Thông thường, từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch là thời điểm vào mùa khai thác cá trích, cá mai ở vùng biển TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngư dân phải tạm ngừng ra khơi trong thời gian giãn cách nên việc đánh bắt bị chậm trễ khoảng 3 tháng. Song bù lại, ngay khi được ra khơi, nhiều tàu đã trúng đậm cá trích, cá mai, khiến ngư dân rất phấn khởi.
Chỉ cần sau vài tiếng đồng hồ ra biển, hàng chục chiếc ghe, tàu của ngư dân Vũng Tàu đã cập bến để gỡ những tấm lưới nặng trĩu cá trích và cá mai.
Cũng như nhiều ngư dân khác tại đây, ông Nguyễn Toàn, ngư dân TP. Vũng Tàu là dân chuyên đánh bắt cá trích với hơn 40 năm kinh nghiệm. Hôm nay, khác hẳn với không khí sau nhiều ngày im ắng vì phải ở nhà phòng chống dịch, từ sớm tinh mơ, thuyền của ông Toàn hối hả đi chuyến biển đầu tiên săn lộc biển và không ngờ trúng ngay luồng cá trích chứa đầy khoang quay về.
Khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, ông Toàn thoăn thoắt gỡ tấm lưới đang dính đầy cá trích cho kịp chuyến chợ sớm. Cầm những con cá trính tươi rói vừa gỡ trong lưới ra, ông Toàn phấn khởi tâm sự: “Bình thường, đi từ đêm nhưng phải gần 7 giờ sáng mới vào bờ, nhưng bữa nay hên quá trúng được mẻ cá lớn. Nghề đánh bắt cá trích không quá khó khăn, chỉ cần mình chịu khó ra khơi sớm, có khi trúng luồng cá như hôm nay thì chỉ sau mấy tiếng đồng hồ có thể thu về mấy triệu rồi”. Theo nhẩm tính của ông Toàn, chuyến biển này ông thu được khoảng 3 tạ cá trích, với giá bán dao động từ 15-20 ngàn đồng/kg, giúp ông thu khoảng 5 triệu đồng.
Tương tự, ngư dân Phạm Đình Lân (TP.Vũng Tàu) cho biết, ông đã gắn bó với nghề biển từ rất lâu, làm quanh năm mùa nào lưới đó, chỉ trừ khi gió bão mới phải nghỉ. Năm nay dịch bệnh phải lùi việc đánh bắt, nhưng mấy tháng không ra khơi cá có thời gian sinh sôi, nảy nở nên giờ chuyến nào đi cũng trúng cá đầy khoang. Sau vài ngày ra khơi, ông cũng đã kiếm được vài chục triệu đồng từ mùa cá trích này, coi như bù lại được mấy tháng nghỉ dịch. “Hàng ngày, ghe tôi thường xuất bến từ 3 giờ sáng, đến sáng trắng mới về bờ để gỡ cá rồi phân loại cân bán cho các đầu mối, người dân hay khách du lịch”.
Tương tự, hàng trăm ngư dân hành nghề thuyền thúng ở thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ cũng nô nức ra khơi sau nhiều ngày giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Đây cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh BR-VT cho phép ngư dân được đánh bắt gần bờ theo hướng dẫn của địa phương.
Ông Đoàn Minh Hải, ngư dân thị trấn Phước Tỉnh, huyện Đất Đỏ cho hay, gắn bó với biển và hành nghề thuyền thúng bao năm trời nên suốt hơn 2 tháng qua không thể ra biển khiến ai cũng cảm thấy rất buồn. Mặc dù rất nhớ nghề, cuồng chân nhưng vì trách nhiệm chung nên ông cũng như nhiều ngư dân đành phải thực hiện nghiêm. “Tôi đã thức dậy từ lúc 3 giờ sáng để đưa thuyền ra khơi, được đi biển, bà con ngư dân chúng tôi phấn khởi khoẻ người lắm. Ngày đầu tiên mở biển, tôi đã thu được 1 tạ cá mai, bán được 3 triệu đồng, vậy là mình đã có thu nhập sau nhiều ngày phải nằm bờ vì giãn cách” - ông Phước hào hứng nói.
Dưới bến thuyền, nhiều ngư dân cũng đang khẩn trương chuẩn bị lưới kéo và các “món” hậu cần khác để sẵn sàng ra khơi với tràn đầy niềm hy vọng sẽ tiếp tục trúng các mẻ cá lớn. Với nhiều ngư dân, tuy cá trích có giá trị kinh tế không cao như cá ngừ, cá thu, mực, nhưng lợi thế là chỉ cần ghe, tàu công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ. Đối với ngư dân không có nhiều vốn đầu tư tàu thuyền đánh bắt xa bờ thì nghề săn cá trích, cá mai cũng là nguồn lợi mang lại thu nhập ổn định.
Ngư trường có cá trích, cá mai thường chỉ cách bờ khoảng 10, 12 hải lý, nhiều nhất vẫn là khu vực TP.Vũng Tàu và Long Hải, huyện Long Điền. Tùy theo con nước, luồng gió, ngư dân sẽ tính toán di chuyển ghe để thuận tiện đánh bắt. Thông thường từ tháng 11 đến hết tháng 2 âm lịch năm sau, ngư dân khai thác cá trích, cá mai lại quay về khu vực Bãi Sau để tránh gió và đánh bắt cá rựa, cá đối… Cứ thế, nghề đánh bắt hải sản ven bờ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu duy trì bền chặt theo những mùa cá, tạo nên nét đẹp đặc trưng của vùng duyên hải.
Ông Lê Văn Hoà, Bí thư Huyện uỷ Đất Đỏ cho biết: “Đất Đỏ là một trong 4 huyện “vùng xanh” của tỉnh BR-VT, cũng là địa bàn có số lượng lao động đi biển nhiều, với 836 phương tiện là đò nan, thúng máy. Nhằm tạo điều kiện cho 100% ngư dân được ra khơi, địa phương đã bố trí luân phiên 50% tổng số phương tiện được xuất bến trong ngày. Các ngư dân đánh bắt bằng thuyền thúng phải cam kết chỉ hoạt động trong ngày theo thời gian đăng ký”.
Theo ông Hòa, trước kia tình trạng sinh hoạt mua bán hải sản sau đánh bắt thường diễn ra trên các ngả đường, mặt lộ không đảm bảo vệ sinh và cản trở giao thông địa phương. Tuy nhiên, những ngày gần đây số hải sản của ngư dân đánh bắt ngoài khơi mang về được các tiểu thương, người dân thu mua trực tiếp ngay tại các bãi biển hoặc ngư dân mang vào chợ Phước Hải bán.
'Hiện chính quyền thị trấn Phước Hải đã cho san lấp mặt bằng và vận động ngư dân đưa “lộc biển” vào những điểm rộng rãi, đồng thời tuyên truyền cho người dân mua bán hải sản đánh bắt được ở những nơi thông thoáng để bảo đảm vệ sinh môi trường và thực hiện tốt quy định phòng, chống dịch', ông Lê Văn Hòa cho biết