| Hotline: 0983.970.780

Phận nghèo những ngày phong tỏa

[Bài 3] Ai biết cơm gạo từ thiện ở chỗ nào cho chúng tôi xin với

Thứ Hai 16/08/2021 , 09:18 (GMT+7)

Bệnh tật hành hạ đã đành, lại còn có những người thiếu ăn, người lao động thất nghiệp ở Thủ đô Hà Nội đang lay lắt qua những ngày bĩ cực.

Nhóm lao động thất nghiệp xin cứu trợ ở phố Khương Đình. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhóm lao động thất nghiệp xin cứu trợ ở phố Khương Đình. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đói kém bủa vây, ốm đau chực chờ

Sau một vài hôm Thủ đô Hà Nội kéo dài thời gian giãn cách, nửa đầu tháng Tám, trên nhiều trang mạng xã hội liên tục xuất hiện những lời cầu cứu, những chia sẻ về cuộc sống quay quắt, dặt dẹo, muôn vàn khó khăn của người lao động.

Mọi người ai biết chỗ nào hỗ trợ gạo không, chúng tôi đói lắm rồi? Ai biết chỗ nào có phát cơm cháo từ thiện gì không, chúng tôi không thể bám trụ được nữa... Và nhan nhản những lời cầu khẩn khác đã cho thấy đời sống của người dân lao động những ngày Hà Nội phong tỏa cơ cực đến nhường nào.

Thật xót xa khi chứng kiến hình ảnh 8 lao động mất việc phải nằm vạ vật dưới chân gầm của đường Vành đai 3, đối diện Bến xe Mỹ Đình. Họ đến từ nhiều vùng quê các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Tuyên Quang, Điện Biên, Nghệ An lên Hà Nội làm nghề thợ xây. Hà Nội phong tỏa, từ nhiều hôm trước những người này đã phải bán đi những vật dụng như điện thoại di động, cầm cố căn cước công dân để lay lắt từng ngày chờ có thể đi làm trở lại. Họ đã không còn gì ăn, không chỗ tắm giặt, vệ sinh đã đành, đến cả chỗ lót tạm tấm thân cũng luôn phải lo âu, sợ bị xua đuổi.

Và nữa, một nhóm lao động 15 người, trẻ nhất mới sinh năm 2004, quê ở Thanh Hóa chen chúc nhau trong một khu trọ 30m2 tại đường Tây Mỗ. Những người này mới làm việc ở công trường được năm ngày thì Hà nội giãn cách xã hội, chủ công trình không có bất kỳ sự hỗ trợ nào, tiền hết, đồ ăn dự trữ như gạo, cá khô, mắm muối cũng hết, phải ăn mỳ tôm suốt mấy ngày qua.

Khó khăn đến mức, bốn thanh niên người Thái ở Mường Ẳng, Điện Biên vốn là công nhân xây dựng tại Trường Đại học Thành Đô do không còn gì ăn nên quyết định đi bộ từ Hà Nội lên tỉnh Hòa Bình để nhờ người nhà xuống đón về.  

Chắc chắn sẽ còn nhiều, nhiều nữa, những hoàn cảnh, số phận người lao động đang sống quay quắt trong những ngày Hà Nội phong tỏa. Những lao động nông thôn ra thành phố mưu sinh vốn đã phải bán đi sức khỏe để sống qua ngày, gặp thời buổi dịch bệnh, lo cái ăn, chỗ ở đã cùng cực lại luôn canh cánh nỗi lo ốm đau, bệnh tật ập đến. Không còn con đường nào khác ngoài việc cầu cứu sự hỗ trợ từ cộng đồng, chính quyền địa phương.

Cũng thông qua một lời cầu cứu trên mạng xã hội, chúng tôi lần tìm vào một con ngõ nhỏ trên phố Khương Đình (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân), nơi 11 con người đang bị mắc kẹt với lời cầu cứu: Ai biết chỗ nào cấp gạo, đồ ăn miễn phí thì cho chúng em xin về cho thợ ăn với ạ.

Đó là một ngôi nhà đang xây dở dang, bốn bề vẫn ngổn ngang vật liệu, ở giữa là 2 chiếc chiếu, vài chiếc chăn. Đàn bà ở tầng dưới, đàn ông ở tầng trên, nằm ngổn ngang, la liệt cả.

Nhóm lao động này đến từ nhiều tỉnh khác nhau như Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Nam Định…  Họ gặp nhau ở công trình xây dựng này mới chỉ mấy tháng trước với mức thu nhập dao động từ 100-300 nghìn đồng mỗi ngày. Bình thường chịu khó làm lụng cũng có tích cóp để phòng thân, gửi về quê hỗ trợ gia đình, nhưng đây là mùa dịch, cơ chế làm ngày nào trả công ngày đó khiến giờ phút này trong tay họ chẳng còn gì.

Nguyễn Văn Trịnh, thợ xây trẻ tuổi nhất quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định kể, cả nhóm gặp nhau từ giữa tháng Sáu, mới làm được mấy chục hôm thì Hà Nội bùng phát dịch trở lại, công trình phải dừng hoạt động, bắt đầu những ngày chỉ ăn mà không có việc làm.

“Đợt thứ nhất từ ngày 24/7 đến ngày 7/8, lúc đó chúng em vẫn còn tiền công tích cóp, được chính quyền địa phương phát phiếu đi chợ, đi mua thực phẩm và hàng thiết yếu để “chiến đấu”. Cũng chỉ nghĩ độ hai tuần thì mọi người cùng nhau chắt chiu, bóp bụng chịu khổ chắc là cũng ổn. Nhưng đến khi có thông báo kéo dài thời gian phong tỏa thêm hai tuần thì ai nấy đều lo lắng thực sự. Tiền công bắt đầu hết, chủ công trình cũng đang bị cách ly ở dưới Nam Định, phiếu đi chợ không có, không ai được ra đường. Từ dăm bữa trước rồi mỗi ngày chúng em chỉ dám ăn một bữa cơm, bữa còn lại phải ăn mỳ tôm mua chịu từ một tiệm tạp hóa ở gần, đến hôm nay nữa là hết sạch gạo dự trữ. Chưa có khi nào thèm một đĩa rau xanh như bây giờ anh ạ”, Trịnh nói.

Không có việc làm, không có tiền đương nhiên là phải ăn uống kham khổ, thiếu thốn, đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng vì thế mà thê thảm. Cả chục con người nhưng chỉ có một chiếc quạt công nghiệp dùng chung, gặp mấy hôm rồi Hà Nội nóng bức, họ phải lấy ruột chăn bông đem đi giặt sũng nước rồi trải ra sàn, ai mà nóng quá thì nằm lăn lên đấy.

Cũng không rõ việc nằm lên chiếc chăn bông sũng nước giữa mùa hè nóng nực của Thủ đô có làm dịu đi cảm giác oi bức khó chịu hay không trông ai nấy đều xanh xao vì thiếu ăn và đói ngủ. Lo lắng với cuộc sống ở đây đã đành, còn kéo theo cả “đoàn tàu” nơi quê nhà nữa. Hầu hết các lao động tự do các tỉnh lên Hà Nội đều có chung một mục đích là làm việc cật lực kiếm tiền gửi về quê hỗ trợ người thân. Gặp cảnh dịch bệnh, mắc kẹt ở Thủ đô, bản thân còn lo không nổi thì thử hỏi lấy đâu ra dư dả để gửi về.

Lao động thất nghiệp Nguyễn Văn Trịnh: Ai biết cơm gạo từ thiện chỗ nào cho chúng tôi xin với. Ảnh: Phạm Hiếu.

Lao động thất nghiệp Nguyễn Văn Trịnh: Ai biết cơm gạo từ thiện chỗ nào cho chúng tôi xin với. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bình thường, mỗi tháng, mỗi một lao động khỏe mạnh, có tay nghề như Trịnh sẽ tích cóp được khoảng 6 triệu đồng để gửi về quê. Chi tiêu sinh hoạt, con cái học hành, đám hiếu đám hỉ ở quê đều trông hết vào khoản tiền đó. Thủ đô bị phong tỏa, cả tháng trời không kiếm được đồng nào, lại tiêu hết cả tiền tích cóp, những người như Trịnh bây giờ chỉ ước giá như đang được ở quê.

“Nếu được về thì tôi sẽ về ngay. Về nhà tuy không có việc làm nhưng tinh thần còn thoải mái. Chứ cứ mắc kẹt mãi ở đây, ăn ngủ vật vờ, ngày chẳng ra ngày đêm chẳng ra đêm. Thà rằng được làm, được xây, được hoạt động thì người còn hoạt bát, đầu óc còn minh mẫn, chứ nghỉ dài như này người cứ ì ra. Tiền không có mà ăn cũng chẳng có, chán lắm. Sợ nhất là phải giãn cách thêm đợt nữa. Phải tự tìm đường sống cho mình trước, tự tìm cách để mà về quê chứ ở lại đây có mà chết đói”, Nguyễn Văn Trịnh quả quyết.

Nhóm thợ xây đang dở dang câu chuyện thì người nhà chị Hà Thị Hiên (40 tuổi, quê ở Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) gọi điện. Nghe đưa con trai hỏi bao giờ được về nhà thì chị ta bưng mặt khóc. Cả hai vợ chồng chị Hiên đều là lao động tự do, ở quê không có việc gì ra tiền nên quanh năm phải lên Thủ đô kiếm sống. Sinh hoạt, học hành của con cái đều trông cậy hết vào ông bà nội ngoại. Bình thường cũng có tích cóp gửi về, giờ dịch bệnh thế này, ăn uống còn không đủ, hai đứa con lại chuẩn bị vào năm học mới, chỉ nghĩ đến thôi cũng đã thấy lo lắng, bất an.

Những hạt gạo cuối cùng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Những hạt gạo cuối cùng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chỉ mong bệnh đừng nặng thêm lúc này

Dịch bệnh, phong tỏa đang phơi hết ra những vất vả, khổ cực của người lao động. Không chỉ là thất nghiệp, thiếu ăn mà còn cả những nỗi lo về bệnh tật, hậu quả của cả cuộc đời cật lực mưu sinh. Nhiều nhất là xương khớp, tim mạch, sờ đâu cũng thấy bệnh nhưng họ chẳng mấy khi dám tự mình đi khám.

Trường hợp của chị Dương Thị Trái quê ở xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái là một ví dụ. Làm ruộng ở quê không sống nổi, chị ta đã phải gửi đứa con trai đang học tiểu học cho gia đình nhà thông gia để xuống Hà Nội làm phụ hồ với mức thu nhập nếu làm cật lực sẽ được khoảng 150.000 đồng/ngày.

Chị Trái chịu thương chịu khó và có nghị lực vào loại phi thường. Nhà chỉ còn ba mẹ con sau khi người chồng không may mất vào tám năm trước. Gia cảnh vốn đã khốn khó lại đè hết lên vai người phụ nữ có thân hình bé như cái kẹo, đã thế lại còn bệnh tật. Chị ta bị căn bệnh bướu cổ basedow, ngoài việc bán sức mình lo cho đám con cái có cái ăn thì ngày ngày vẫn phải trích ra một khoản để thuốc men chữa trị. Trước ở quê thỉnh thoảng còn đến bệnh viện tỉnh Yên Bái xin một ít thuốc từ bảo hiểm, xuống đây, thân cô thế cô, thẻ bảo hiểm cũng hết thời hạn, vừa làm phụ hồ vừa mong bệnh đừng có nặng thêm lúc này.

'Hết thuốc rồi, cái ăn cũng chẳng còn, tôi chỉ mong bệnh đừng có nặng thêm lúc này', chị Dương Thị Trái. Ảnh: Phạm Hiếu. 

"Hết thuốc rồi, cái ăn cũng chẳng còn, tôi chỉ mong bệnh đừng có nặng thêm lúc này", chị Dương Thị Trái. Ảnh: Phạm Hiếu

“Trước đi khám bác sĩ dặn cái bệnh này rất nguy hiểm cho tim mạch, một ngày sẽ phải uống nhiều loại thuốc làm cơ thể mệt mỏi nên cần phải giữ sức khỏe, không được lao động quá sức, phải ăn uống đầy đủ, điều độ. Nhưng tôi không làm được. Nhà quê thất nghiệp, không lên phố bán sức mình thì anh bảo biết làm gì. Lao động chân tay, mỗi ngày thu nhập được trăm rưỡi nghìn, đủ thuốc men, đủ ăn đã là chật vật, lấy đâu ra điều độ với đủ đầy hả chú.

Thường một tháng tôi sẽ phải mua khoảng một triệu tiền thuốc. Tức là ngoài một ít gửi về nuôi con thì còn lại cơ bản phải mua thuốc hết chứ chả để lại được đồng nào. Bây giờ thất nghiệp, thuốc sắp hết, tiền cũng không có, thôi thì cứ để vậy, cũng chẳng biết làm thế nào nữa”, chị Trái thở than.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.