| Hotline: 0983.970.780

Ngăn chặn đánh bắt vi phạm IUU:

Vi phạm IUU, chủ tàu mất cả chì lẫn chài

Thứ Tư 21/09/2022 , 06:45 (GMT+7)

Chủ tàu cá vi phạm bị nước ngoài bắt giữ khiến nỗi khổ nhân đôi, vừa bị mất tài sản, bản thân bị tù tội, lại phải bỏ tiền để đưa thuyền viên về nước.

Bỗng chốc trắng tay

Ngày 1/8/2022, Sở Ngoại vụ Bình Định bất ngờ nhận được Công văn số 2894/LS-QBHCD của Quỹ bảo hộ công dân và Pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài (Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) về việc thanh toán chi phí hỏa táng ngư dân Nguyễn Đào (SN 1970) chết ở Pontianak (Indonesia).

Công văn cho biết: Ngư dân Nguyễn Đào quê ở xã Bình Đông (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), vào Bình Định đi bạn trên tàu cá mang số hiệu BĐ 93277 TS do bà Nguyễn Thị Sang ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định) làm chủ tàu, chồng là Trương Văn Cường (SN 1968) ở cùng địa phương làm thuyền trưởng. Vào ngày 8/4/2021, trong khi tàu cá BĐ 93277 TS đang đánh bắt bất hợp pháp trên vùng biển Indonesia thì bị lực lượng chức năng nước này bắt giữ. Tất cả 6 ngư dân trên tàu bị tạm giữ tại Trại Kiểm ngư Pontianak (Indonesia). Trong thời gian tạm giữ, ngư dân Nguyễn Đào đã chết lúc 20h ngày 31/12/2021. Thi thể của ngư dân Nguyễn Đào đã được hỏa táng, hiện đang được bảo quản tại Indonesia.

Thông báo của Sở Ngoại vụ Bình Định gửi cho UBND huyện Phù Cát vụ chủ tàu cá BĐ 93277 TS phải nộp tiền hỏa tang để đưa tro cốt ngư dân Nguyễn Đào từ Indonesia về Việt Nam. Ảnh: V.Đ.T.

Thông báo của Sở Ngoại vụ Bình Định gửi cho UBND huyện Phù Cát vụ chủ tàu cá BĐ 93277 TS phải nộp tiền hỏa tang để đưa tro cốt ngư dân Nguyễn Đào từ Indonesia về Việt Nam. Ảnh: V.Đ.T.

Công văn của Quỹ bảo hộ công dân và Pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, căn cứ Điểm d, Mục 6 Công điện số 732/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trái phép xâm phạm vùng biển nước ngoài nên bắt buộc chủ tàu cá vi phạm phải chi trả kinh phí để đưa ngư dân vi phạm về nước, nếu chủ tàu không chi trả thì chính quyền địa phương có tàu vi phạm chịu trách nhiệm chi trả.

Đối với trường hợp của ngư dân Nguyễn Đào, trong thời gian thụ án phạt tù tại Trại Kiểm ngư Pontianak (Idonesia), ngư dân Đào đã bị bệnh và chết tại trại sau gần 9 tháng bị giam giữ, nên chủ tàu cá BĐ 93277 TS phải có trách nhiệm chi trả mọi chi phí để đưa tro cốt của ngư dân Nguyễn Đào về Việt Nam. Khoản chi phí hỏa táng là 19.742.250Rp, tương đương 39,5 triệu đồng.

Sở Ngoại vụ Bình Định đã thông báo vấn đề nêu trên cho chính quyền địa phương, đồng thời đề nghị UBND huyện Phù Cát hướng dẫn chủ tàu cá BD 93277 TS thanh toán chi phí liên quan đến việc hỏa táng ngư dân Nguyễn Đào về tài khoàn quỹ Bảo hộ công dân và Pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Biên bản làm việc giữa UBND xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định) với 2 vợ chồng chủ tàu cá BĐ 93277 TS. Ảnh: V.Đ.T.

Biên bản làm việc giữa UBND xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định) với 2 vợ chồng chủ tàu cá BĐ 93277 TS. Ảnh: V.Đ.T.

Công văn nhấn mạnh: Nếu chủ tàu cá BĐ 93277 TS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng chi trả chi phí hỏa táng cho ngư dân Nguyễn Đào, Sở Ngoại vụ Bình Định đề nghị UBND huyện Phù Cát hướng dẫn chủ tàu làm đơn xác nhận hoàn cảnh đề nghị hỗ trợ tiền hỏa táng. Đơn này phải được UBND xã nơi cư trú xác nhận, Sở Ngoại vụ Bình Định sẽ có văn bản gửi Quỹ Bảo hộ công dân và Pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, để có căn cứ thông báo và phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia trao đổi lại với cơ quan chức năng nước bạn.

Sáng 6/8/2022, UBND xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định) đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Sang cùng chồng là Trương Văn Cường, là chủ tàu và thuyền trưởng tàu cá mang số hiệu BĐ 93277 TS. Ông Châu Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Minh, đề nghị vợ chồng bà Sang ông Cường chấp hành theo Điểm d, Mục 6 Công điện số 732/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là phải chi trả khoản chi phí hỏa táng ngư dân Nguyễn Đào, thuyền viên đi bạn cho tàu cá BĐ 93277 TS bị chết khi đang bị giam giữ tại Trại Kiểm ngư Pontianak (Indonesia) với số tiền là 39,5 triệu đồng.

Ngư dân Bình Định “lưu vong” vào tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung nghe đoàn công tác liên ngành của Bình Định tuyên truyền về IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Ngư dân Bình Định “tá túc” vào tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung nghe đoàn công tác liên ngành của Bình Định tuyên truyền về IUU. Ảnh: V.Đ.T.

Nhận được thông tin trên, ngư dân Trương Văn Cường mới thấy hối hận tột cùng bởi mới trắng tay sau 1 chuyến đánh bắt vi phạm, tài sản của cả gia đình là chiếc tàu cá có vốn liếng đến 70 cây vàng đã bị Indonesia tịch thu cả ngư lưới cụ, bản thân chẳng những đã bị giam cầm ở xứ người, vợ con ở nhà phải chạy vạy vay mượn 80 triệu đồng để "chuộc" chồng về, giờ lại còn phải đóng tiền hỏa thiêu thuyền viên chết trong lúc bị tạm giam, quả là họa vô đơn chí.

Cái giá quá đắt

Làm việc với UBND xã Cát Minh, vợ chồng chủ tàu cá BĐ 93277 TS Nguyễn Thị Sang và Trương Văn Cường không ngớt kêu ca về hoàn cảnh hiện tại của gia đình. Bản thân anh Cường sau khi bị Indonesia tịch thu tàu cá, về đến nhà không biết làm công việc gì khác để kiếm sống, lại phải nuôi 3 đứa con ăn học. Vợ thì sau khi bị tai biến, bao nhiêu tiền dành dụm bấy lâu nay đã “đội nón ra đi” theo bệnh, giờ lại thêm bệnh tiểu đường, cộng với sự cố vừa xảy ra, thân xác chị Sang đã còm cõi giờ thêm tiều tụy. Bây giờ chị Sang và anh Cường còn phải bỏ ra 39,5 triệu đồng để đưa hài cốt của thuyền viên Nguyễn Đào về nước, chủ tàu cá BĐ 93277 TS không biết tìm đâu ra tiền.

Ông Châu Văn Hùng (bìa phải), Phó Chủ tịch UBND xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định) trò chuyện với ngư dân Cát Minh vào Vũng Tàu hoạt động. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Châu Văn Hùng (bìa phải), Phó Chủ tịch UBND xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định) trò chuyện với ngư dân Cát Minh vào Vũng Tàu hoạt động. Ảnh: V.Đ.T.

Trò chuyện với chúng tôi, ngư dân Trương Văn Cường nhớ lại, năm 2005, gia đình anh sắm được chiếc tàu cá BĐ 93277 TS với chi phí 70 cây vàng. Từ năm 2006 đến nay, tàu cá 93277 TS của anh chưa 1 lần về Bình Định, bám riết cảng cá Vũng Tàu để hoạt động. Sau mỗi chuyến biển, anh neo tàu ở Vũng Tàu, lên xe khách về quê thăm vợ con, hoặc chị Nguyễn Thị Sang đi xe đò vô Vũng Tàu thăm chồng.

Chuyến biển ấy vừa ra khơi 3 ngày thì tàu cá BĐ 93277 TS bị lực lượng chức năng Indonesia bắt trên vùng biển nước bạn. Cả 6 thuyền viên trên tàu được đưa về Indonesia và bị tạm giam tại Trại Kiểm ngư Pontianak. Ngư dân Cường bị giam 7 tháng rưỡi, lúc ấy chị Nguyễn Thị Sang, vợ anh Cường, phải chạy đôn chạy đáo vay mượn 80 triệu để bảo lãnh chồng về. Ngoại trừ thuyền viên Nguyễn Đào do không có vợ nên không có ai chuộc, chết trong tại tạm giam, 4 thuyền viên còn lại cũng được vợ đóng tiền phạt bảo lãnh.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch (bìa phải), Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định) trò chuyện với ngư dân Cát Tiến vào Vũng Tàu hoạt động. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch (bìa phải), Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định) trò chuyện với ngư dân Cát Tiến vào Vũng Tàu hoạt động. Ảnh: V.Đ.T.

“Ngư dân Nguyễn Đào ở quê biển Bình Sơn (Quảng Ngãi), mới đi cho tàu cá của tôi chuyến biển đầu tiên. Trước khi ra khơi chuyến biển này, tôi ứng cho 5 thuyền viên mỗi người 9 triệu đồng, trong đó có Đào. Sau đó, vì cần tiền, Đào mượn thêm của vợ chồng tôi 6 triệu đồng nữa, vị chỉ là chuyến biển ấy Đào ứng của tôi 15 triệu đồng. Mới ra khơi chỉ mấy ngày thì bị bắt. Sau khi bị bắt, chiếc tàu của tôi bị Indonesia tịch thu, tính cả ngư lưới cụ thì tôi mất tổng tài sản khoảng 1,3 tỷ đồng. Bây giờ về nhà tay trắng, không có việc làm, lại còn gánh nợ 500 - 600 triệu đồng ở ngân hàng. Vợ tôi thì đau cùng lúc 2 bệnh ngặt nghèo, từ nay không biết lấy gì nuôi 3 đứa con ăn học, giờ lấy tiền đâu nộp 39,5 triệu đồng để lấy tro cốt ngư dân Đào về”, ngư dân Trương Văn Cường than thở.

Theo ông Châu Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Minh (huyện Phù Cát), xã hiện có 169 tàu cá, nhưng hầu hết là công suất nhỏ, trong số đó chỉ có 10 chiếc có chiều dài trên 15m. Từ năm 2005 trở về trước, nghề đánh bắt hải sản còn làm ăn được nhờ biển giả no cá. Từ năm 2005 trở về sau, ai may mắn lắm mới có chút lãi sau mỗi chuyến biển, còn lại chỉ đủ chi phí hoặc lỗ. Hồi ấy, tàu tuy nhỏ nhưng đóng nhiều tiền lắm, ngư dân hầu hết phải vay  mượn. Vay nóng bên ngoài 1 cây vàng, mỗi năm phải trả 1,3 cây, trong đó có 3 chỉ tiền lãi. Mỗi chiếc tàu cá có chiều dài dưới 15m hồi đó chi phí đóng tàu đến 50 - 70 cây vàng, mượn chừng này để đóng tàu mà làm ăn không được là vỡ nợ.

ÔngTrần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định tuyên truyền quy định IUU cho ngư dân Bình Định “lưu vong” tại Vũng Tàu. Ảnh: V.Đ.T.

ÔngTrần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định tuyên truyền quy định IUU cho ngư dân Bình Định “tá túc” tại Vũng Tàu. Ảnh: V.Đ.T.

“Tàu cá BĐ 93277 TS của anh Trương Văn Cường dài chỉ 13m, tàu dưới 13m thì không bắt buộc lắp đặt máy giám sát hành trình, tàu này chỉ được đánh bắt trong lộng, nhưng Cường làm liều đánh bắt khơi xa, lại xâm phạm vùng biển nước ngoài nên bị bắt. Vợ chồng Cường kể hoàn cảnh gia đình, ban đầu chấp nhận chi 10 triệu đồng để lấy tro cốt ngư dân Nguyễn Đào về, UBND xã hướng dẫn Cường làm giấy xác nhận hoàn cảnh, xin giảm một phần chi phí để chúng tôi báo cáo cấp trên xem xét, giải quyết. Thế nhưng sau đó với lý do không vay mượn được tiền nên vợ chồng anh Cường không chi đồng nào”, ông Châu Văn Hùng cho hay.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.