| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ một chiếc quan tài

Thứ Tư 02/04/2014 , 07:00 (GMT+7)

Giấc mơ rờn rợn ấy là của người đàn bà mù bán cá ở chợ Hàm Tử Quan (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội). Một tấn bi kịch của những phụ nữ nông thôn rời làng kiếm sống ở đất Thủ đô.

Người đàn bà mù bán cá

Chợ Hàm Tử Quan, ngày nắng cũng như ngày mưa đều có thể nhìn thấy một người đàn bà bán cá với phong cách rất lạ. Một mẹt cá biển, một chiếc thau nhựa khi đựng vài con mực, lúc mấy con ngao. Một chiếc cân sắt thủ công, một đôi mắt nhờ nhờ thường xuyên nhìn vào khoảng không vô định.

Người đàn bà ấy tên là Đoàn Thị Tuệ (53 tuổi), quê ở thôn Tây Tiến, xã Thọ Vinh, huyện Kim Động (tỉnh Hưng Yên), lên Hà Nội kiếm sống ngót nghét chục năm nay. Bà bảo với tôi, lúc nào kiếm đủ tiền mua một cái quan tài thì sẽ về quê. Vậy mà ngót chục năm trời rồi, cái kế hoạch cuối cùng của một đời người ấy vẫn chưa thực hiện được.

Một ngày của người đàn bà mù này bắt đầu từ lúc 3 giờ sáng. Bà cũng giống như phần lớn cư dân ở xóm lao động Phúc Tân, xóm của những lao động nông thôn lên Thủ đô kiếm việc. Xóm của những người phải đổ mồ hôi từ thời khắc người ta ngủ ngon nhất thì mới có tiền.

Công việc của bà Tuệ là đi bộ lên chợ Long Biên lấy cá về bán ở chợ Hàm Tử Quan. Tính trung bình, mỗi ngày người đàn bà mù lòa này đi bộ gần chục cây số. Bán cá từ sáng tinh mơ đến tối mịt mới về. Đắt được tầm 50 ngàn đồng tiền lãi, bán ế coi như lỗ. Có những ngày sạch cả vốn lẫn lời vì bị người ta lừa.

13-56-54_anh1
Bà Tuệ

Thuở đầu rời quê lên Hà Nội kiếm việc, bà Tuệ còn là người khỏe mạnh. Lúc ấy, chợ ngược, chợ xuôi, chẳng khi nào hết việc. Được đâu một hai năm, trăm thứ bệnh bập vào người nên mắt bà cứ mờ dần rồi đến lúc mù tịt.

Nhớ lại quãng thời gian ấy, người đàn bà nói giọng chua xót: "Nhà cháu định về lại dưới quê. Nhưng về quê thì biết làm gì? Ruộng nương thành khu công nghiệp hết rồi. Anh em, họ hàng đều là nông dân thất nghiệp, đều khó khăn, lại còn có vợ con, gia đình bìu ríu nữa. Ai dư dả gì đâu mà nuôi một người đàn bà mù. Nhà cháu khóc. Khóc chán lại đói nên phải bò đi kiếm việc chứ không thì chết mất".

Bố mẹ bà được 5 người con. Từ đời bà ngoại của bà, gia đình họ nếu không bám được ruộng đồng thì phải rời làng để mưu sinh. Đến lúc mất ruộng thì nhà nào cũng phải đi lên phố. Xóm Phúc Tân chỉ là một trong nhiều khu lao động tập trung nông dân ở những vùng quê tương tự.

Nghe đâu, ngày xưa nơi này chỉ là bãi cát bồi. Dần dà dân tứ xứ đến ở rồi thành xóm, thành phường. Họ làm đủ thứ nghề, nhưng phổ biến nhất vẫn là bán sức lao động và buôn thúng bán mẹt.

Bà Tuệ từng khóc bà ngoại và bố cạn nước mắt khi họ chết vì bệnh tật sau những năm tháng vắt kiệt sức ở các khu lao động ở thành phố này. Đến bi kịch của đời mình bà khóc ít hơn. Tôi nghĩ, nếu ông trời chỉ cho người ta giới hạn nước mắt để khóc cho một kiếp người thì bà Tuệ đã dùng hết. Vậy nên, chuyện tưởng buồn bà lại kể như không.

Lúc mới bị mù còn có cô em dâu dẫn đường đi lại buôn bán, một thời gian sau cô ta chuyển về làm công nhân dưới Quảng Ninh nên chỉ còn mình bà. Không ít bận bà đi lạc, ngược ra sông Hồng, sẩy chân suýt chết. Bà nghĩ, giả có chết đi cũng được, chỉ hiềm một nỗi chưa đủ tiền để mua cái quan tài khi nằm xuống, sợ liên lụy đến anh em. Nghĩ thế nên bà phải tập để đi cho quen, để sống.

Khổ cực trăm bề nhưng người đàn bà mù lòa này vẫn còn đang trụ được. Duy có khoản tiền nong thì bà chịu. Cả chục năm bán cá gần như bà chỉ đủ nuôi thân. Tiền dành dụm được bao nhiêu cũng nào có biết.

Thỉnh thoảng bà lại móc chiếc bao nilon đựng tiền ra hỏi mọi người xem đã đủ để mua một chiếc quan tài chưa? Ai cũng bảo là chưa đủ. Mà đủ sao được. Với điều kiện buôn bán của bà thì còn miếng ăn đã là may.

13-56-54_anh4
Gia tài của những lao động nông thôn ở Thủ đô

Một người đàn bà phóng chiếc xe máy sang trọng đỗ xịch trước mẹt cá của bà Tuệ. Bà ta mua 6 con cá, hết 24 ngàn nhưng chỉ đưa tờ 20 ngàn rồi bảo 100 ngàn, thối đi. Như thường lệ, bà Tuệ chìa chiếc bao nilon đựng tiền ra cho khách tự lấy. Bà kia cầm một nhúm tiền định phóng xe đi, nhưng người đàn bà mù mới cầm tờ 10 ngàn đồng lên hỏi có phải tờ 100 ngàn hay không?

Lúc này chị bán tôm chậc lưỡi: Rõ khổ. Cứ dăm bữa lại bị mất tiền. Cách đây mấy hôm có một người đàn bà trưa nào cũng ra mua cá. Lúc đầu chẳng ai để ý vì trông bà ta cũng sang trọng, ra vẻ người tử tế. Nhưng mấy lần thấy bà ta chỉ đưa tờ đưa 20 ngàn rồi bảo tờ ấy có mệnh giá 200 ngàn, bị phát hiện thì ngoảy đít bỏ đi.

Bà Tuệ chỉ thấy tủi thân. Mình mù lòa, tật nguyền, lại ở quê lên, người ta lừa cũng phải chịu chứ làm gì được? Thôi thì cố gắng làm đến chừng nào đủ tiền mua một chiếc quan tài thì sẽ về quê chờ ngày chết.

Giấc mơ tù túng ở xóm ngụ cư

Tôi ngồi bán cá cùng bà Tuệ một buổi sáng. Thấy bà mù cũng có người mua, nhưng cũng không ít kẻ bĩu môi quay đi vì nghĩ rằng mớ cá ấy ẩm ôi giống cuộc đời bà vậy. Hôm ấy bà không bị mất tiền, nhưng tính toán kỹ chỉ lãi ra có hơn 10 ngàn đồng, đủ tiền
ăn một bữa cơm.
"Hơn chục năm lên Hà Nội rồi mà nhà cháu nào có biết bát phở. Chắc là ngon. Phở Hà Nội mà. Không biết trước khi về quê có được ăn lần nào không", bà Tuệ bảo thế.

Chỗ ở của bà Tuệ nằm trong khu trú ngụ của dân lao động nông thôn tứ xứ. Vãn chợ. Tôi theo người đàn bà mù về ngõ 277 Phúc Tân. Ngoằn ngoèo, chật chội, bẩn thỉu và tối như hũ nút.

Bà Tuệ thuê chiếu của chủ nhà tên Xuân. Đó là một phòng ở tập thể ban ngày cũng phải bật điện mới thấy đường. Phòng không cố định số người thuê. Cứ một chiếc chiếu cho ba người nằm, nằm đến lúc nào ken kín thì thôi.

Chiếc chiếu của bà Tuệ còn có hai người đàn bà với một đứa trẻ con. Phải. Họ chỉ thuê chỗ nằm chứ khó gọi là nơi ở được. Đồ dùng sinh hoạt mỗi người gói gọn trong một cái làn. Vài ba bộ quần áo cũ kỹ chứ có gì đâu. Trời mùa nóng, muỗi vo ve như ong, nhưng đến cái màn cũng không, quạt điện cũng rất chi xa xỉ.

Hai người đàn bà chung chiếu cùng bà Tuệ, một người tên Hà, một người nữa tên Xuyên, quê đều ở Thái Bình. Bà Xuyên đi buôn hành tỏi còn bà Hà đi làm ô-sin. Họ đều có chung cảnh ngộ là bám quê không sống nổi, vì miếng cơm manh áo mà phải bỏ làng. Nhưng lên phố, cái cốt cách người quê không bỏ được, qua cái cách họ nói chuyện với người lạ cứ xưng mình bằng cháu.

Như bà Xuyên năm nay cũng ngoài 60 rồi. Một câu cháu hai câu cháu, gọi tôi bằng cậu. Chồng chết sớm. Con cái cũng đủ trai đủ gái, cũng có gia đình riêng, nhưng của đáng tội, đứa nào đứa nấy đều hoàn cảnh, lại phải đầu tư cho con cái học hành, nên không có sức kham mẹ già.

Ruộng vườn không đủ sức làm, bà theo người ta lên Hà Nội kiếm việc. Thời còn sức thì đi phụ hồ, bốc vác. Đến lúc sức tàn lực kiệt quay sang đi buôn rau. Tiếng là buôn rau vậy thôi nhưng hàng hóa của bà gói gọn trong chiếc mủng. Hành, tỏi, chanh, ớt... Kiếm vừa đủ tiền ăn và tiền thuê trọ.

Hoàn cảnh bà Hà cũng tội. Mẹ đi làm ô - sin, tiền dành dụm được đổ vào thuốc thang cho thằng con 10 tuổi ngớ ngớ ngẩn ngẩn. Không biết nó bị bệnh gì vì chưa bao giờ đi khám cả. Nhìn giống bị bệnh đao nhưng vì không có tiền đem đi viện nên bà toàn ra hiệu thuốc tây mua thuốc đau đầu cho nó uống.

13-56-54_anh3
Bà Xuyên

Ban ngày xóm vắng hoe vắng hoét. Tối đến các lao động mới tập trung về. Phúc Tân có khoảng 100 lao động nông thôn. Hoàn cảnh thì như lời bà chủ Xuân: Nghèo đều, khổ đều, bi đát như nhau cả. Ở quê không làm ruộng được hoặc làm ruộng không sống nổi. Lên Thủ đô thì công việc nặng nhọc, ốm đau, bệnh tật, bị xã hội lừa lọc, xua đuổi...

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Người tái hiện cảnh Bắc Bộ xưa trên cánh đồng làng

Cánh đồng Ngãi và Chành bỏ hoang chục năm nay bỗng một ngày xuất hiện một đầm sen rộng bát ngát và mấy căn chòi bằng gỗ lá đầy hấp dẫn bước chân người.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hai bản ở thành phố Sơn La vẫn chìm trong biển nước

SƠN LA Người dân tại 2 bản thuộc xã Chiềng Đen vẫn đang oằn mình chống chọi với tình trạng ngập lụt kéo dài, sau cơn bão số 2 chưa thể trở về trạng thái bình thường…