Tích cực đào tạo cho lao động chủ lực
Do đặc điểm nghề cá của nước ta là nghề cá nhân dân, tàu thuyền chủ yếu là nhỏ, ngư lưới cụ đánh bắt mang tính truyền thống, trang thiết bị khai thác và bảo đảm an toàn lạc hậu, còn nhiều thiếu thốn. Trước thực trạng nói trên, việc đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ hành nghề cho ngư dân là hết sức cần thiết nhằm nâng cao năng lực khai thác thủy sản.
Trước thực trạng trên, trong thời gian qua, các địa phương ven biển Nam Trung bộ đã chú trọng việc đào tạo, cấp chứng chỉ cho ngư dân, từng bước giúp ngư dân tiếp cận với nghề cá hiện đại, chuyển ngư dân từ nghề cá nhân dân sang nghề cá phát triển bền vững.
Riêng tại Bình Định, địa phương có 5.951 tàu cá hoạt động khai thác, trong đó có khoảng 3.200 tàu khai thác xa bờ. Nếu mỗi tàu đảm bảo đúng quy định các chức danh thuyền viên theo quy định, thì các tàu cá ở Bình Định cần tổng cộng 13.523 thuyền trưởng, máy trưởng các hạng và thợ máy.
Tuy nhiên, những năm trước đây, tổng số thuyền trưởng, máy trưởng và thợ máy đã qua các lớp đào tạo chỉ có 4.474 người. Đây là “lỗ hổng” mà những năm qua ngành chức năng Bình Định đã nỗ lực lấp kín.
Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, tỉnh này xác định việc đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghề cho ngư dân là một trong những việc quan trọng để hỗ trợ cho ngư dân hoạt động trên biển hiệu quả.
Thực hiện Thông tư số 22 của Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT Bình Định đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với Hiệp hội Thủy sản Bình Định và Viện Khoa học-Công nghệ khai thác thủy sản tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng thuyền trưởng, máy trưởng và thợ máy tàu cá cho ngư dân. Đến nay, hầu hết tàu cá của ngư dân Bình Định đã đầy đủ chứng chỉ theo quy định.
Căn cứ vào mùa biển để mở lớp
Tại Quảng Nam, tùy theo nhu cầu của mỗi địa phương, mỗi năm ngành chức năng tỉnh này mở khoảng 2-3 lớp đào tạo, nâng cao trình độ đánh bắt cũng như năng lực của thuyền trưởng, máy trưởng. Mặc dù vậy, theo đặc thù khai thác của những nghề đánh bắt xa bờ thường có thời gian hoạt động trên biển kéo dài từ 2-4 tháng, nên cũng là 1 trở ngại trong việc mở các lớp đào tạo.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam sẽ căn cứ vào mùa biển, mùa nào ngư dân nghỉ khai thác để chọn lựa thời điểm đào tạo. Điều này đòi hỏi sự sắp xếp để người dân và đơn vị đào tạo về thời gian phù hợp tổ chức lớp.
“Đối với đào tạo thuyền trưởng các hạng 3, 4, 5 thì đòi hỏi những ngư dân này phải có trình độ nhất định, không thể tay không bắt giặc được. Nếu không có trình độ văn hóa thì không thể đào tạo chuyên sâu và đáp ứng nhu cầu”, ông Trần Quang Kiến, Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Quảng Nam bộc bạch.
Còn ở Phú Yên, để nâng cao trình độ khai thác thủy sản, những năm qua, Chi cục Thủy sản tỉnh này đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp giới thiệu, hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân tiếp cận với trang bị các trang thiết bị hiện đại cho việc khai thác, đồng thời tập huấn kiến thức cơ bản trong khai thác, nhất là đối với đội tàu khai thác xa bờ. Bên cạnh đó, việc phối hợp tổ chức đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng đến thời điểm hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về số lượng cần có theo quy định.
“Những năm qua, các tài công (thuyền trường) tàu cá ở Khánh Hòa đã được cơ quan chuyên môn tập huấn nâng cao trình độ khai thác thủy sản rất nhiều. Hầu hết các tài công đều sử dụng được các máy móc thiết bị trên tàu như máy định vị, kiểm ngư, dò cá…”, ông Nguyễn Văn Lầu, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Vĩnh Phước (TP Nha Trang, Khánh Hòa), chia sẻ.