| Hotline: 0983.970.780

Phận nghèo những ngày phong tỏa: [Bài 2] Mắc kẹt ở Hà Nội

Thứ Sáu 13/08/2021 , 08:42 (GMT+7)

Người lao động bình thường khi Hà Nội bị phong tỏa đã chật vật, những người bệnh lên Thủ đô điều trị không kịp về quê lại càng thêm thê thảm.

Có ngày chỉ ăn một bữa

Đợt phong tỏa lần này, hàng quán, chợ búa, xe ôm, giao hàng ở nhiều khu vực thuộc Hà Nội đều cấm hoạt động nên khổ nhất có lẽ là bệnh nhân và người nhà ở các tỉnh lên điều trị bị mắc kẹt lại ở Thủ đô. Họ đang phải sống dựa vào những tấm lòng từ thiện của các tổ chức, cá nhân.

Bệnh nhân bị mắc kẹt, ngày ngày trông chờ những bữa ăn từ thiện ở Bệnh viện K Tam Hiệp. Ảnh: Hoàng Anh.

Bệnh nhân bị mắc kẹt, ngày ngày trông chờ những bữa ăn từ thiện ở Bệnh viện K Tam Hiệp. Ảnh: Hoàng Anh.

Bệnh viện K cơ sở 2 nằm trên phố Tựu Liệt, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội, tuyến cuối của nhiều bệnh nhân mắc bệnh nan y ở các tỉnh thành về đây cố vớt vát niềm hi vọng được sống.

Buổi chiều cuối tuần, tiếng loa thông báo lanh lảnh vọng vào khu vực nội trú bệnh viện và cả những khu trọ dành cho người nhà bệnh nhân nghe thật buồn thảm, não nề: Từ thiện Nhuận Tâm xin mời toàn bộ bệnh nhân trong bệnh viện, người nhà bệnh nhân trong các khu trọ ra cổng bệnh viện ngay bây giờ để nhận bún, khi đi nhớ mang theo cặp lồng.

Ít phút sau người người lần lượt xếp hàng nhận bún, trong số họ còn nguyên bộ quần áo của bệnh viện, người quấn đầy những dây rợ, tay xách cặp lồng, tay cầm theo cả bịch chuyền. Người nhà ở ngoài trực tiếp nhận tại bếp, bệnh nhân phía bên trong nhận cặp lồng được chuyển qua cánh cổng sắt để đảm bảo khoảng cách theo quy định.

Tổng cộng có đến mấy trăm lượt người nhận bún như thế, tất cả họ đều là bệnh nhân hoặc người nhà đi theo chăm sóc bị mắc kẹt lại Hà Nội trong đợt giãn cách đã kéo dài gần hai mươi ngày qua.

Những suất ăn từ thiện là cứu cánh thời điểm này. Ảnh: Phạm Hiếu.

Những suất ăn từ thiện là cứu cánh thời điểm này. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bình thường bệnh nhân hay người nhà đi theo chăm sóc đến đây đã là khổ lắm, vào những ngày này lại càng xót xa. Những suất cơm, bát bún, đôi khi là củ khoai, gói mỳ tôm cũng là cứu cánh. Nói như bà Trần Thị Yên, 68 tuổi, quê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa một bệnh nhân đang điều trị ung thư ở K Tam Hiệp thì với hoàn cảnh của những người như bà bây giờ nếu không có những bữa ăn từ thiện thế này thì thực sự không biết sẽ sống kiểu gì.

Bà Yên là một trong số khoảng gần 200 bệnh nhân lên bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp điều trị và mắc kẹt lại khi Hà Nội có lệnh phong tỏa. Khác với những hoàn cảnh khác, đi bệnh viện thường có người nhà đi cùng để tiện bề chăm lo, chạy vạy thuốc men, ăn uống, bà ta chỉ một thân một mình. Chẳng cần đến căn bệnh quái ác thì cuộc đời bà cũng đã đầy rẫy những bi kịch rồi.

Cả cuộc đời bám víu đồng ruộng, xấu số phải qua hai lần chồng nhưng không có con nên kể từ khi phát hiện mắc bệnh ung thư bà định bụng cứ để mặc sống chết. Mà giả sử có muốn chữa chạy cũng chẳng có tiền. Ông chồng đã ngoài tám mươi, hai vợ chồng thường xuyên ốm đau bệnh tật, chẳng lao động được gì, đến ăn còn không đủ thì tiền đâu mà đi Hà Nội chữa bệnh.

Cũng may còn có họ hàng, làng xóm động viên giúp đỡ, người cho dăm chục đến vài trăm nên mỗi lần gom góp đủ bà lại ra đây để truyền hóa chất. Thường thường những chuyến đi lần trước, cứ hết tiền thì bà Yên lại nhảy xe về quê, lại trông chờ họ hàng làng xóm thăm nom, lại vay mượn, thậm chí là xin xỏ khi nào đủ thì ra điều trị tiếp. Nhưng lần này bà không về được... Qua ngày phong tỏa thứ ba thì số tiền để dành nhảy xe cũng phải mang ra tiêu nốt. Viện phí, thuốc men chữa trị nhờ bảo hiểm hỗ trợ được 80%, còn tiền ở trọ, tiền ăn, tiền sinh hoạt hằng ngày bà đều không có, phải van nài chủ nhà trọ khất lần được ngày nào thì hay ngày đó.

Toàn bệnh nan y cả mà ăn uống vật vờ. Hằng ngày những người như bà Yên được các sư thầy ở chùa Linh Sơn phát cho một bữa cơm từ thiện vào buổi trưa, còn buổi tối bếp từ thiện Nhuận Tâm có cái gì thì ăn cái đó. Vào những dịp cuối tuần, bếp của chùa nghỉ thì có khi cả một ngày những người như bà Yên chỉ được ăn một bữa.

“Ngày hôm qua tôi đang truyền dở thì đến giờ từ thiện phát cơm, mệt lắm nhưng cũng phải cố mà đi vì không đi thì biết lấy gì ăn hả chú? Mấy hôm nay bác sĩ lại nói tôi bị thêm men gan cao, ăn uống vào thấy mồm miệng đắng lắm nhưng vẫn phải cố nuốt để chờ ngày được về quê”, bà Yên mệt nhọc.

Với nhiều người bệnh, ăn uống thời điểm này phụ thuộc hoàn toàn vào những bữa cơm, bữa cháo của các nhà hảo tâm. Ảnh: Phạm Hiếu. 

Với nhiều người bệnh, ăn uống thời điểm này phụ thuộc hoàn toàn vào những bữa cơm, bữa cháo của các nhà hảo tâm. Ảnh: Phạm Hiếu. 

Người neo đơn thì như thế, kẻ có vợ có chồng cũng chẳng khá hơn bao nhiêu. Trong căn phòng thuê trọ rộng độ 10m2, vợ chồng ông H, bà D quê ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đang ngồi đếm những đồng tiền mang theo cuối cùng, cho dù so với nhiều hoàn cảnh ở quê lên đây chữa bệnh khác thì ông bà cũng không đến nỗi quá bi đát.

Hai năm trước ông D bị phát hiện ung thư thực quản. Đều đặn cứ hai mươi ngày lại phải lên Hà Nội một lần để truyền hóa chất. Bà H tính rằng, mỗi chuyến đi như thế vợ chồng ông bà tốn khoảng 12 triệu đồng. Tiền truyền hóa chất hết 3 triệu, tiền thuê phòng trọ, tiền ăn uống sinh hoạt hết khoảng 300 nghìn đồng mỗi ngày. Năm đầu ông D bị bệnh gia đình còn kham được, đến năm thứ hai, mỗi lần lên đây đều phải chạy vạy vay mượn đủ khắp mọi nơi. Tiền thuê trọ, thuốc men ông  bà vẫn còn có để chi trả còn ăn uống từ chục hôm nay phụ thuộc hoàn toàn vào những bữa cơm, bữa cháo của các nhà hảo tâm.

“Chữa bệnh ở đây đa số là người dân nông thôn, làm ruộng hoặc lao động tự do ở khắp các tỉnh. Cực nhọc cả đời có tích cóp được mấy đâu. Một vài chuyến vào đây coi như hết sạch. Dạo Hà Nội chưa bị phong tỏa, người nhà bệnh nhân đi theo ngoài thời gian ở viện còn chạy vạy làm lụng kiếm thêm đồng ra đồng vào, đợt này chịu chẳng làm thêm gì được nên đa phần đều lâm vào cảnh túng bấn, tiền thuốc, tiền sinh hoạt hàng ngày vất vả vô cùng”, những người thuê trọ khu Tựu Liệt than thở.   

Kiệt quệ lắm rồi

Bếp từ thiện Nhuận Tâm trước cổng Bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp do một cặp vợ chồng già là ông bà Trần Văn Bảy và bà Dương Thị Thế cùng với cô Hoa xe ôm thành lập từ nhiều năm trước.

Ông Trần Văn Bảy nói, vốn dĩ những người ở dưới quê lên đây điều trị ung thư thì họ, gia đình họ đã kiệt quệ lắm rồi, chúng tôi chỉ mong hỗ trợ được cái gì thì hay cái đó. Nói hàng quán, chợ búa đóng cửa chỉ một phần, chứ có nhiều hoàn cảnh phải sống nhờ vào những bếp ăn thiện tâm bởi có bao nhiêu tiền của đã phải dồn hết vào thuốc men, sinh hoạt hàng ngày.

Lường Văn Tha, một thanh niên quê ở Hòa Bình đang chăm bố vợ, ông Nguyễn Phúc Tiên, bị ung thư dạ dày là ví dụ. Hai năm nay, cả gia đình ông Tiên làm lụng, chắt bóp được đồng nào đều phải đổ dồn cho ông chữa bệnh, vậy mà cũng chẳng đủ.

Xuống Hà Nội lần này, toàn bộ số tiền hơn 10 triệu đồng là tiền đi vay. Họa vô đơn chí, những lần trước hai bố con điều trị ngoại trú nên mỗi ngày chỉ tốn 70 nghìn đồng tiền thuê trọ, lần này Hà Nội bị phong tỏa, ông Tiên buộc phải vào nội trú, mỗi ngày thuê giường bệnh nằm mất 200 nghìn đồng. Bệnh của ông cũng diễn tiến ngày càng phức tạp, cơm cháo từ thiện không ăn nổi mà phải mua về xay nhuyễn để bơm thẳng vào dạ dày.

“Chuyến này không biết ông có qua khỏi không chứ gia đình em chẳng còn gì cả. Vay mượn cũng hết chỗ rồi. Bây giờ được về quê có khi bố con em cũng không có đủ tiền xe mà về anh ạ”, Lương Văn Tha nói bằng giọng chán nản, bất lực.

Đầy rẫy những hoàn cảnh thương tâm. Ảnh: Hoàng Anh.

Đầy rẫy những hoàn cảnh thương tâm. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Bảy thêm vào, ở đây, những hoàn cảnh như bố con ông Nguyễn Phúc Tiên nhiều lắm. Thậm chí có những trường hợp bệnh nhân vào giai đoạn cuối, không khỏi mùa dịch, bệnh viện phải thông báo cho người nhà qua Văn Điển nhận tro cốt, chết cũng chẳng được nhìn mặt, dặn dò người thân lần cuối. Đấy là chưa kể thực trạng có thể ra được khỏi Hà Nội nhưng về đến quê lại lo địa phương không tiếp nhận.

“Thời điểm này không riêng gì bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đâu chú. Người lao động họ cũng khổ lắm. Không tin chú cứ đứng đây một lúc mà xem. Đầy dân lao động thất nghiệp cũng phải xin cơm từ thiện để sống qua ngày đấy”.

Ông Bảy không nói ngoa, quanh khu dân cư Tựu Liệt không chỉ riêng người ở quê lên Hà Nội điều trị bệnh bị mắc kẹt đang phải dặt dẹo sống qua ngày. Rất nhiều dân lao động khỏe mạnh, siêng năng làm đủ thứ nghề cực nhọc cũng đang lâm vào cảnh ăn đong, ở nợ.

Chị Nguyễn Thị Thoa, một lao động quê Nghệ An đang mắc kẹt ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chị Nguyễn Thị Thoa, một lao động quê Nghệ An đang mắc kẹt ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chị Nguyễn Thị Thoa (47 tuổi), quê ở Nghệ An, mới ra Hà Nội chạy xe ôm trước dịp Hà Nội phong tỏa một thời gian. Về quê cũng chẳng kịp mà ở lại thì không có việc làm. Số tiền dành dụm được một chút cũng đã tiêu hết, thử hỏi, không ăn nhờ những bữa cơm từ thiện thì còn biết ăn gì. Cũng may chủ trọ là người tốt bụng, cho chị Thoa ở đến khi nào đi làm được sẽ trả sau.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khảo sát mỏ cát tại Vĩnh Long

Vĩnh Long Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Vĩnh Long và chủ đầu tư khẩn trương khảo sát, đánh giá lại hiện trạng tại các hộ dân sinh sống khu vực khai thác của 3 mỏ cát.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm