| Hotline: 0983.970.780

Khí thế mới trên ruộng đồng:

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng đại dịch Covid - 19

Thứ Ba 19/10/2021 , 09:14 (GMT+7)

Là huyện thường xuyên chịu tác động hạn mặn, Gò Công Tây (Tiền Giang) đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng thiên tai và vượt qua khó khăn đại dịch Covid-19.

Đa dạng hóa cơ cấu giống cây trồng

Xen lẫn những ruộng lúa chín vàng là những thửa rau màu xanh ngút ngàn, những khu nhà màng nhà lưới được đầu tư quy mô bài bản không khác gì một 'Đà Lạt thu nhỏ'. Ảnh: Minh Sáng.

Xen lẫn những ruộng lúa chín vàng là những thửa rau màu xanh ngút ngàn, những khu nhà màng nhà lưới được đầu tư quy mô bài bản không khác gì một “Đà Lạt thu nhỏ”. Ảnh: Minh Sáng.

Theo phòng NN-PTNT huyện Gò Công Tây, từ khi bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, ngành nông nghiệp địa phương đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của nông dân địa phương nỗ lực vượt qua khó khăn để duy trì và khôi phục lại sản xuất trong cuộc sống bình thường mới.

Bà con nông dân phấn khởi thu hoạch rau. Ảnh: Trần Trung.

Bà con nông dân phấn khởi thu hoạch rau. Ảnh: Trần Trung.

Cùng với chuyển đổi cây trồng, nhiều nông dân HTX đã áp dụng phương thức sản xuất cuốn chiếu, rải vụ, chia nhỏ diện tích, đa dạng cơ cấu cây trồng... Bà Phan Thị Gấm, thành viên hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Hòa Thạnh cho biết, trước đây, gia đình bà chỉ trồng duy nhất rau cải thìa và thường xuống giống đồng loạt trên toàn bộ diện tích vườn. Bây giờ, ngoài cải thìa, bà trồng thêm một số loại rau, củ khác, như: dưa leo, khổ qua, bầu, bí...

Theo tính toán của bà Gấm, gia đình bà chỉ sản xuất phân nửa diện tích nhằm tránh nguy cơ dội hàng, dội chợ, hơn nữa cũng nên cho đất đai được nghỉ ngơi, tái tạo dinh dưỡng cho những vụ sau. Trường hợp nếu không bán được hàng thì thiệt hại cũng chỉ bằng một nửa so với trồng toàn bộ diện tích. Mặt khác, việc trồng đa dạng các loại rau, củ còn giúp cho khách hàng có thêm nhiều sự chọn lựa và đầu ra sản phẩm cũng thuận lợi hơn.

Bà Phan Thị Gấm (áo sọc caro) chuẩn bị rau màu giao cho thương lái. Ảnh: Minh Sáng.

Bà Phan Thị Gấm (áo sọc caro) chuẩn bị rau màu giao cho thương lái. Ảnh: Minh Sáng.

“Mặc dù hiện nay giá các loại rau vẫn thấp hơn so với thời gian trước khi xảy ra dịch, nhưng việc áp dụng phương thức sản xuất cuốn chiếu, rải vụ, chia nhỏ diện tích, đa dạng cơ cấu cây trồng đã giải quyết được vấn đề đầu ra khá ổn định. Bởi đây là hàng hóa thiết yếu, có thể lưu thông và tiêu thụ được cả trong vùng dịch, giúp bà con chúng tôi giảm bớt khó khăn, thiệt hại”, bà Gấm chia sẻ.

Mở rộng các mô hình thâm canh

Tiền Giang là một trong những tỉnh chịu tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là xâm nhập mặn vào mùa khô. Tuy nhiên, theo khảo sát của ngành nông nghiệp địa phương, các loại rau màu thực phẩm trồng trong vụ Đông Xuân năm 2020 - 2021 đều đạt năng suất cao và mang lại lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa.

Tiền Giang tổ chức lại sản xuất, cơ cấu hợp lý cây trồng và mùa vụ sản xuất theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: Trần Trung.

Tiền Giang tổ chức lại sản xuất, cơ cấu hợp lý cây trồng và mùa vụ sản xuất theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: Trần Trung.

Đây là một trong những yếu tố thuận lợi trong việc khuyến khích nông dân tổ chức lại sản xuất, cơ cấu hợp lý cây trồng và mùa vụ sản xuất theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai trong tương lai đối với những địa bàn khó khăn.

Việc chuyển đổi này vừa tạo nguồn nông sản hàng hóa có giá trị cung ứng thị trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thêm thu nhập cho bà con.

Tiền Giang đang tích cực chuyển đổi hàng ngàn ha đất trồng lúa ở những địa bàn khó khăn, xa nguồn nước hoặc không có nguồn nước bơm tát phục vụ sản xuất, có nguy cơ thiệt hại sang trồng các loại rau màu. Ảnh: Minh Sáng.

Tiền Giang đang tích cực chuyển đổi hàng ngàn ha đất trồng lúa ở những địa bàn khó khăn, xa nguồn nước hoặc không có nguồn nước bơm tát phục vụ sản xuất, có nguy cơ thiệt hại sang trồng các loại rau màu. Ảnh: Minh Sáng.

Với định hướng trở thành vùng trồng rau màu an toàn trọng điểm của tỉnh, các huyện, thị vùng ngọt hóa Gò Công như Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công đang tập trung thế mạnh trồng rau màu an toàn VietGAP; hình thành các HTX kiểu mới liên kết nông dân, ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học - công nghệ trong thâm canh để nâng chất lượng rau màu, đảm bảm an toàn và truy xuất nguồn gốc.

Trao đổi với NNVN, ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, các huyện và thị xã Gò Công sẽ chuyển đổi 3.290 ha ruộng ở những vùng không có nguồn nước tưới sang trồng các loại cây như rau, củ, quả, cây lâu năm, cỏ làm thức ăn cho gia súc.

“Để hỗ trợ cho những thay đổi này, tỉnh đã hoàn thành nhiều dự án xây dựng, chuyển giao kỹ thuật thâm canh và mở rộng các mô hình canh tác mới hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện, tỉnh Tiền Giang đang có kế hoạch xây dựng thêm các công trình giao thông, thủy lợi để phục vụ sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển nông sản. Các công trình sẽ thiết lập lịch trình canh tác cụ thể cho rau màu và các loại cây trồng khác để sử dụng nguồn nước hiệu quả và ngăn ngừa ô nhiễm”, ông Võ Văn Lập chia sẻ.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.