| Hotline: 0983.970.780

Nhật đã bỏ dở dự án trục vớt 126 tàu đắm tại Việt Nam ra sao? [Bài 1] Danh sách tàu đắm in trên tờ giấy pơ luya đã ngả vàng

Thứ Ba 07/02/2023 , 08:35 (GMT+7)

Trong Thế chiến thứ hai, ít nhất 126 tàu Nhật bị đắm tại Việt Nam, ngoài một số đã khai thác trước 1975 thì năm 1997 có dự án trục vớt quy mô được cấp phép.

Đống tài liệu hơn 20 năm ngủ quên trong kho

Một dịp tình cờ, tôi phỏng vấn TS Ngô Kiều Oanh - chuyên gia về hệ thống nông nghiệp tại nhà riêng của bà. Chuyện rông chuyện dài, chẳng biết vì cớ gì mà bà lại nhắc đến chuyện cách đây ngót 30 năm mình đã làm trợ lý cho người Nhật trong dự án tìm kiếm, trục vớt 126 con tàu Nhật bị Mỹ đánh bom chìm trong Thế chiến thứ hai.

Để chứng thực cho những điều mình nói, bà lôi trên gác xuống tập tài liệu được đóng cẩn thận, trong đó có mấy tờ giấy pơ luya đã ngả vàng, trong đó có dòng chữ bằng tiếng Anh “List of the sunken vessel in territorial water of the socialist republic of Viet Nam” tức danh sách tàu thuyền chìm trong lãnh hải nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Bên dưới danh sách đó có in dòng chữ "Nippon ocean works co.Tokyo, Japan" tức Công ty làm về những việc liên quan đến hàng hải Nippon, đóng trụ sở ở Tokyo, Nhật Bản.

Empty

TS Ngô Kiều Oanh bên tập tài liệu về tàu Nhật bị đắm hồi Thế chiến thứ hai ở vùng biển Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi xem lướt qua rồi gần như quên bẵng đi chuyện ấy. Vừa rồi được một người quen sơ gửi cho hàng loạt các bức ảnh đen trắng rất rõ nét, chụp gần, chụp xa về đoàn tàu của Nhật bị Mỹ bỏ bom, đánh chìm ở trên biển Việt Nam hồi Thế chiến thứ hai, câu chuyện với TS Ngô Kiều Oanh lại chợt sống dậy trong đầu. Sau 2 năm bị phong tỏa do Covid-19, tôi tìm đến gặp bà. Cả tiếng đồng hồ, ba người gồm tôi, bà cùng cô trợ lý đã lục tung cái kệ mà trước đó 2 năm có để tập tài liệu về dự án trục vớt đoàn tàu Nhật bị chìm nhưng không thấy tăm hơi gì.

Bà bảo, vừa rồi có thể con trai hay các nhân viên đã dọn dẹp và cất chúng ở đâu mất rồi. Đang cơn chán nản, thì chợt trong đống tài liệu ngồn ngộn ấy bỗng lấp ló ra mấy tờ giấy pơ luya đã ngả vàng. Bà nói như reo lên: “Đây rồi”.

Nhìn tập giấy mỏng tang, tôi bảo, nó không giống tập tài liệu dày cộm lần trước mình đã được xem. Thế rồi bà dẫn tôi vào cái kho, trong đó là hàng loạt những thùng carton chất kín ở trên kệ. Đang hì hục bê đại một cái thùng nặng trịch xuống, bỗng một luồng nước bắn phọt vào mặt, lạnh toát, khiến cho tôi rùng mình bởi không biết là nước đái chuột hay là nước gì. Dưới đáy thùng, nước đã thấm loang lổ từng vệt, nhưng may sao khi mở ra, nhờ được đóng trong tấm bìa bằng nhựa cứng nên tập tài liệu hoàn toàn an toàn.

DSC_5211

Danh sách tàu Nhật bị đắm hồi Thế chiến thứ hai tại vùng biển Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Danh sách các “maru” (tiếng Nhật có nghĩa là tàu) bị đắm trên thềm lục địa Việt Nam vẫn còn hiện lên rất rõ nét gồm tên, trọng tải, sở hữu của công ty nào, năm bị đắm, tọa độ đắm, phân loại là cargo (tàu vận tải) hay là tanker (tàu chiến). Những trang giấy cả đánh máy lẫn viết tay sực lên mùi ẩm mốc lưu cữu giúp cho TS Ngô Kiều Oanh như lội ngược lại dòng ký ức, trở về thời cách đây gần 30 năm.

Bà kể: “Câu chuyện ban đầu rất đơn giản là sau khi học xong ở Liên Xô về nước, tôi làm việc ở Ban Điều khiển học sau đó là Giám đốc Chương trình Thông tin quy hoạch vùng và tài nguyên môi trường thuộc Trung tâm Thông tin Tư liệu của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam. Tính tôi ưa lang thang, thích các đề tài nghiên cứu thực tiễn để áp dụng luôn cho các địa phương các kết quả khoa học.

Năm 1992, tôi mới đẻ đứa út, người còn đang rất yếu nhưng được các anh ở tỉnh Hà Tây cũ mời viết cho họ một dự án bảo vệ môi trường và giải tỏa ách tắc tại khu vực chùa Hương. Hồi ấy, ách tắc từ động Hương Tích đến tận thị trấn Tế Tiêu của huyện Mỹ Đức dài hàng chục km, thậm chí còn xảy ra cả tình trạng đánh nhau, chết người vì nạn tranh giành khách.

Empty

Danh sách tàu Nhật bị đắm hồi Thế chiến thứ hai tại vùng biển Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong quá trình viết dự án, tôi luôn khấn thầm, ao ước được gặp một nhà đầu tư để thực hiện nó, mà nhất là người Nhật. Đem ao ước đó, tôi nói với văn phòng của Viện Khoa học Việt Nam và được một công ty trực thuộc Viện giới thiệu cho một đối tác Nhật. Thấy tôi trình bày dự án một cách đam mê, họ đã cho tiền để thực hiện một bộ phim về môi trường ở chùa Hương. Người Nhật có cái hay là khi mình làm có uy tín thì họ sẽ giới thiệu cho những người khác nữa để hợp tác.

Thế rồi tự nhiên một hôm, khoảng năm 1996 gì đó, có một ông người Nhật là ông Toshio Hidaka-Chủ tịch Trung tâm Đầu tư Châu Á đến tìm tôi, đặt vấn đề. Từ lâu họ đã quan tâm đến việc trục vớt những con tàu đắm của Nhật hồi chiến tranh thế giới thứ hai tại thềm lục địa của Việt Nam, trước khi đắm các tàu này đều đã phát tín hiệu về, báo rõ tọa độ. Giờ người Việt có muốn trục vớt cùng người Nhật không, nếu muốn thì bà hãy giới thiệu cho chúng tôi một đầu mối...

Hồi đó, đoàn tàu của Nhật Bản khi đi qua vùng biển Đông Nam Á bị máy bay đồng minh phát hiện nên chạy vào vùng biển Việt Nam để trú hoặc bị đánh thương rồi chạy vào, trước khi đắm đều có phát tín hiệu về. Bởi thế, phía Nhật nắm rất chắc tàu nào chở cái gì, và tọa độ ở đâu. Tuy nhiên, họ chỉ báo tọa độ của các con tàu bị đắm cho chúng tôi mà thôi.

Tôi chấp nhận phần bởi người Nhật đã giúp mình trong dự án bảo vệ môi trường và quy hoạch chống ách tắc ở chùa Hương, phần bởi lúc đó bản thân đang còn nghèo, muốn tư vấn cho họ để có chút tiền. Tôi tìm đến Bộ Giao thông và Vận tải thì được giới thiệu Xí nghiệp Liên hiệp Trục vớt Cứu hộ Visal, có trụ sở ở 360 Hai Bà Trưng, quận 1, TP Hồ Chí Minh”.

Empty

Máy bay ném bom B25 của Mỹ do trung úy Francis Thompson lái, thuộc phi đội 499, phi đoàn 345 tấn công tàu tuần tra Nhật Bản ở biển Đông, Việt Nam. Ảnh: Tư liệu.

Những đợt tìm kho báu trên tàu Nhật chìm trước năm 1975

Câu chuyện của bà Ngô Kiều Oanh khiến cho tôi lục lọi lại các tài liệu ít ỏi ở trên mạng, qua đó được biết, ngay từ thời Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam đã râm ran chuyện trục vớt những chiếc tàu đắm của Nhật rồi.

Năm 1964, ông Đoàn Văn Khinh, quê tỉnh Quảng Nam đã có tờ trình xin Trung tướng Nguyễn Khánh cho mình trục vớt những con tàu Nhật Bản bị đắm ở vùng biển Việt Nam để tìm báu vật: “Kính xin trung tướng, cho phép tôi được khai thác số bảo vật lên đến hàng trăm triệu USD trong những con tàu Nhật Bản bị đắm ở vùng biển từ Quảng Nam đến Phú Yên, trước để giúp cho chính phủ thêm ngân khố, sau để hiến vào công sản quốc gia một khoản không nhỏ”.

Một trường hợp khác, ông Tôn Thất Tấn - thương nhân tại Đà Nẵng cũng làm đơn gửi Trung tướng Nguyễn Khánh xin khai thác kho báu từ tàu Nhật. Nội dung đơn có kể thêm rằng năm 1958, ông này trong một chuyến đi biển cùng nhiều người Nhật có “máu mặt” đã được họ chỉ cho trên bản đồ vị trí của 158 con tàu Nhật bị máy bay Mỹ và đồng minh đánh chìm trong chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó có 5 con tàu chở vàng bạc, châu báu.

29/3/1945 – máy bay North American B-25 Mitchell ném bom khu trục hạm Nhật Bản đang hộ tống 18 tàu hàng ở ngoài khơi Quy Nhơn. Ảnh: Tư liệu.

29/3/1945 – máy bay North American B-25 Mitchell ném bom khu trục hạm Nhật Bản đang hộ tống 18 tàu hàng ở ngoài khơi Quy Nhơn. Ảnh: Tư liệu.

Chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng tỏ ra quan tâm đến vấn đề này, bởi nếu tìm được sẽ là nguồn bổ sung thêm kinh phí vào cỗ máy chiến tranh đang đến hồi khốc liệt nhưng họ chưa có những nỗ lực đủ mạnh để theo đuổi nó đến cùng. Còn người Nhật, trong thập niên 60 đó đã cử các đoàn chuyên viên thống kê ngư nghiệp đến Quảng Nam, Đà Nẵng.

Dư luận đồn rằng một mặt họ nghiên cứu các loại tàu thuyền bản địa, tìm luồng cá, khảo sát ngư cụ truyền thống của người Việt, một mặt rốt ráo dò hỏi những thông tin liên quan đến đoàn tàu vỏ sắt của Nhật bị đắm ngoài khơi từ chiến tranh thế giới lần thứ hai, về những xác tàu đắm có hình dáng kỳ lạ, khác với tàu đánh cá, tàu hàng thông thường.

Empty

Đoàn máy bay Mỹ bay qua bờ biển Việt Nam để trở về tàu sân bay sau khi ném bom tàu Nhật hồi thế chiến thứ hai. Ảnh: Tư liệu.

Mọi sự bắt đầu vào cuối chiến tranh thế giới lần thứ hai, biết được thế cuộc sắp tàn, vị tướng nổi tiếng của Nhật là Yamashita đã chỉ huy đoàn tàu thủy gồm hơn 100 chiếc chở của cải vơ vét được từ các nước thuộc địa tại Đông Nam Á cấp tốc về Nhật Bản. Nguyên nhân mà Yamashita chọn hướng đi của đoàn tàu ven biển Việt Nam là bởi nghĩ sẽ tránh được các tàu của đồng minh, được hỏa lực pháo bờ biển trên bờ của Nhật chi viện, bảo vệ. Nhưng trong thực tế, nó không thể tránh được sức mạnh từ những chiếc máy bay ném bom hiện đại của Mỹ.

Người ta còn đồn rằng dự án trục vớt tàu Nhật đắm chỉ là cái cớ. Bởi lẽ, lợi ích khi vớt lên mỗi con tàu hàng chở ngàn tấn thiếc hay cao su chưa đủ sức thu hút mà cái chính là người Nhật muốn tìm 4-5 con tàu chở vàng, bạc, kim cương… đang nằm sâu dưới dưới đáy biển Việt Nam, chỉ phía họ mới biết chính xác tọa độ.

Xem thêm
Chủ tịch nước Lương Cường thăm chính thức CH Peru, dự Tuần lễ cấp cao APEC

Sau khi kết thúc chuyến thăm chính thức Chile, sáng 13/11, Chủ tịch nước Lương Cường bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Peru và dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn APEC 2024.

Cây bưởi góp phần xây dựng nông thôn mới ở Thượng Mỗ

Cách đây 30 năm một số nông dân xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội đã tiên phong trong việc mang giống bưởi Diễn về trồng thử ở quê mình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

200 hộ dân bị cô lập do ngập cầu tràn

Sự cố ngầm tràn bị ngập do mưa lớn khiến 200 hộ dân bị cô lập, chính quyền địa phương đã cử người túc trực, không để dân qua lại nhằm đảm bảo an toàn.