| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu ngành lúa gạo và cà phê:

Lợi ích kép từ hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây cà phê Tây Nguyên-VnSAT

Thứ Hai 27/04/2020 , 05:40 (GMT+7)

Thực tế, những năm qua tại hạn hán thường xuyên xảy ra tại Tây Nguyên dẫn đến diện tích cà phê bị thiếu nước tưới ngày càng nhiều.

Hệ thống tưới tiết kiệm giúp người dân chăm sóc cà phê hiệu quả trong mùa khô hạn. Ảnh: Minh Hậu.

Hệ thống tưới tiết kiệm giúp người dân chăm sóc cà phê hiệu quả trong mùa khô hạn. Ảnh: Minh Hậu.

Trước thực trạng đó, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) đã xây dựng và nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê ở cả 5 tỉnh Tây Nguyên giúp người nông dân chủ động chống hạn, giảm chi phí nhân công và tăng hiệu quả sản xuất cà phê.

Thực trạng tưới nước cho cây cà phê của các tỉnh Tây Nguyên

Hiện nay, cả nước có khoảng 640.000 ha cà phê, trong đó diện tích cà phê tại 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm trên 92% diện tích cả nước. Nước đóng vai trò rất quan trọng, quyết định đến sản xuất cà phê, cà phê chỉ trồng được khi có đủ nguồn nước tưới trong mùa khô để cây ra hoa kết quả đồng loạt.

Với quan điểm của người dân tưới càng nhiều càng tốt, phải tưới nhiều thì cây cà phê mới đủ nước để ra hoa.

Trên thực tế nông dân trồng cà phê đã sử dụng nước tưới rất nhiều gây lãng phí, thất thoát chất dinh dưỡng do bị rửa trôi và làm giảm hiệu quả sản xuất cà phê.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đơn vị hỗ trợ kỹ thuật của dự án VnSAT thì các hộ sản xuất cà phê tưới 3- 4 lần/mùa khô, với lượng nước 520 lít/cây/lần tưới là lượng nước hợp lý cho cây cà phê sinh trưởng và phát triển bình thường.

Song kết quả đều tra của Viện này cho thấy có trên 50% số hộ trồng cà phê ở Tây Nguyên tưới trên 520 lít/cây/lần, và có tới 23,2% số hộ sản xuất cà phê tưới thừa nhiều nước (600 - 950 lít/lần tưới).  

Từ thay đổi tập quán canh tác

Trước thực tế ngành cà phê của Việt Nam đang phải đối mặt đồng thời với nhiều thách thức lớn như cây cà phê già cỗi, hạn hán diễn ra thường xuyên, tập quán canh tác đặc biệt là phương pháp tưới của người dân còn lạc hậu.

Năm 2016, ngay khi dự án VnSAT khởi động đã tập trung cung cấp kiến thức và hỗ trợ người nông dân chuyển đổi sang phương thức canh tác cà phê bền vững trong đó có bao gồm nhiều giải pháp tưới tiết kiệm phù hợp với đa số nông dân trồng cà phê của Tây Nguyên.

TS Phạm Công Trí, Phó Trưởng bộ môn Hệ thống Nông nghiệp, thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên ( WASI) cho biết: Hiện nay có hai hệ thống tưới tiết kiệm cho cà phê ở Tây Nguyên được Wasi và dự án VnSAT hỗ trợ nhân rộng. Đó là hệ thống tưới nhỏ giọt (hệ thống tưới Israel) và hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc (hệ thống tưới WASI).

Kết quả nghiên cứu về tưới và hiệu quả của các mô hình tưới tiết kiệm cho thấy cả hai hệ thống tưới tiết kiệm đều gia tăng lợi nhuận hơn 35,5 triệu đồng/ha/năm (với dự kiến khấu hao hệ thống tưới trong 10 năm); tuy nhiên chỉ cần sau 2-3 năm tích luỹ thì khoản lợi nhuận này cũng đã đủ để bù đắp được chi phí lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm (62-76 triệu đồng/ha).

Để khuyến khích các hộ nông dân áp dụng các giải pháp tưới hiện đại bên cạnh công tác đào tạo, tập huấn Dự án đã hỗ trợ cho các nông hộ 50% chi phí để lắp đặt hệ thống tưới cho cà phê. 

Riêng đối với các hô nông dân tái canh vườn cà phê mỗi hecta được dự án VnSAT cho  vay được 280 triệu nếu có nhu cầu lắp hệ thống tưới tiết kiệm thì vay thêm được 120 triệu. Lãi suất cho vay là 6,5% trong 3 năm đầu và lãi suất theo thị trường trong 6 năm còn lại.

Từ hệ thống tưới, nông thể có thể bón phân, giảm sức lao động. Ảnh: Minh Hậu.

Từ hệ thống tưới, nông thể có thể bón phân, giảm sức lao động. Ảnh: Minh Hậu.

Đến những rẫy cà phê tự động hóa cho hiệu quả kinh tế cao

Ông Tiêu Văn Bính, 52 tuổi, ngụ xã Nam Hà (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) canh tác 2ha cà phê và là một trong những hộ dân đi đầu trong việc lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm của dự án VnSAT để nâng cao hiệu suất sản xuất.

Ông chia sẻ: “Gần đây, khi dự án VnSat có chương trình hỗ trợ 50% kinh phí lắp đặt hệ thống tưới nên tôi quyết định đăng ký tham gia và lắp đặt toàn bộ cho khu vườn 2ha. Hệ thống có đồng hồ đo nước và mình chỉ cần dựa vào đó để căn chỉnh cho phù hợp. Mùa khô vừa rồi, để cây ra hoa, nhiều gia đình thức đêm, thức hôm để tưới. Gia đình tôi chỉ cần bật máy và để liên tục 2 ngày, 2 đêm là đủ nước kích cho cây ra hoa. Việc tưới và bón phân bằng hệ thống này vừa tiết kiệm được thời gian, công sức vừa thực hiện chăm bón khoa học, hiệu quả cao”.

Cũng là người tiên phong lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, bà Lại Thị Hiền (xã Tân Lâm, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, gia đình bà đã xây bể chứa nước khoảng 10m3 nước cùng hệ thống máy bơm, đồng hồ đo nước và các van chia ra nhiều hướng khác nhau. Một hệ thống ống nước nhỏ được lắp đặt dưới mặt đất khoảng 2 - 5cm thuận lợi cho việc tưới nhỏ giọt.

Bà Hiền phấn khởi nói: “Với mô hình này, lượng nước luôn được kiểm soát, không thừa mà cũng không thiếu, đồng thời giúp nông dân kiểm soát được phân bón, tiết kiệm chi phí và tăng năng suất cây trồng”.

 Tại tỉnh Đắk Lắk riêng HTX Quyết Tiến có 9 hộ thành viên đăng ký lắp đặt hệ thống tưới với diện tích 12,5 ha, tổng kinh phí hết gần 1,1 tỷ đồng, trong đó dự án hỗ trợ 50% và các hộ nông dân đóng góp 50%.

Ông Trương Hoàng Trung – Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Quyết Tiến cho biết: “Với lợi ích từ việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và hiệu quả của hệ thống tưới được lắp đặt như thế này, chắc chắn các thành viên khác trong HTX chúng tôi sẽ còn đăng ký nhiều hơn nữa để mong nhận được hỗ trợ của dự án VnSAT”. 

Các hệ thống tưới tiết kiệm đã giúp giảm chi phí đầu vào 10-18 triệu đồng/ha/năm, đây là khoản tiền không nhỏ với đa số nông hộ trồng cà phê hiện nay. Đồng thời tối ưu hoá nước tưới còn gia tăng năng suất vườn cây khoảng 0,5 tấn cà phê nhân/ha.

Ngoài lợi ích kinh tế, tưới nước tiết kiệm góp phần bảo vệ môi trường, ổn định sản xuất cây có tưới. Các kết quả điều tra cho thấy các mô hình áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm so với tưới theo truyền thống đã giảm lượng nước tưới (600-1.150 lít/gốc/năm, tương ứng 25 - 47,9%).

Bên cạnh đó việc bón phân cho cà phê qua hệ thống tưới nước tiết kiệm đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, nhờ đó tiết kiệm lượng phân bón sử dụng (giảm 20-26% lượng phân nguyên chất) đồng thời duy trì và cải thiện độ phì đất. 

Hệ thống tưới lắp đặt đồng hồ nên người dân có thể căn chỉnh lượng nước tưới cho cây. Ảnh: Minh Hậu.

Hệ thống tưới lắp đặt đồng hồ nên người dân có thể căn chỉnh lượng nước tưới cho cây. Ảnh: Minh Hậu.

Chi phí hệ thống tưới tiết kiệm không quá cao và một lần đầu tư có thể dùng liên tục nhiều năm. Ảnh: Minh Hậu.

Chi phí hệ thống tưới tiết kiệm không quá cao và một lần đầu tư có thể dùng liên tục nhiều năm. Ảnh: Minh Hậu.

Dự án Phát triển cà phê bền vững (VnSAT) được triển khai tại 5 tỉnh Tây Nguyên với mục tiêu hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, công nghệ canh tác bền vững và tái canh cà phê, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân làm cà phê.

Trong năm qua, dự án đã tích cực xúc tiến việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, khảo sát, đánh giá, cấp chứng nhận các vườn ươm giống đạt chuẩn, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác cà phê bền vững cho các hộ nông dân. Bên cạnh đó dự án còn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị góp phần tích cực vào công cuộc tái cơ cầu ngành cà phê Việt Nam.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chinh phục thị trường châu Âu

CZECH Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Czech để cùng phát triển ngành hóa chất, phân bón và nông nghiệp.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.