một công việc phù hợp với chuyên môn của mình là Dịch vụ du lịch”, chị Hằng chia sẻ.

Nhiều công việc, ít lao động

Theo ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Đà Nẵng, hiện nay số lượng công ty, doanh nghiệp lên đến hơn 22.000 doanh nghiệp và mỗi năm cần khoảng 100.000 lao động với nhiều trình độ khác nhau, trong đó có khoảng 40% là lao động phổ thông.

Nhiều công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng sau đợt dịch Covid-19 thứ 2. Ảnh: LK.

Nhiều công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng sau đợt dịch Covid-19 thứ 2. Ảnh: LK.

“Riêng trung tâm kết nối thường xuyên với khoảng 7.000 doanh nghiệp trên địa bàn và mỗi năm tổ chức trung bình 52 phiên giao dịch việc làm với số lượng mỗi phiên từ vài trăm đến cả ngàn công việc trống. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức thêm các phiên giao dịch lưu động tại những trường đại học hoặc các phường với số lượng đến hàng ngàn người tham gia.

Trong mỗi phiên, có rất nhiều công ty, doanh nghiệp đã cử đoàn đến phỏng vấn người lao động với mức lương nắm được tối thiểu từ 5 – 6 triệu đồng. Mặc dù vậy, số lượng lao động được kết nối vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng”, ông Diệp nói.

Cụ thể như trong năm 2019, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Đà Nẵng đã kết nối được với 1.500 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 33.000 lao động nhưng chỉ có hơn 12.300 lao động liên hệ với các công ty, doanh nghiệp này. Trong 2 phiên giao dịch việc làm sau đợt dịch Covid-19 thứ 2 vừa qua cũng có đến 2.900 công việc trống chờ người lao động nhưng cũng chỉ có 247 người liên hệ.

“Số lượng người lao động liên hệ ít với các công ty, doanh nghiệp như thế nguyên nhân có thể là do trong đợt dịch vừa qua, người lao động ở các tỉnh thành khác đến Đà Nẵng đã trở về quê chưa kịp vào lại. Bởi số lượng lao động ngoại tỉnh đến thành phố làm việc rất đông, chiếm đến 50%. Trong thời gian tới, lao động ngoại tỉnh trở lại thành phố làm việc thì chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện vai trò kết nối của mình để giúp họ có được việc làm ổn định”, ông Diệp cho biết.

Sau dịch Covid-19, rất nhiều công ty tại TP Đà Nẵng có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn như: Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước tuyển dụng 521 vị trí, Công ty Sản xuất keo dán vải nhám Bá Lộc tuyển dụng 330 vị trí, Công ty TNHH Hợp tác giáo dục quốc tế Thời đại mới tuyển dụng 109 vị trí…

Xem thêm
AgroViet 2024 - Cầu nối mở rộng thương mại nông sản

Ngày 20/11, Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024 được khai mạc tại Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Hà Nội).

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.