| Hotline: 0983.970.780

Môi trường nuôi trồng thủy sản ở Thanh Hóa bị đe dọa nghiêm trọng

Bài 1: Cá chết trắng sông, ngao phơi đầy bãi, nước giếng không an toàn

Chủ Nhật 04/07/2021 , 08:01 (GMT+7)

Môi trường nuôi trồng thủy sản tại Thanh Hóa đang bị đe dọa nghiêm trọng, người nuôi thường xuyên hứng chịu thiệt hại.

Từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4/2021, hàng chục tấn cá lồng nuôi và các loài thủy sản trên sông Mã, đoạn đi qua huyện Bá Thước chết trắng dòng. Đây không phải là lần đầu cá trên đoạn sông này bị chết và hoạt động nuôi trồng thủy sản trên sông Mã rơi vào cảnh điêu đứng.

Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Bá Thước trắng tay do cá lồng bị chết hàng loạt trong nhiều năm qua. Ảnh: VD.

Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Bá Thước trắng tay do cá lồng bị chết hàng loạt trong nhiều năm qua. Ảnh: VD.

Trước đó, vào tháng 4 năm 2020, hàng tấn cá lồng nuôi trên sông Mã đoạn đi qua địa phương này cũng chết trắng. Cơ quan chức năng chỉ kết luận, cá chết không phải do dịch bệnh nhưng không lý giải nguyên nhân cụ thể.

Thủ phạm gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi trồng thủy sản khiến cá chết hàng loạt không được chỉ đích danh nên hàng chục hộ nuôi cá lồng phải cắn răng gánh hậu quả.

Người dân ở đây khẳng định, trước mỗi thời điểm cá chết, nước sông Mã đen kịt, bốc mùi hôi thối. Họ cho rằng, môi trường nước sông Mã đã ô nhiễm nghiêm trọng là nguyên nhân chính khiến cá và các loài thủy sản năm nào cũng chết. Đây là hệ quả tất yếu của việc xả thải vô tội vạ của hàng chục xưởng chế biến tre luồng nằm ven sông Mã tại các huyện Quan Hóa, Bá Thước.

Trong khi người dân bức xúc, chính quyền địa phương cũng chịu sức ép không nhỏ. Tại thời điểm cá chết, một lãnh đạo UBND thị trấn Cành Nàng (huyện Bá Thước) cho biết, cứ cá chết là người dân lại kéo lên UBND thị trấn kêu ca, yêu cầu làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, UBND thị trấn cũng không thể có câu trả lời thỏa đáng nên chỉ còn cách động viên bà con trở về “cứu cá”.

Nhiều hộ phải bơm nước, cấp nguồn ô xi để cứu cá trong vô vọng. Ảnh: VD.

Nhiều hộ phải bơm nước, cấp nguồn ô xi để cứu cá trong vô vọng. Ảnh: VD.

Còn đại diện UBND huyện Bá Thước cho biết, do chưa tìm ra nguyên nhân, chưa quy trách nhiệm cho cá nhân, tổ chức nào nên không có cơ sở để hỗ trợ, đền bù thiệt hại. Vì vậy, UBND huyện Bá Thước tính đến phương án trích một phần ngân sách để hỗ trợ người dân bớt phần khó khăn.

Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã lấy mẫu nước giếng khơi của một số hộ dân ven sông Mã đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy, nguồn nước giếng khơi này cũng bị ô nhiễm, nước sinh hoạt của người dân không còn an toàn.

Những sự cố liên tiếp về môi trường nước trên sông Mã, đoạn đi qua huyện Bá Thước đã khiến đề án phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Bá Thước gần như phá sản. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm giảm niềm tin của người dân vào tính công minh trong xử lý sự cố môi trường của chính quyền các cấp và ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa.

Cùng thời gian trên, vào ngày 16/3/2021, hiện tượng cá chết cũng xẩy ra trên sông Chu, đoạn qua huyện Thọ Xuân khiến nhiều hộ nuôi cá lồng thiệt hại nặng. Theo người dân, trước khi cá chết, nước sông cũng đen kịt và nổi bọt trắng. Người dân ở đây cũng cho rằng, nguyên nhân là do một số nhà máy mía đường, tinh bột sắn trên địa bàn xả thải làm ô nhiễm môi trường nước khiến cá chết hàng loạt.

Thời điểm cá chết, nước sông Mã ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: VD.

Thời điểm cá chết, nước sông Mã ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: VD.

Không lâu sau, vào các ngày 1-2/4, tại khu vực vụng Ngọc, xã Nghi Sơn và các phường, xã Hải Thượng, Hải Hà, Hải Thanh (Thị xã Nghi Sơn) xảy ra hiện tượng cá lồng nuôi bị chết. Người nuôi phải thu hoạch sớm gần 28 tấn cá các loại; có 55 hộ bị ảnh hưởng, trong đó 32 hộ bị ảnh hưởng nặng nề. Cơ quan chức năng phải tiêu hủy gần 2 tấn; cá nuôi của bà con bị chết hơn 1 tấn; một số lượng lớn cá bị yếu bà con phải chủ động thu hoạch sớm, tiêu thụ bán với giá rẻ.

Trong khi đó, tại các xã, phường ven biển cá tự nhiên chết được nhân dân vớt lên gần 180 kg.

Bài liên quan

Trước đó, vào cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/2021, các vùng nuôi của phường Hải Châu, Hải Ninh (thị xã Nghi Sơn) ngao chết trắng bãi.

Theo khảo sát của PV NNVN, tại vùng nuôi ngao của người dân Hải Châu, Hải Ninh, một mương nước dẫn từ trong đê chảy ra, ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi người dân hoang mang, không hiểu vì sao ngao chết thì cơ quan chức năng kết luận, ngao chết là do mật độ nuôi quá dày, sự cạnh tranh thức ăn lớn khiến sức đề kháng giảm sút, khi gặp thời tiết bất thuận sẽ bị chết.

Điều đáng nói, hiện tượng ngao chết hầu như năm nào cũng xảy ra tại các vùng nuôi ngao thuộc các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Quản Xương và thị xã Nghi Sơn.

Những sự việc nêu trên đặt ra câu hỏi, nguyên nhân vì sao các loài thủy sản nuôi sông, nuôi biển tại Thanh Hóa năm nào cũng chết. Vì sao cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa vẫn không giải quyết vấn đề một cách có trách nhiệm?

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.