| Hotline: 0983.970.780

Nghiên cứu cây ăn quả cho Tây Nguyên

Thứ Bảy 13/06/2020 , 15:52 (GMT+7)

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã nghiên cứu nhiều giống cây ăn quả và quy trình sản xuất. Báo NNVN đã phỏng vấn TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng.

Là một trong những đơn vị nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ chủ lực của vùng Tây Nguyên, những năm qua Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã và đang chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống mới góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các loại cây ăn quả vùng Tây Nguyên.

TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên. Ảnh: Ngọc Thăng.

TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên. Ảnh: Ngọc Thăng.

Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ của WASI về cây ăn quả thời gian qua?

Bên cạnh các cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, ca cao... thì nhóm cây ăn quả là một trong những đối tượng WASI xác định nghiên cứu, chuyển giao vào sản xuất nhằm phát huy tối đa tiềm lực tự nhiên của vùng Tây Nguyên.

Đối với các loại cây ăn quả, WASI đã có những nghiên cứu rất sớm về cây bơ và cây sầu riêng, trong đó chú trọng việc tuyển chọn, lưu giữ nguồn gen quý và đưa vào sản xuất các dòng địa phương nổi trội và các kỹ thuật canh tác cơ bản cũng như biện pháp bảo vệ thực vật.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, cây bơ và cây sầu riêng đã được WASI đầu tư nghiên cứu sâu và bài bản. Đến nay, Viện đã trình Bộ NN-PTNT công nhận 4 giống bơ để khuyến cáo vào sản xuất. Đó là các giống: Booth7, TA40, Reed và TA1. Đối với sầu riêng, WASI đã tuyển chọn xây dựng vườn cây đầu dòng phù hợp với nhu cầu sản xuất để cung cấp nguồn giống tốt cho toàn vùng Tây Nguyên. Cùng với việc công nhận giống thì các quy trình kỹ thuật cũng được Viện ban hành để chuyển giao cho sản xuất.

Thời gian qua WASI đã tập trung nghiên cứu cây sầu riêng để ban hành quy trình trồng và chăm sóc. Ảnh: Ngọc Thăng.

Thời gian qua WASI đã tập trung nghiên cứu cây sầu riêng để ban hành quy trình trồng và chăm sóc. Ảnh: Ngọc Thăng.

Ngoài ra, Viện còn phối hợp với các địa phương cấp tỉnh, huyện thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu về chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu cho các loại trái cây đặc sản cũng như hỗ trợ nhiều địa phương ở Tây Nguyên thực hiện chương trình Nông thôn miền núi về phát triển các loại cây ăn quả giá trị cao. Kết quả của các nghiên cứu chuyển giao này đã đóng góp một phần vào sự phát triển cây ăn quả ở vùng Tây Nguyên trong thời gian vừa qua.

WASI đã triển khai nghiên cứu cây ăn quả cho Tây Nguyên như thế nào?

Hiện Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên được Bộ NN-PTNT giao nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu tuyển chọn giống và hoàn thiện các quy trình thâm canh cây ăn trái, quy trình trồng xen các cây ăn trái chủ lực ở Tây Nguyên, trong đó ngoài bơ và sầu riêng, chúng tôi còn nghiên cứu cây có múi và cây chuối.

Các nghiên cứu này sẽ xây dựng các gói kỹ thuật đồng bộ để phục vụ phát triển cây ăn quả một cách bền vững cho vùng Tây Nguyên từ khâu giống, kỹ thuật canh tác, biện pháp bảo vệ thực vật... Ngoài ra, Viện cũng tham gia tham vấn cho các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương trong việc định hướng quy hoạch phát triển cây ăn trái cho vùng Tây Nguyên.

Dự kiến cuối năm nay, chúng tôi sẽ trình Bộ NN-PTNT ban hành các quy trình kỹ thuật đồng bộ cho phát triển 4 loại cây ăn quả chủ lực hiện nay là: bơ, sầu riêng, cam quýt và chuối. Hy vọng đây sẽ là những tiến bộ kỹ thuật hỗ trợ cho việc tái cơ cấu sản xuất cây ăn quả ở Tây Nguyên hiệu quả và bền vững.

Ông nhận định thế nào về xu hướng phát triển cây ăn quả của Tây Nguyên trong thời gian tới? Và WASI có định hướng gì trong công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để phù hợp với xu hướng phát triển này?

Với lợi thế về tự nhiên, kinh tế xã hội, việc phát triển cây ăn quả ở Tây Nguyên sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, khi các vùng trồng cây ăn quả trọng điểm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn và sẽ mất dần các lợi thế vốn có. Việc phát triển cây ăn quả phục vụ xuất khẩu cũng được các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm, hỗ trợ và thúc đẩy.

Bơ, cây ăn quả tiềm năng của Tây Nguyên được WASI đầu tư nghiên cứu. Ảnh: Ngọc Thăng.

Bơ, cây ăn quả tiềm năng của Tây Nguyên được WASI đầu tư nghiên cứu. Ảnh: Ngọc Thăng.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ứng phó được những thách thức về biến đổi khí hậu và giải quyết vấn đề về công nghệ sau thu hoạch, thị trường, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên sẽ tiếp tục đề xuất Bộ NN-PTNT và các địa phương hỗ trợ để nghiên cứu áp dụng các biện pháp kỹ thuật công nghệ cao trong canh tác, tiếp tục nghiên cứu tuyển chọn các giống mới, các công nghệ trong chế biến và bảo quản sản phẩm.

Đặc biệt là Viện sẽ đề xuất và thực hiện các nghiên cứu và dự án triển khai xây dựng chuỗi giá trị cho các loại sản phẩm trái cây chủ lực của vùng.

Nói chung, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để chuẩn bị mọi cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho việc phát triển bền vững và tiến tới đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch các loại cây ăn quả cho vùng Tây Nguyên trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.