| Hotline: 0983.970.780

Hàng loạt sai phạm trong các dự án tại Sở NN-NT tỉnh Thừa Thiên - Huế

[Bài 2] Tiêu ngân sách tùy tiện, thiếu nguyên tắc

Thứ Năm 04/11/2021 , 08:39 (GMT+7)

Không chỉ Dự án đầu tư phát triển rừng ven biển đầm phá (SPRCC), hàng loạt công trình do Sở NN&PTNT và các đơn vị trực thuộc làm chủ đầu tư cũng nhiều sai phạm.

Chọn đơn vị thi công không có chứng chỉ hoạt động

Công trình trụ sở Hạt Kiểm lâm thành phố Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức 5,275 tỷ đồng do Chi cục Kiểm lâm tỉnh làm chủ đầu tư. Khi triển khai, chủ đầu tư đã tự phê duyệt dự toán và phê duyệt điều chỉnh dự toán công trình; tự ý dịch chuyển vị trí xây dựng công trình so với thiết kế ban đầu khi chưa có sự chấp thuận của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trụ sở Hạt Kiểm lâm Thành phố Huế được dịch chuyển vị trí khi chưa có sự chấp thuận của chủ đầu tư. Ảnh: TT.

Trụ sở Hạt Kiểm lâm Thành phố Huế được dịch chuyển vị trí khi chưa có sự chấp thuận của chủ đầu tư. Ảnh: TT.

Do khối lượng thực tế thi công không đúng với khối lượng tại bản vẽ hoàn công và hồ sơ nghiệm thu thanh quyết toán nên giá trị xây lắp thực tế thi công giảm so với giá trị nghiệm thu, thanh quyết toán với số tiền xây lắp sau thuế VAT là 55.673.000 đồng.

Dự án Nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng cho kiểm lâm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-20201 được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt có tổng mức đầu tư 27,234 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 27 tỷ; số còn lại do địa phương đối ứng. Sau đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 60.968 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 27 tỷ đồng, ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác là 33,968 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án không thuộc trường hợp được điều chỉnh theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng. Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng một số gói thầu không đúng thẩm quyền.

Nhà thầu tư vấn, thi công dự án này gồm các công ty TNHH MTV Hữu Dũng; TNHH Xây dựng Thuận Hóa; TNHH Loan Thắng; TNHH Xây dựng Phúc Hà, DNTN Vũ Minh. Thời điểm ký hợp đồng tư vấn, thi công các đơn vị trên không có chứng chỉ hoạt động xây dựng theo quy định.

Theo số liệu báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, tổng số tiền thu từ bán hồ sơ mời thầu các gói thầu 5,7,8 và 21 là 26 triệu đồng. Tổng số tiền chi liên quan đến tổ chức mở thầu là 18.730.000 đồng. Số tiền còn lại 7.270.000 đồng (bao gồm thuế 10%) chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định; chưa nộp vào ngân sách Nhà nước.

Chủ đầu tư đã chi Hội nghị tập huấn phòng cháy chữa cháy rừng năm 2016-2017 số tiền 350 triệu đồng nhưng thanh toán chi phí hỗ trợ tiền công tác phí, tiền xăng xe và tiền ngủ sai đối tượng…

Sử dụng chi phí quản lý dự án vượt gần 400 triệu đồng

Hợp phần quản lý dự án thuộc dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ tỉnh Thừa thiên Huế (Dự án JICA 2) gồm 7 tiểu dự án, thực hiện từ năm 2012-2019.

Ngày 2/12/2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt điều chỉnh, bổ sung, giảm tổng mức đầu tư từ 147,278 tỷ đồng xuống 106,951 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay Nhật Bản là 86,982 tỷ đồng; vốn đối ứng 19,969 tỷ đồng bao gồm quản lý dự án 18,323 tỷ đồng, thuế 1,646 tỷ đồng.

Sở NN&PTNT Tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi xẩy ra nhiều sai phạm trong thực hiện các dự án thời gian vừa qua. Ảnh: VD.

Sở NN&PTNT Tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi xẩy ra nhiều sai phạm trong thực hiện các dự án thời gian vừa qua. Ảnh: VD.

Đoàn công tác của BQLDA JICA2 Trung ương cũng đã hướng dẫn tổ chức phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quyết định, kế hoạch tổng thể tiểu dự án. Biên bản có nội dung “… chi tiết cụ thể những kế hoạch đã, đang và sẽ thực hiện từ 2012-2021 theo các biểu mẫu đã thống nhất trong những ngày làm việc. Biểu mẫu phụ lục kèm theo biên bản đã hướng dẫn đối với “Hợp phần quản lý dự án” phải chi tiết theo “Chi phí quản lý dự án” và “Dự phòng chi phí quản lý dự án”.

Tuy nhiên, quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế không lập và chi tiết như hướng dẫn của Đoàn công tác BQLDA JICA2 Trung ương mà gộp chung, phê duyệt điều chỉnh “Hợp phần quản lý dự án” giảm từ 18,539 tỷ đồng xuống còn 18,323 tỷ đồng.

Theo quy định, việc sử dụng chi phí quản lý dự án dự phòng phải được giải trình và xin ý kiến sử dụng của cơ quan thẩm quyền khi có sự biến động về giá. Tính đến thời điểm 31/12/2018, số kinh phí BQLDA JICA2 đã sử dụng lũy kế là 11.315.087.864 đồng. Chi phí quản lý dự án được điều chỉnh, theo đoàn thanh tra kết luận là không thể cao hơn 8,795 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, chủ đầu tư và BQLDA đã sử dụng 9.181.403.583 đồng, vượt trên 386 triệu đồng so với chi phí quản lý dự án được duyệt.

BQLDA JICA2 được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, quy định, Sở NN&PTNT mới là cơ quan có trách nhiệm thành lập BQLDA.

Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chỉ ra, nhiều nhân sự trong BQLDA chưa đảm bảo theo quy định như kinh nghiệm, thời gian công tác, chuyên ngành đào tạo, chứng chỉ hành nghề,…

Điều này dẫn đến nhiều yếu kém trong công tác quản lý, thu chi tài chính. Chủ đầu tư và BQLDA không lập dự toán thu theo quy định của Bộ Tài chính về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động QLDA của các chủ đầu tư, BQLDA sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Chủ đầu tư và BQLDA có lập và phê duyệt dự toán chi hàng năm nhưng chưa được thẩm định và không tuân thủ theo quy định của Bộ Tài chính và của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Việc chi thanh toán làm thêm giờ chưa được thực hiện đúng quy định. Một số chứng từ thanh toán thuê thuyền máy chưa bảo đảm quy định. Thanh toán tiền phụ cấp với hợp đồng lao động; tiền mua cặp, mua bảo hộ lao động không rõ về đối tượng được trang cấp. Sử dụng nguồn kinh phí dự án để chi các hoạt động về khen thưởng, lễ, tết hoặc hiếu hỷ; thanh toán số tiền lắp đặt máy điều hòa không đúng quy định.

BQLDA đã cấp các thiết bị văn phòng cho Giám đốc BQLDA vượt 30.549.999 đồng; kế toán trưởng được trang bị trang thiết bị vượt 21.075.001 đồng so với quy định.

Từ năm 2012 đến năm 2018, BQLDA đã thu 45.100.000 đồng từ việc bán hồ sơ mời thầu. Tuy nhiên, BQLDA chưa thực hiện nghĩa vụ thuế, không mở sổ sách theo dõi thu chi theo quy định.

Dự án Xây dựng kho bảo quản hạt giống cây trồng dự trữ Quốc gia miền Trung cũng có nhiều sai phạm.

Năm 2011, Bộ NN&PTNT cho phép Công ty Cổ phần Giống cây trồng vật nuôi Thừa Thiên Huế (Công ty CP Giống) lập dự án và làm chủ đầu tư Dự án Xây dựng kho bảo quản hạt giống cây trồng dự trữ Quốc gia miền Trung. Đến năm 2015, Bộ NN&PTNT cho phép thay đổi chủ đầu tư sang Sở NN&PTNT để phù hợp với quy định về quản lý đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Cả 5 dự án do Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế và các đơn vị trực thuộc được thanh tra đều có sai phạm. Ảnh: TT.

Cả 5 dự án do Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế và các đơn vị trực thuộc được thanh tra đều có sai phạm. Ảnh: TT.

Căn cứ hồ sơ thuyết minh thiết kế bản vẽ thi công công trình, việc phòng chống mối được thuyết minh ở “Khu giảng đường và Nhà Hiệu bộ” là không có sự tương quan đối với việc phòng chống mối tại các nhà kho của dự án.

Chủ đầu tư thanh toán chi phí quản lý dự án cho BQLDA ĐTXD công trình NN&PTNT với số tiền 596.743.000 đồng thực hiện không đúng với quy định của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, BQLDA sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Chủ đầu tư nghiệm thu khối lượng thực tế thi công một số hạng mục không đúng với bản vẽ hoàn công và hồ sơ nghiệm thu thanh toán. Việc thi công phòng chống mối, chủ đầu tư nghiệm thu thanh toán không đúng với định mức, đơn giá và bản vẽ hoàn công.

Sau kết luận của Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế, dư luận cho rằng, đơn vị này sẽ phải nhanh chóng khắc phục những sai phạm đã xẩy ra trong một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm, nhiều hạng mục các dự án nêu trên vẫn chưa được đơn vị thi công, chủ đầu tư khắc phục. Các cá nhân, tổ chức để xẩy ra sai phạm chỉ bị nhắc nhở, rút kinh nghiệm, không ít trong số này đã được cất nhắc công tác lãnh đạo ở vị trí cao hơn.

  • Tags:
Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.