Cảnh ảm đạm ở “làng chài tỷ phú”
Làng chài Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từng được biết đến với những danh xưng: làng chài tỷ phú hay làng chài giàu nhất nước. Ở làng chài có tuổi đời hơn 300 năm này, thu nhập bình quân đầu người đã từng đạt mức trên 2.500 USD/năm (2004). Thu nhập tương đối cao so với mặt bằng chung, giúp người dân có cuộc sống no đủ, khấm khá.
Thế nhưng, đó là câu chuyện trước đây. Quay trở lại Phước Tỉnh vào giữa tháng 4/2023, nhóm phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam khá bất ngờ bởi nơi đây không còn cảnh nhộn nhịp ghe tàu.
Tiếp chuyện chúng tôi, ông Phan Thạch - Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh bộc bạch, từ rất lâu địa phương không còn dám nhận danh xưng “làng chài tỷ phú”. Những năm gần đây, nghề khai thác thủy sản xa bờ đối với Phước Tỉnh dần mai một. Sau năm 2005 đến thời điểm này thì người dân càng ngày càng rơi vào khó khăn.
"Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do những năm gần đây, nguồn tài nguyên thiên nhiên biển đang cạn kiệt. Thứ hai là dầu và giá nhiên liệu phục vụ cho ngành nghề khai thác ngày càng tăng cao. Cho nên, mỗi chuyến đi biển, lỗ càng thêm lỗ”, ông Thạch cho biết.
Tại cảng thủy sản Hưng Thái, theo quan sát của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, chỉ có khoảng 5 trong tổng số hơn 600 tàu thuyền đang chuẩn bị vươn khơi. Trong suốt 3 năm nay, nhiều chủ thuyền ở đây chơi trò may rủi: Chuyến trước lỗ, lại hy vọng vào chuyến sau. Nhưng thực tế cứ đi là lỗ vì mỗi chuyến ra khơi dài ngày đánh bắt cũng chẳng được gì, lỗ càng lỗ, nợ mẹ gánh nợ con!
Ở Phước Tỉnh, không ai không biết đến ông Hùng (tên nhân vật đã được thay đổi). Nhắc đến ông, người ta không khỏi ngậm ngùi bởi những nốt thăng trầm nghiệt ngã. Trước năm 2005, ông là chủ đội thuyền với hơn 10 chiếc, việc đánh bắt hải sản xa bờ cho ông cuộc sống xa hoa. Thế nhưng giờ đây, bão giá và sự khan hiếm tài nguyên biển lại đẩy ông xuống đáy của xã hội. Cay đắng, ông Hùng của hiện tại né tránh tất cả, bòn mót những thứ có thể ăn được để sống qua ngày.
Thống kế của UBND xã Phước Tỉnh, chỉ tính riêng lượng tàu cá trên 15m thì tại địa phương có gần 900 tàu. Tuy nhiên, từ sau thời điểm dịch Covid-19 thì chỉ khoảng 70% lực lượng tàu thuyền đủ kinh phí để vươn khơi. Trong đó, chỉ có khoảng 30% tàu thuyền là có lãi đến huề vốn sau mỗi chuyến vươn biển.
Ngư dân Trần Ngọc Phương (ấp Phước Thắng, xã Phước Tỉnh) cho biết, từ sau tết Nguyên đán đến nay, đội tàu đánh bắt xa bờ chỉ thu được lượng hải sản khá khiêm tốn.
"Có khi cặp tàu về bán được 53 triệu đồng tiền cá, mực. Trong khi, chi phí một chuyến biển tới 1,5 tỷ đồng/cặp tàu. Chúng tôi lỗ nặng, phải cho tàu nằm bờ”, ông Phương nói.
Ngoài giá cả nhiên liệu tăng cao, nguồn tài nguyên biển dần cạn kiện,… nguồn lao động dần thiếu hụt cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình cảnh ở các làng chài của huyện Long Điền ngày thêm ảm đạm.
Là người làm nhiều năm trong nghề đánh bắt xa bờ, ngư dân Nguyễn Văn Nhỏ (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cho biết: Nếu xuất phát ra biển, đánh bắt hải sản thì đòi hỏi phải có nhân công, thuyền viên là lao động trên tàu. Tuy nhiên, từ năm 2021 - dịch bệnh Covid-19 xảy ra thì số công nhân lao động làm thuyền viên không còn nhiều ở địa phương nữa, họ dần lên bờ tìm kiếm sinh nhai.
"Đến khi hoạt động trở lại thì lao động đã có những việc làm trên bờ ổn định, do đó chủ phương tiện thiếu hụt nguồn lao động. Nếu có đủ lượt lao động hoạt động trên biển thì đòi hỏi phải có vốn đầu tư rất cao. Trung bình nếu một cặp ghe ra khơi thì chủ phương tiện phải có ít nhất 1 -1,5 tỷ đồng tiền mặt. Đó là số tiền rất lớn trong giai đoạn đầy khó khăn này”, ông Nhỏ phân tích.
Cũng theo nhiều chủ tàu có mặt tại cảng thủy sản Hưng Thịnh, họ cũng gặp nhiều trường hợp dở khóc dở cười như trước mỗi chuyến ra khơi đều phải ứng trước tiền công cho lao động, có khi đến ngày tàu xuất bến họ đem theo tiền ứng trốn đi, gây thiệt hại rất lớn cho chủ tàu…
“Gọi Hồ Đại - 100 thúng” - những lời rao xót xa
Dọc bờ biển địa bàn ấp Phước Hiệp - xã Phước Tỉnh là bãi "nghĩa địa" tàu cá tiền tỉ ngổn ngang. Những con tàu từng được xem là cả “gia tài” của nhiều gia đình ngư dân ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền. Tuy nhiên, chúng đang bị bỏ quên, vứt xó…
Những con tàu này có giá trị hàng tỉ đồng, là "cần câu cơm" duy nhất của ngư dân nơi đây. Từ chỗ, cá tôm đầy khoang đầy ắp sau mỗi chuyến đi, đến nay chúng đành chịu phơi nắng mưa, nằm vùi cát suốt 3 năm nay. Phơi nắng mưa lâu năm, nhiều con tàu này chỉ còn trơ bộ khung, rệu rã thành từng mảng nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Phần lớn những chiếc thuyền này còn hoạt động rất tốt nhưng do chủ tàu không đủ kinh phí để ra khơi nên đành neo đậu. Nhiều chủ tàu "nằm chờ thời" với hi vọng mong manh có thể tiếp tục vươn khơi bám biển, số khác lại bán phế liệu các thiết bị máy móc.
Theo ông Phan Thạch, xã có khoảng 290 hộ có tàu đánh bắt xa bờ, hiện có khoảng gần 20 chủ tàu rao bán phương tiện, có người rao bán 4 - 6 phương tiện, có người rao bán tháo cả đội tàu 10 phương tiện để lên bờ tìm kế sinh nhai.
Ở đây, người ta không gọi bán tàu thuyền. Thuật ngữ chính xác mà các chủ tàu hay dùng là “xẻ tàu bán ve chai”. Bởi, làm gì có thương vụ buôn bán nào rẻ mạt như vậy, mua tàu với giá hàng chục tỷ đồng nhưng bán chỉ cầu mong được vài trăm triệu. Ấy thế, có còn hơn không, hầu hết các chủ tàu cầu mong vớt vát được vài trăm triệu ấy để… trả nợ.
Hành nghề đi biển đã hơn 30 năm với một cặp tàu đánh bắt xa bờ, ngư dân Trần Văn Thủ (sinh năm 1964 - ấp Phước Lợi, xã Phước Tỉnh) từng có cuộc sống khấm khá. Mới đây, ông Thủ phải ngậm ngùi, cắn răng bán cặp ghe trị giá gần 10 tỷ đồng của mình với giá chưa tới 600 triệu đồng. Số tiền ấy không đủ thấm vào đâu so với những khoản nợ sau những chuyến đi biển… trống khoang.
“Mình phải bán thôi. Biển không còn tôm cá, giá dầu quá cao, nhân công cho mỗi chuyến đi biển cũng tốn 12-15 triệu đồng. Tàu cũng đã bán, nợ cũng chưa trả xong. Bây giờ không biết làm gì ra một ngàn đồng hết”, ông Thủ ngậm ngùi.
Thế nhưng, theo những ngư dân tại Phước Tỉnh, thương vụ bán tàu như của ông Thủ vẫn còn… "được giá". Bởi, có hàng chục tàu thuyền tại địa phương này gọi bán nhưng chẳng ai thèm mua, đành nằm phơi mình, đắp cát.
“Gọi Hồ Đại - 100 thúng” là lời rao bán thuyền khiến chúng tôi ấn tượng mạnh. Không bảng hiệu, nó chỉ được chủ thuyền viết vội bằng sơn trắng. 100 thúng ở đây được người dân giải thích là giá trị 100 triệu đồng mà chủ khao khát bán thuyền. Nhưng, chưa một lời hồi âm, con thuyền ấy ngày một mục nát, chỉ còn lại bộ khung rệu rã.
Hoặc oái oăm thay, có nhiều chủ thuyền ở thế “tiến thoái lưỡng nan” khi mà bán thuyền thì sợ các chủ nợ kéo nhau đến đòi tiền, mà để lâu ngày thì “lãi mẹ đẻ lãi con”. Họ buộc rời quê hương tìm kế sinh nhai hoặc trốn nợ! Còn những chủ nợ, nhìn những con thuyền vùi cát, họ cũng như đang chết mòn. Chưa kể, những người trông nom tàu thuyền với mức giá từ 100.000 - 150.000 đồng/ngày, họ cũng vô vọng sau những công sức mình bỏ ra.