Cả trăm dự án đăng ký đầu tư hàng nghìn tỷ đồng
Các tỉnh Bắc Tây Nguyên đang đón làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào chăn nuôi với những siêu dự án lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Có rất nhiều dự án đã hiện hữu, cùng hàng trăm dự án đang xây dựng hoặc lên kế hoạch triển khai thực hiện.
Giữa cái nắng gay gắt của vùng đất xã Ia Sol (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) vẫn xuất hiện một khoảng không gian rộng lớn được bao bọc bởi những cánh đồng lúa xanh ngát. Xen lẫn giữa biển trời lúa xanh là trang trại chăn nuôi heo Ricky Farms 79 với quy mô khép kín, ứng dụng công nghệ hiện đại của Công ty Cổ phần Tập đoàn Ricky Farms.
Hiện, trang trại đã đi vào hoạt với quy mô 32.000 con heo thịt mỗi năm. Ngoài ra, công ty đang xây dựng trang trại chăn nuôi heo tại thôn Thống Nhất (xã Ia Sol) cũng với quy mô 32.000 heo thịt mỗi năm, dự kiến tháng 10/2023 đi vào hoạt động.
Ông Hoàng Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Ricky Farms cho biết, trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 2 trang trại với công suất mỗi trang trại 3.600 con heo nái và 96.000 heo con.
Khi được hỏi lý do chọn vùng đất Phú Thiện để đầu tư, ông Tùng cho biết: “Cái hơn của tỉnh Gia Lai so với các địa phương khác là có quỹ đất rộng lớn, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng rẻ dẫn đến chi phí đầu tư giảm. Ngoài ra, mật độ dân cư ở các địa phương còn thưa, dẫn tới khoảng cách an toàn sinh học liên quan đến dịch bệnh được đảm bảo”.
Cũng tại huyện Phú Thiện, Công ty TNHH Chăn nuôi Bảo Giang đầu tư trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao với quy mô 24.000 heo thịt mỗi năm. Tại huyện Chư Sê, trang trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH Chăn nuôi Phúc Huy Gia Lai có quy mô 2.500 con heo nái, hàng năm sản xuất ra 80.000 heo con cung cấp ra thị trường.
Còn tại huyện Kbang, Tập đoàn Mavin với 2 dự án Trung tâm Giống heo công nghệ cao có quy mô 4.000 heo nái ông bà, 100.000 heo nái sinh sản/năm, với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng và Trung tâm Giống gà công nghệ cao với quy mô 40.000 gà trứng giống bố mẹ, 4 triệu gà đẻ trứng mỗi năm, diện tích 40ha, tổng vốn đầu tư 95 tỷ đồng.
Cùng với chăn nuôi heo, tỉnh Gia Lai cũng đón nhận rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi bò công nghệ cao. Nổi bật có Công ty Cổ phần Chăn nuôi bò thịt, bò sữa Cao Nguyên đầu tư trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa Đăk Ya (huyện Mang Yang) với quy mô 10.000 bò sữa, 2.000 bò thịt, tổng vốn đầu tư 861 tỷ đồng.
Tại huyện Chư Prông, Công ty TNHH MTV Chăn nuôi bò Trung Nguyên cũng đầu tư trang trại chăn nuôi bò thịt với quy mô 25.000 con bò thịt, diện tích 155ha, tổng vốn đầu tư 1.163 tỷ đồng.
Ông Thái Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai cho biết, tỉnh Gia Lai có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển chăn nuôi, với tổng đàn bò đứng tốp đầu cả nước, loài vật nuôi đa dạng, phong phú.
“Những năm gần đây, tỉnh thu hút được khá nhiều dự án quan tâm, đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, đưa ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển mạnh, theo hướng tập trung, công nghiệp, đúng với định hướng của tỉnh. Song hành với sự phát triển của chăn nuôi thì công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững”, ông Dũng chia sẻ.
Trên địa bàn Gia Lai hiện có 203 dự án với tổng diện tích 9.300ha, tổng vốn đầu tư hơn 34.400 tỷ đồng. Quy mô các dự án chăn nuôi gồm 105.000 con bò, hơn hơn 4 triệu con heo, 40.000 con gà trứng giống bố mẹ, 19.200 con vịt đẻ trứng. Tại đây, đã có 57 dự án đã được UBND tỉnh Gia Lai cấp quyết định chủ trương đầu tư, 146 dự án đang xin chủ trương chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện có 25 dự án đã đi vào hoạt động với số lượng gần 46.800 con bò, hơn 181.000 con heo.
Chuyển tư duy từ tháo gỡ khó khăn sang đồng hành doanh nghiệp
Cùng với Gia Lai, ngành chăn nuôi tỉnh Kon Tum đã có sự dịch chuyển mạnh từ quy mô nhỏ, hộ gia đình, tự cung tự cấp sang chăn nuôi quy mô trang trại sản xuất hàng hóa. Bước đầu, Kon Tum đã hình thành các chuỗi liên kết và có đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng đàn vật nuôi.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 15 dự án của các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với quy mô hàng ngàn con. Ngoài ra, có 23 trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm với phương thức là nuôi gia công và liên kết với các công ty chăn nuôi như: Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, Tập đoàn Mavin, Greenfeed, Japfa Comfeed, CJ Vina Agri...
Việc phát triển các chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, các công ty chăn nuôi lớn như đã liên kết với các hộ dân để chăn nuôi lợn, gia cầm, từ đó góp phần mang lại thu nhập cao cho người chăn nuôi.
Nhìn chung, ngành chăn nuôi ở Bắc Tây Nguyên đang có nhiều chuyển biến rõ nét, chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng loài vật nuôi có giá trị kinh tế, dễ tiêu thụ, thị trường ổn định. Nhiều mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, khép kín tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Thời gian qua, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, các tỉnh bắc Tây Nguyên đã chỉ đạo các sở, ban, ngành cùng các địa phương tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đặc biệt, các tỉnh đưa ra cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi.
Ông Phan Đình Huy, Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Phúc Huy Gia Lai cho biết, Gia Lai có nền nông nghiệp được xem là chủ đạo trong phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, chăn nuôi của Gia Lai trước đây đa phần mang tính nhỏ lẻ, do vậy cần phải có những doanh nghiệp đầu tư vào những dự án lớn, được quy hoạch cụ thể theo từng vùng.
Ngoài ra, những vùng đất sỏi đá không thể phát triển lĩnh vực trồng trọt cần phải được tận dụng phát triển trang trại chăn nuôi theo quy trình khép kín. Đây chính là lợi thế đã được tỉnh Gia Lai nhìn thấy để khai thác nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.
Cũng theo ông Huy, hiện có rất nhiều doanh nghiệp chăn nuôi muốn về Gia Lai nói chung và các tỉnh Tây Nguyên nói riêng để đầu tư do qũy đất còn nhiều. Tuy nhiên, chính sách thu hút đầu tư vẫn chưa thực sự chào đón các doanh nghiệp chăn nuôi. Các cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, trên nói một kiểu, nhưng khi đưa xuống địa phương hoàn toàn khác.
“Để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đến đầu tư, địa phương cần thay đổi cơ chế, làm việc cụ thể về những điểm yếu, điểm mạnh để từng bước tháo gỡ, có như vậy ngành chăn nuôi mới phát triển”, ông Huy chia sẻ.
Tương tự, ông Hoàng Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Ricky Farms cho rằng, để thu hút đầu tư vào chăn nuôi, đối với những quỹ đất không thuộc vùng “cấm”, nhà nước cần tạo điều kiện cho quy hoạch chăn nuôi. Còn hiện tại, các doanh nghiệp đang vướng rất nhiều thứ, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất.
“Để tạo sức bật cho ngành chăn nuôi ở Tây Nguyên, cơ quan chính quyền cần thay đổi tư duy, đồng hành cùng doanh nghiệp chứ không chỉ dừng lại ở việc tháo gỡ các khó khăn nữa. Khi kêu gọi đầu tư, chính quyền phải có trách nhiệu với lời kêu gọi đó, hướng dẫn các doanh nghiệp thuận tiện triển khai đến lúc hoàn thành thủ tục”, ông Tùng cho biết.
Ông Đoàn Bá Quyết, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho biết, để thu hút đầu tư vào chăn nuôi, đơn vị sẽ phối hợp với các Sở, ngành, địa phương rà soát quy hoạch, bố trí quỹ đất để phục vụ xây dựng cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị. Đồng thời, xây dựng chính sách về quỹ đất để phát triển chăn nuôi nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn có lợi thế về tiềm lực tài chính, trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất và đặc biệt là tổ chức thị trường tiêu thụ sản phẩm.