| Hotline: 0983.970.780

Bất cập cơ sở giết mổ tại Đắk Lắk: Quy hoạch mỗi địa phương một cơ sở giết mổ tập trung

Thứ Năm 28/09/2023 , 07:00 (GMT+7)

Để ngành chăn nuôi giết mổ tại địa phương phát triển, Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2030, mỗi địa phương có một cơ sở giết mổ tập trung.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ nhằm đảm bảo theo quy định. Ảnh: Minh Quý.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ nhằm đảm bảo theo quy định. Ảnh: Minh Quý.

Mạnh tay kiểm tra nhưng còn nhiều bất cập

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2022, đơn vị này đã thẩm định, chứng nhận cơ sở giết mổ động vật đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với 26 cơ sở giết mổ tập trung của 10 huyện, thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã ban hành quyết định thành lập đoàn thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật đủ điều kiện an toàn thực phẩm năm 2023. Chi cục đã tiến hành kiểm tra 9 cơ sở giết mổ động vật tập trung, cấp 6 chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở đạt kết quả xếp loại A, B. Đoàn kiểm tra cũng có văn bản tạm dừng hoạt động đối với 3 cơ sở giết mổ không đảm bảo điều kiện hoạt động.

Ông Mai Xuân Lý, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngoài việc thẩm định chứng nhận cơ sở giết mổ động vật, đơn vị đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y đối với các cơ sở giết mổ, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn.

Cơ sở giết mổ động vật tập trung hầu hết đã được xây dựng từ những năm 2000, đến nay đều nằm xen kẽ trong khu dân cư, gần trường học, chợ. Các cơ sở hoạt động lâu năm không được duy tu, sửa chữa thường xuyên nên bị xuống cấp, gây ô nhiễm môi trường.

“Việc quy hoạch, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm và hoạt động sơ chế, kinh doanh sản phẩm động vật hiện nay còn nhiều bất cập, thiếu sự đồng bộ của các ban ngành. Cụ thể như việc di dời các cơ sở giết mổ nằm trong khu dân cư, quy hoạch vị trí đất đáp ứng các điều kiện để xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung hiện đại, quy mô lớn chưa được chú trọng.

Tại một số huyện, xã chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung, việc giết mổ chủ yếu diễn ra tại các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ khiến cho việc kiểm soát giết mổ chưa thực sự bảo đảm an toàn thực phẩm. Hoạt động giết mổ còn diễn ra tự phát, các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ nhiều trong khi chính quyền địa phương không quan tâm, quản lý mà chủ yếu giao cho lực lượng thú y cơ sở đảm nhiệm thực hiện kiểm soát giết mổ nên khó khăn trong kiểm soát”, ông Lý nói.

Các cơ sở giết mổ muốn di dời ra khỏi khu dân cư nhưng không có quỹ đất. Ảnh: Minh Quý.

Các cơ sở giết mổ muốn di dời ra khỏi khu dân cư nhưng không có quỹ đất. Ảnh: Minh Quý.

Theo ông Lý, công tác kiểm tra, cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm hiện nay còn có nhiều chồng chéo về văn bản, chưa có hướng dẫn cụ thể và các điều chỉnh khi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan mới được ban hành.

Cụ thể, đối với các điểm giết mổ nhỏ lẻ, Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT, việc kiểm tra vệ sinh thú y không áp dụng cho đối tượng này mà chỉ thực hiện việc ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Thông tư 17/2018/TT- BNNPTNT ngày 31/10/2018 quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN-PTNT.

Do đó, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn đến việc quy hoạch, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm và hoạt động sơ chế, kinh doanh sản phẩm động vật, có cơ chế, chính sách để di dời các cơ sở giết mổ nằm trong khu dân cư, quy hoạch vị trí đất đáp ứng các điều kiện để xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung hiện đại, quy mô.

“Hiện nay, hệ thống cán bộ chăn nuôi và thú y cấp cơ sở là lực lượng quan trọng trong triển khai, thực hiện công tác kiểm soát giết mổ tại cơ sở. Do đó, kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ hệ thống cán bộ chăn nuôi và thú y cấp cơ sở về đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực thực hiện công tác chuyên môn; được hưởng chế độ bảo hiểm y tế; tăng mức phụ cấp giúp cải thiện đời sống, giúp cán bộ chăn nuôi và thú y cấp cơ sở yên tâm công tác, phấn đấu, nỗ lực để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ”, ông Lý đề xuất.

Xây dựng chiến lược phát triển ngành chăn nuôi gắn với giết mổ

Nhằm đưa ngành chăn nuôi, giết mổ tại địa phương phát triển, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Trong đó, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo rõ UBND các huyện, thị xã, thành phố phải thực hiện Quy hoạch, bổ sung quỹ đất xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn theo Quyết định của UBND tỉnh về phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045.

Cụ thể, giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi các địa phương phấn đấu đến năm 2030, trên địa bàn mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất một cơ sở giết mổ tập trung và trên địa bàn tỉnh có nhà máy chế biến sản phẩm chăn nuôi.

Đắk Lắk định hướng đến năm 2030 mỗi địa phương có ít nhất một cơ sở giết mổ tập trung. Ảnh: Minh Quý.

Đắk Lắk định hướng đến năm 2030 mỗi địa phương có ít nhất một cơ sở giết mổ tập trung. Ảnh: Minh Quý.

Tầm nhìn đến năm 2045, 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 10% được chế biến sâu.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, để làm được việc này, tỉnh sẽ tổ chức lại hệ thống giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, công nghiệp nhằm đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi.

Địa phương này cho rằng, cùng với các chính sách khuyến khích phát triển hoạt động giết mổ tập trung, công nghiệp cần tăng cường các biện pháp quản lý đối với công tác giết mổ, nhất là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công không bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

“UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với Sở, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Ngoài ra, Sở cũng cũng kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện hằng năm và 5 năm, kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết những vấn đề phát sinh cho phù hợp với chiến lược và tình hình thực tế tại địa phương.

Khi triển khai, Sở sẽ khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu”, ông Côn nhấn mạnh.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.