| Hotline: 0983.970.780

Vị thế cây rau màu trên đất Tiền Giang

[Bài 1] - Rau màu thành cây kinh tế chủ lực

Thứ Hai 01/11/2021 , 14:08 (GMT+7)

Không chỉ nổi tiếng là 'vương quốc' trái cây, Tiền Giang còn hình thành những vùng chuyên canh rau màu lớn với hàng chục ngàn ha phát triển theo hướng an toàn, bền vững…

Khấm khá nhờ trồng diếp cá

Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi trở lại vùng chuyên canh rau huyện Châu Thành (Tiền Giang), được tận mắt chứng kiến cánh đồng rau màu trải dài xanh ngút ngàn xen bên những vườn cây ăn trái.

Sau chuỗi ngày giãn cách xã hội, nông dân đang hối hả ra đồng chăm sóc cho kịp lứa rau cung ứng thị trường cuối năm.

Sau chuỗi ngày giãn cách xã hội, nông dân đang hối hả ra ra đồng. Ảnh: Minh Sáng.

Sau chuỗi ngày giãn cách xã hội, nông dân đang hối hả ra ra đồng. Ảnh: Minh Sáng.

Dẫn chúng tôi vào thăm quan mô hình trồng rau diếp cá đang đến ngày thu hoạch, bà Phan Thị Gấm (ấp Nam, xã Nhị Bình) phấn khởi chia sẻ: “Trước kia, đây là vùng trồng lúa, chỉ có một số diện tích nhỏ trồng rau diếp cá dưới gốc cây sapo. Nhưng khi bà con thử đưa loại rau này xuống ruộng trồng thấy phát triển tốt và cho lợi nhuận cao hơn trồng lúa, từ đó đã dần hình thành vùng trồng rau diếp cá và nhân rộng diện tích trên phần đất lúa”.

Gia đình ông Nguyễn Trí Dũng, nông dân xã Nhị Bình thời điểm này cũng đang tất bật chăm sóc cho vụ rau màu cuối năm. Đã gần 20 năm qua, gia đình ông luôn duy trì trồng 4,5 công rau diếp cá dưới chân ruộng. “Nếu không dính mùa dịch covid-19 thì ruộng rau của gia đình tôi đã thu hoạch được thêm mấy đợt rồi. Từ khi bà con chuyển đổi chuyên canh rau màu thấy cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa gấp mấy lần”, ông Dũng cho biết.

Theo người dân, nghề trồng rau màu ở địa phương đã hình thành khá lâu đời, nông dân có nhiều kinh nghiệm đối với loại cây trồng này. Trước kia, vùng trồng rau của Châu Thành chỉ trồng nhỏ lẻ, chủ yếu ở các xã Thân Cửu Nghĩa, Tân Lý Tây, Tân Lý Ðông và Tam Hiệp, nhưng đến nay đã phát triển theo hướng chuyên canh tập trung với số lượng lớn ở hầu hết các xã trong toàn huyện.

Theo anh Phương, Tổ hợp tác đã được hình thành hơn một năm, đến thời điểm này số lượng tổ viên và diện tích canh tác rau đã tăng gấp đôi. Ảnh: Trần Trung.

Theo anh Phương, Tổ hợp tác đã được hình thành hơn một năm, đến thời điểm này số lượng tổ viên và diện tích canh tác rau đã tăng gấp đôi. Ảnh: Trần Trung.

Anh Nguyễn Thế Phương, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng rau diếp cá, ấp Nam, xã Nhị Bình hào hứng nói: Trước kia người dân trong xã chủ yếu trồng rau tự phát và mạnh ai lấy làm, tự tìm mối tiêu thụ, nhưng đến nay bà con đã tự nguyện tham gia vào Tổ hợp tác để trồng rau chuyên canh. Hơn nữa, rau của bà con chúng tôi còn được công ty đầu tư chuỗi liên kết theo quy trình an toàn và hỗ trợ đầu ra sản phẩm khiến bà con mừng lắm”.

Theo anh Phương, Tổ hợp tác đã được hình thành hơn một năm, lúc đầu chỉ có 20 hộ dân tham gia với khoảng 8 ha, nhưng đến thời điểm này số lượng tổ viên và diện tích canh tác rau đã tăng gấp đôi. Mới đầu đi vào trồng rau theo quy trình của công ty HK thấy cũng khó khăn vì bà con vẫn quen canh tác truyền thống, nhưng đến nay thì hầu hết diện tích rau của Tổ hợp tác đã áp dụng đúng quy trình an toàn, nâng cao được chất lượng, bà con đều an tâm sản xuất.

Rau màu là cây kinh tế chủ lực

Cánh đồng rau màu của xã Nhị Bình, huyện Châu Thành (Tiền Giang) có tổng diện tích 524 ha; trong đó rau diếp cá chiếm 160 ha trồng chuyên canh, cung ứng cho thị trường TP.HCM, các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ và miền Trung.

Sau hơn 20 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trên 500 hộ nông dân của xã Nhị Bình gắn bó với cây rau diếp cá giúp bà con có thu nhập ổn định.

Trồng rau diếp cá có ưu điểm là mỗi năm cho thu hoạch từ 4-5 vụ, với năng suất 20 tấn/ha/năm. Ảnh: Trần Trung.

Trồng rau diếp cá có ưu điểm là mỗi năm cho thu hoạch từ 4-5 vụ, với năng suất 20 tấn/ha/năm. Ảnh: Trần Trung.

Theo Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng rau diếp cá ấp Nam, trồng rau diếp cá có ưu điểm là mỗi năm cho thu hoạch từ 4-5 vụ, với năng suất 20 tấn/ha/năm. Đây cũng là loại rau dễ trồng, vốn đầu tư thấp, thu hoạch nhanh và thích nghi với vùng đất này. Sau khi cắt rau, nông dân không phải gieo sạ lại mà gốc rau tự đâm chồi, phát triển. Chỉ cần tuân thủ quy trình chăm sóc tốt thì rau sẽ đạt năng suất và chất lượng, cứ khoảng 2 tháng là cắt rau bán.

Tuy nhiên, những năm gần đây, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn cùng với dịch Covid-19 khiến người trồng rau Tiền Giang đang gặp khó khăn, đầu ra bấp bênh, giá rau bị sụt giảm. Do đó, để tháo gỡ khó khăn, địa phương đã kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết giúp nông dân vật tư, kỹ thuật và trồng rau theo quy trình. Qua đó, đã hạn chế được thiệt hại cho bà con.

Hơn nữa, cũng nhờ việc chuyển từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu đã giúp nông dân vùng chuyên canh rau Châu Thành vươn lên thoát nghèo. Theo khẳng định của lãnh đạo xã Nhị Bình, cây rau chính là cây “xóa nghèo” nhanh nhất của bà con nông dân. Đến nay, cuộc sống của người dân khấm khá, tất cả đều nhờ thu nhập từ cây rau màu. Do vậy, địa phương luôn xác định cây rau màu là cây kinh tế chủ lực và nghề trồng rau là nghề chính của bà con.

Chỉ cần tuân thủ quy trình chăm sóc tốt thì rau sẽ đạt năng suất và chất lượng, cứ khoảng 2 tháng là cắt rau bán. Ảnh: Minh Sáng.

Chỉ cần tuân thủ quy trình chăm sóc tốt thì rau sẽ đạt năng suất và chất lượng, cứ khoảng 2 tháng là cắt rau bán. Ảnh: Minh Sáng.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Đặc thù vùng đất ở xã Nhị Bình nói riêng và huyện Châu Thành nói chung rất phù hợp với loại rau diếp cá. Đến nay nhiều xã trong huyện cũng đã xây dựng được vùng trồng rau màu chuyên canh và thành lập hợp tác xã trồng rau an toàn để cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác. Đặc biệt, trong thời gian qua có sự hỗ trợ của tỉnh, đã có 13 chuỗi liên kết các hộ dân ở đây trồng rau diếp cá để chúng tôi tiến tới thành lập HTX của xã Nhị Bình”.

Theo ông Sơn, từ hiệu quả kinh tế của rau diếp cá, địa phương vận động bà con mở rộng diện tích trồng rau, hạn chế trồng các loại cây khác giá trị kinh tế thấp hơn. Thời gian qua, nhờ tham gia chuỗi liên kết, nông dân được các doanh nghiệp hỗ trợ quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng an toàn sinh học và đầu tư bao tiêu sản phẩm giúp nông dân có được đầu ra thuận lợi.

Đến nay nhiều xã trong huyện đã xây dựng được vùng trồng rau màu chuyên canh và thành lập hợp tác xã trồng rau an toàn để cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác. Ảnh: Minh Sáng.
Đến nay nhiều xã trong huyện đã xây dựng được vùng trồng rau màu chuyên canh và thành lập hợp tác xã trồng rau an toàn để cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác. Ảnh: Minh Sáng.

Đến nay nhiều xã trong huyện đã xây dựng được vùng trồng rau màu chuyên canh và thành lập hợp tác xã trồng rau an toàn để cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác. Ảnh: Minh Sáng.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang, để nông dân tổ chức lại sản xuất, mở rộng diện tích rau màu thành công, đạt hiệu quả kinh tế cao, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo thời điểm xuống giống rau màu hợp lý; sử dụng giống rau màu chất lượng F1, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa.

Đặc biệt, người trồng cần chú trọng các yếu tố như bón phân cân đối, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước và tự động hóa, lắp đặt các nhà lưới, nhà màng trồng rau màu cho phép chủ động được thời vụ sản xuất, phòng ngừa sâu bệnh hiệu quả vừa giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế từ cây rau màu cho nông hộ.

Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh phát triển các loại hình kinh tế hợp tác trên lĩnh vực trồng rau màu nhằm tập hợp nông dân, tiến tới liên kết theo chuỗi giá trị nhằm giải quyết ổn định đầu vào và đầu ra nông sản hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa phát triển sản xuất bền vững nói chung.

"Rau diếp cá là loại rau gia vị được dùng rất nhiều trong bữa ăn gia đình, cũng như các nhà hàng quán ăn. Qua đợt khảo sát này, bên Nông sản ngon 3 Miền sẽ nhanh chóng đưa trực tiếp sản phẩm này đến tay người tiêu dùng. Để thu mua các sản phẩm, yêu cầu bà con phải đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất, cũng như sản lượng để doanh nghiệp chúng tôi có thể bao tiêu được", ông Hà Ngọc Trung, Giám đốc Công ty CP Nông sản ngon 3 miền nói.

"Công ty chúng tôi hỗ trợ bà con trồng rau ở đây về quy trình sản xuất, giá thành sản phẩm, không tính lãi, hỗ trợ bà con cuối vụ mới thu tiền. Quan trọng là sản phẩm phải sạch, sản xuất theo quy trình hẳn hoi và người nông dân phải tuôn thủ yêu cầu sản xuất đã đề ra. Lúc đó chúng tôi mới tự tin đăng ký cung ứng cho những doanh nghiệp thu mua", ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH TM HK khẳng định.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất